-Các lãnh đạo và giáo viên tiểu học đều cho rằng, ra bài tập về nhà cho học sinh là do phụ huynh yêu cầu…

Phụ huynh gặp riêng xin bài cho con

Cô Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Quang, Hà Nội cho biết, nhà trường quán triệt chỉ đạo của Bộ GD-ĐT không ra bài tập về nhà cho học sinh tiểu học. Nhưng… trong trường hợp phụ huynh đề nghị sẽ giao một ít.

“Nhiều phụ huynh ở các khối 4 và 5 có nguyện vọng giáo viên ra một vài bài tập về nhà để các em làm thêm củng cố các kiến thức đã học trên lớp. Thậm chí, nhiều phụ huynh gặp riêng giáo viên đề nghị giao 1-2 bài tập về nhà cho con”- cô Hương cho biết. 

{keywords}
Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Theo cô Hương, đây là lý do chính đáng vì ở các lớp này kiến thức khá nhiều. Nếu được sự đồng thuận của phụ huynh, bài tập về nhà ở mức độ phù hợp có thể giúp học sinh củng cố kiến thức, lên cấp hai học sinh không ngợp vì về nhà phải làm bài thường xuyên. 

Cô Hương cũng đưa ra gợi ý, không nên giao bài tập về nhà đại trà nhưng nếu phụ huynh đề xuất có thể ra dạng củng cố kiến thức. 

“Cần xem xét từng đối tượng học sinh. Với học sinh khá giỏi, bài tập có thể mở rộng kiến thức, tổng hợp kiến thức sau từng tuần. Với những em học kém hơn có thể ra theo ngày để bổ sung, ôn lại kiến thức ”.

Cô Vũ Thị Thanh, một giáo viên tiểu học ở tỉnh Nam Định thì cho biết thực tế ở trường cô, các giáo viên vẫn giao bài tập về nhà cho học sinh.

 “Có giáo viên giao nhiều bài, có giáo viên thì cho ít nhưng nhìn chung việc giao bài tập về nhà cho học sinh mang lại lợi ích nhất định nếu lượng bài ít và không gây quá tải”  - cô Thanh khẳng định.

Cô Hồ Thị Trà, Hiệu phó một trường tiểu học ở Nghệ An cũng cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các giáo viên của trường không giao bài tập về nhà với các học sinh. Nhưng khi họp phụ huynh thì đa số phụ huynh thắc mắc và bày tỏ mong muốn ra thêm bài tập về nhà cho các con.

Theo quan điểm của cô Trà, những học sinh có học lực trung bình, không theo kịp bạn bè, không nên giao bài về nhà vì việc hoàn thiện các vở bài tập trên lớp đã choán hết khoảng thời gian của các em.  Với học sinh có học lực khá giỏi, có nguyện vọng từ phía gia đình giao bài tập về nhà với số lượng vừa phải có thể giúp các em phát triển hơn về kