Các cụ bảo, “ngày đàng (đường) bằng gang nước”, đường dưới biển bao giờ cũng hiểm nguy vất vả vô cùng. Đi trên con tàu lớn ra những hòn đảo lớn, chỉ một hai ngày đêm, tôi đã bã bượi thân xác. Nhảy xuống thuyền thúng, ra khơi vào lộng với con tàu 500 mã lực của anh Trương Quốc Bảo, tôi đã bị tròng trành khổ sở. Còn 20 con tàu lớn chuyên nghề câu cọp biển (cá mập) ở làng Thủy Đầm, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa thì mỗi lần vươn khơi, họ đi cả tháng ròng rã mấy trăm hải lý, câu và hạ sát cả một khoang thuyền vấy máu toàn đám cá mập hung dữ nặng đến vài tạ một con, ở những ngư trường xa tít hút như Hoàng Sa, Trường Sa.

Những tỉ phú mù chữ

Đó thật sự là một thứ nghề nguy hiểm nhất trong những nghề nguy hiểm, có người đã sa sẩy vùi thây trong bụng cá mập, có nhiều người bị cơ quan chức năng Philippines bắt giữ, xét xử, tịch thu tàu mà đến khi chúng tôi tới thăm Thủy Đầm, họ vẫn biền biệt xứ người. Nước mắt chảy tràn, những người đàn bà “lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm” cứ tần ngần buồn bã. Tuy nhiên, không thể nói là không có cái vạm vỡ, kiêu hùng, có sự quả cảm trong cuộc mưu sinh của những người đàn ông đi biển dũng mãnh ấy.

Rời Nha Trang đi gần bốn chục cây số nữa thì đến thị xã Ninh Hòa. Ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Xa xa, dãy núi khổng lồ có phần ngọn bằng phẳng như một tấm bàn lớn. Mưa bóng mây lắc rắc, mây sà xuống như tấm khăn voan trải lên cái mặt bàn khổng lồ mà núi lớn đang ôm cấp. Dưới chân đại cảnh thanh bình ấy, là khu dân cư Thủy Đầm, thuộc vào phường Ninh Thủy của thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên, ai cũng cứ muốn gọi Thủy Đầm đó là một làng chài (thay vì khu phố), của một xã làm nghề đi biển (thay vì phường!), có lẽ bởi như thế nó hợp tình, hợp cảnh hơn.

Ông Lê Văn Trí đón tôi ở đình Thủy Đầm. Ngoài 70 tuổi, với chừng 30 năm làm lãnh đạo làng chài, ngư dân câu cá mập lão luyện này bảo “cứ gọi tôi là trưởng thôn cho nó đầm ấm”. Có thể thấy dấu tích của một làng chài nghèo ở ngay khu sầm uất nhất với san sát biệt thự và nhà cao tầng, với cái cổng chào hoành tráng bằng bêtông kẻ vẽ tinh tươm: “Làng văn hóa Thủy Đầm”. Nhiều ngôi nhà thấp tè, lợp ngói đỏ cũ kỹ. Các ngõ vào đều bé đến mức hai xe máy tránh nhau rất khó. Làng nằm dốc mình ra phía biển. Rãnh thoát nước không có, người ta lấy bêtông be hai cái bờ nho nhỏ ở giữa tim mỗi con đường để nước thải, nước mưa theo đó trôi tuột ra biển.

{keywords}

Hình ảnh dữ dằn khủng khiếp của một con cá mập sau khi bị giết bởi các “tráng sĩ câu cọp biển”.

Chủ của một trong những ngôi nhà làm theo lối biệt thự với gỗ, đá ốp đắt tiền (mà lại cao tầng), là anh Trương Quốc Bảo. Bên cạnh là nhà Trương Toàn, em trai anh Bảo, cũng biệt thự cũng tàu lớn đánh cá mập với 10 nhân viên lừng lững giống như anh mình. 44 tuổi, giống như nhiều người đàn ông Nam Bộ và Trung Bộ nước ta mà tôi hay gặp khác, anh Bảo béo bụng, da ngăm đen, răng rất trắng, dáng đi như chim cánh cụt. Nhưng họ luôn cởi mở từ dáng lạch bạch cho đến nụ cười lấp lóa. Anh đưa chúng tôi ra tàu lớn vươn khơi, “đi cho biết thế nào là câu cọp biển”.

Ngồi thuyền thúng bơi ra được đến chỗ tàu lớn đang neo đậu, đã toát mồ hôi hột rồi. Anh còn bồi thêm: “Đi khoảng 32 đến 42 ngày/chuyến câu cá mập. Đi từ Thủy Đầm, suốt 3 ngày 3 đêm thì đến ngư trường Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lặn xuống các rạn san hô bắt những con cá to bằng bắp chân, bằng bàn tay để móc vào làm mồi câu sống. Cá mập rất thích món đó. Giăng câu khoảng 30 hải lý dằng dặc. Lưỡi câu đây, nó to bằng đầu đũa, cước câu cá mập cũng to lắm. Người ta gọi câu cá mập là săn cọp biển, quê tôi gọi đơn giản là câu to. Tức là câu bằng tàu to, lưỡi và cước to, lá gan người đi biển lớn, con cá mang về rất bự”.

12 tuổi đã phăm phăm cùng cha đi biển đánh cá lớn. Trước, tàu nhỏ, lương thực và dầu, đá lạnh có ít, cha con anh Bảo chỉ dám đánh bắt cá ở ngoài lộng, cách nhà vài giờ đi thuyền gỗ. Khoảng 8 năm gần đây, được Nhà nước cho ưu tiên vay vốn, dám nghĩ lớn, đóng tàu lớn, anh Bảo và khoảng 20 chủ tàu nữa ở Thủy Đầm bắt đầu vươn khơi, tới các ngư trường không thể xa xôi và sóng gió hơn: Trường Sa, Hoàng Sa. Cưỡi con tàu 500 mã lực, trị giá gần 3 tỉ đồng, đang đóng thêm một con tàu lớn hơn nữa, đắt đỏ hơn nữa, vậy nhưng ông tỉ phủ làng chài này vẫn chưa bao giờ biết chữ. Không biết một chữ nào, chưa bao giờ đi học, rất nhiều ngư dân tỉ phú khác ở Thủy Đầm cũng rơi vào tình trạng tương tự.

“Anh tính toán kiểu gì, khi mà lúc nào cũng phải quản lý 10 ngư dân lang thang cùng mình trên biển cả tháng trời. Mỗi chuyến đi cả trăm triệu đồng tiền dầu, tiền đá, tiền lương thực dự trữ, rồi lúc về bán cả tấn cá mập cho thương lái, anh “làm” kiểu gì?” - tôi thắc mắc. “Tính toán do bà vợ và bà già (mẹ đẻ) của tôi lo hết. Tôi chỉ lo quản lý tàu, đi biển, đánh cá rồi về… ngủ”. “Thế anh dùng điện thoại đắt tiền, lưu tên, nhắn tin gọi điện thì “bấm nút” kiểu gì?”. “À, đếm tiền tôi vẫn biết đếm, nhìn mặt tiền vẫn nhận ra loại tiền nào chứ. Lưu tên cũng biết lưu, vả lại tôi không phải nhớ mặt chữ nhiều lắm, vì tôi có mấy khi gặp ai ngoài người nhà và bạn đi biển vài người đâu nhỉ?”.

Sống giản dị, hồn nhiên. Nhưng lúc ra biển lớn, sóng dữ, thì anh đánh bắt cá mập kiên cường, dũng mãnh hơn ai hết.

{keywords}

Vi cá mập - món đặc sản có giá trị cao trên thương trường.

Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm

Săn cá mập là nghề nguy hiểm, tốn công sức nhất trong tất cả các thể dạng mưu sinh trên biển lớn. Có người bị cá quẫy văng xuống biển, vùi thây trong bụng cá hoặc bụng biển, vĩnh viễn không ai biết. Bản thân các ngư dân Thủy Đầm, trước khi vươn khơi, hầu hết họ và gia đình đều phải thắp nhang cầu khấn. Không mê tín dị đoan đâu, nhưng trong đáy lòng, họ hiểu rằng đối mặt với biển cả, sóng cao như nóc nhà, cá lớn như thủy quái, tàu hơi lơn lớn, sức con người thôi chưa bao giờ là thứ neo giữ đủ an toàn cả. Họ cần bấu víu vào một niềm tin cao hơn. Có đi câu cọp biển mới biết đời người săn cá mập không chỉ khiến vợ, con, cha mẹ, anh em, hàng xóm ở nhà phải “hồn treo cột buồm” mà chính các ngư phủ cũng luôn có cảm giác mạng sống của mình treo nơi ngọn sóng.

“Gần chục người đeo bình nén khí, lặn xuống đáy biển ở các khu vực rạn san hô để bắt cá mồi. Đó cũng là nơi kiếm ăn với các loài cá khoái khẩu của cá mập. Không được mang mồi từ nhà đi, vì nó sẽ chết, cá mập không thích ăn. Câu xong một mẻ, lại đi lặn bắt cá mồi tiếp. Mệt nhất là cảnh giăng câu trên vùng biển dài mấy chục hải lý, với hàng nghìn lưỡi câu và nhiều tấn cá mồi. Kiệt sức suốt đêm ngày làm bạn với mặt sóng, đến lúc cá cắn câu, đi bắt, đâm, giết, kéo cá còn mệt hơn”, anh Bảo thở dài. “Con tôi, dù chết tôi cũng phải cho nó ăn học, đừng mù chữ và khổ như đời ông, đời bố!”.

{keywords}

Dụng cụ câu cá mập.

Hàng xóm nhà anh Bảo - một ngư dân tên là Phan Hạnh, năm nay 39 tuổi, cũng là chủ một con tàu 440 mã lực - kể: “Sợ nhất là gặp bão biển. Mà cá mập nó oái oăm lắm, cứ phải ăn cá tươi, nên chúng tôi lặn bắt hàng tấn cá sống để cài vào lưỡi câu, rất mệt. Oái oăm hơn nữa là biển động, bão gió cấp 6, nó càng hay ăn mồi. Đánh cọp biển, phải chấp nhận sóng gió thì mới đầy khoang. Chúng tôi nghe dự báo thời tiết của cả Mỹ, Nhật, Pháp, Philippines, Đài Loan…, không biết tiếng tây thì người ở nhà nghe sau đó báo tin cho thủy thủ trên tàu. Để xông vào bão vừa phải mà bắt cá mập”, Hạnh thở dài: “Cũng có hôm bão lớn, không kịp báo cho Bộ Ngoại giao xin trú tránh ở… nước ngoài, chúng tôi bèn trụ giữa biển mà “căng sức chiến đấu”. Phải thả những cái dù nước, dù to lắm, chứa nhiều tấn nước, dù ôm lấy hai bên mạn tàu, giúp nó bớt lắc. Sóng đánh cao vượt cả thân tàu. Phải vận hành hết máy bơm hút nước đi kẻo nặng quá nó đắm. Biển đen kịt, chả nhìn thấy gì. Chúng tôi chỉ còn biết cầu trời cho sống sót, nhưng có phải bao giờ và ai cũng được… sống sót đâu” - Hạnh nói như mếu.

Hãi nhất là cảnh gì, tôi hỏi anh Bảo đỡ lời mếu máo của Hạnh, anh thở dài: “Là độ giàn khoan HD 981 của Trung Quốc hành hoành, “tàu lạ” tấn công, rượt đuổi, làm bao điều càn quấy. Tàu nhà chúng tôi chạy, gió ầm ầm. Đúng hôm thằng 981 nó rút, thì tàu tôi bị mất một mạng người. Đó là ngư phủ Nguyễn Văn Tài, 21 tuổi. Nhà Tài gần nhà tôi. Tàu chạy ầm ầm, sáng ra thì giường ngủ của Tài trống trơn, chiếc máy nghe nhạc rẻ tiền mà Tài hay cầm vẫn còn đó. Chắc Tài bị rớt xuống biển, vĩnh viễn, 8 tháng trôi qua rồi, chúng tôi chưa tìm thấy em. Có thể em nằm trong bụng cá. Đám tang Tài diễn ra thê thảm nhất xóm này, có lễ, có thầy chùa đến cúng, nhưng không có quan tài. Vợ con Tài rất nheo nhóc”.

Chúng tôi đến thắp nhang cho Tài. Trên đường ghé qua nhà anh Trần Văn Quang, tàu gần 400 mã lực của anh cũng bị tàu lạ cướp, phá tan hoang, thiệt hại đến 200 triệu đồng. Rất may có nhiều nhà hảo tâm đến giúp đỡ, nhiều chế độ chính sách của Nhà nước động viên ngư dân bám biển, vừa rồi ông Quang đã đệ đơn lên thị xã Ninh Hòa, xin vay tiền đóng tàu mới. Đặc biệt, tôi không thể quên được giọt nước mắt của mẹ, vợ, các con anh Trần Canh, anh Canh và 10 thủy thủ khác vẫn biền biệt ở bên Philippines khi chúng tôi ghé thăm. Tàu tiền tỉ của họ bị sóng đánh lạc sang hải phận nước bạn, thế là họ tịch thu tàu, xử ra tòa, giam cầm bao tháng ròng.

Đúng là tán gia bại sản vì đánh cá mập. Chị Hoa - vợ anh Canh - run run cầm bức ảnh chồng và 10 thuyền viên bị xử ở tòa án bên Philippines, mà rằng: “Anh và các thủy thủ vẫn chưa được về. Đây. Tôi có bà chị quen ở Philippines, chị ấy lén chụp ảnh này, đưa lên facebook rồi tôi cho cháu tải xuống, in ra đó!”. Hai đứa con anh Canh, sau khi bố lâm nạn, nằng nặc đòi bỏ học để đi làm thuê giúp gia đình, chị Hoa gạt nước mắt, không đồng ý, cương quyết bắt con tới trường để sau này không vất vả như bố. Chị phụ giúp các đám cưới kiếm ăn lần hồi.

{keywords}

Làng Thủy Đầm bây giờ nhiều nhà tầng, biệt thự nhờ nghề câu cá mập ngoài ngư trường Hoàng Sa.

Làm sao để máu cá mập loang trên mặt biển không uổng phí?

Nếu có xem cảnh kéo cá; dùng chày lớn đập nát mặt, nát miệng cá; đâm cá hàng trăm nhát bằng dùi sắt có dây buộc (để sau mỗi nhát đâm, thu dùi lại, đâm tiếp)…. - thì mới thấy cuộc chiến giữa biển cả dữ dằn ra sao! 10 ngư phủ trên tàu anh Bảo, họ dùng tời máy để cẩu cá lớn từ biển lên sàn tàu. Cả khoang tàu loang đỏ máu, tanh kinh khủng. Một con cá mập gần một tạ hoặc ba bốn tạ, nằm như một gã khổng lồ vừa bị chọc tiết. Răng trắng ởn, cú giãy chết của nó dường như làm con tàu 500 mã lực hơi nghiêng ngả. Phải đập chết nó, nếu không nó sẽ ăn thịt người trên tàu!

Người ta đâm, đập. Chày lớn đánh gãy răng cá, con cá bị treo ở thành tàu và quẫy điên cuồng, miệng cá đỏ ối sau mỗi nhát đập, nhát đâm chí mạng khiến bộ răng lởm chởm kinh hoàng của nó càng giống như một biểu tượng giết chóc. Nó như đại diện xứng tầm nhất của “thần chết đại dương”. Tuy nhiên, ở góc độ bảo tồn, nhiều quốc gia đã cấm đánh bắt cá mập, vì bao năm biển cả mới chăm bẵm được những cá thể mang tên cá mập như thế. Về mặt loài giống và vai trò đa dạng sinh học, con cọp biển ấy quan trọng với trái đất này cũng như con cọp (hổ) trên mặt đất, cũng như các loài được bảo tồn tử tế trước nguy cơ tuyệt chủng khác. Thôi thì bảo tồn gì chả biết, cái dạ dày của mình và vợ con mình đang gào réo, ngư dân Đầm Thủy phải xuống tay thôi. Chúng ta, trước mắt nên mừng vì bà con làm giàu nhờ câu cá mập. Họ cũng là những “cột mốc chủ quyền” bằng xương bằng thịt, có vai trò lớn trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta. Giữa các ngư trường xa xôi, với họ, tổ quốc được nhìn từ biển.

Còn lúc này, những ngư dân can trường và quả cảm kia, đang nghĩ rất giản dị, họ đang buốt lòng vì giá cá và vi cá bị sụt giảm quá mạnh. Trước đây, hơn 2,3 triệu đồng/kg vi (vây) cá mập, giờ chỉ còn hơn 1 triệu đồng. Mà giá cả sinh hoạt thì cái gì cũng tăng cao. Cả con cọp biển 3 tạ, bán với giá 25.000 đồng/kg thịt, hơn chục kí-lô vây, tính ra chả được bao nhiêu. Nhiều chuyến vươn khơi trở về, các con tàu tiền tỉ hay chịu cảnh ngư phủ tay trắng, bởi ngày ấy “biển đói”, cá mập không cắn câu.

… Tôi bước chân ra khỏi ngôi nhà của ngư dân xấu số Nguyễn Văn Tài, trong nước mắt của mẹ Tài, vợ Tài, còn đứa con bé xíu của cậu thì vẫn chưa biết khóc thương cha. Cát lún lắm, xe máy không đi được, chân giày của tôi cũng không nhấc lên được. Cứ như Tài níu chúng tôi lại, rằng phải làm một cái gì đó để cứu vợ, con anh ta. Cuộc sống nghèo quá thể, tăm tối quá thể. Mẹ Tài đẻ được 6 đứa con, tất cả đều mù chữ, trừ đứa út học hết lớp 6. Cậu em trai Tài, đi chính trên chuyến tàu đánh cá mập mà anh trai mình đã rớt xuống biển mất tích ấy, chứng kiến đau thương, chứng kiến “biển đói”, cu cậu vẫn không có cách nào khác ngoài việc đều đặn vươn khơi rồi thở dài… tay trắng.

Vợ Tài ngày nào cũng ra biển bắt ốc, cố kiếm lấy ba chục nghìn ăn “để sống làm người”. Trước khi ra biển, Tài qua nhà mẹ đẻ xin 50 nghìn đồng, bao giờ đi câu cá mập về, con sẽ trả mẹ. Thế rồi không bao giờ em trở về nữa. Vợ Tài cứ thở dài thườn thượt, “có chuyến đi câu to về, mỗi ngư phủ được chia 20 triệu đồng, vì đánh được nhiều cá mập lớn”, nhưng gần đây “biển đói lắm”. Hai năm nay, chả có chuyến nào vớ bẫm như thế nữa, toàn ra về tay trắng.

Họ đã khóc, có tiếng khóc nào cho đại dương, cho loài cá mập quý đang bị khai thác thiếu tổ chức, bán tống bán tháo rẻ rúng cho tư thương; rồi tất cả cùng làm cho biển đói rạc đói rày kia không nhỉ? Sự no ấm của bà con, lắm lúc quan trọng hơn việc bảo tồn các loài hung dữ, tôi đồng ý. Nhưng tại sao chúng ta không nghĩ bảo tồn cũng chính là việc tìm phương kế giúp bà con mình no ấm lâu dài? Ví như cậu Nguyễn Văn Tài quá cố kia, thay vì trắng tay ngày biển đói, cậu sẽ có nhiều chuyến biển thu về 20 triệu đồng hơn. Ngư dân Thủy Đầm sẽ không còn gặp cảnh vất vả: Dốc cạn sức mình trong cả tháng, mang về những khoang thuyền tanh lợm máu cá mập lớn, bán trao tay cho tư thương, họ cũng không bao giờ ăn vi hay thịt cá mập xem hương vị nó ra sao. Bán xong, lại đi biển, lại thở dài “sao biển dạo này “đói” lâu thế nhỉ!”. Giá mà những ngư dân vạm vỡ kiêu hùng kia được giúp đỡ, bảo lãnh, quản lý khai thác và bao tiêu sản phẩm một cách quy củ.

(Theo Lao Động)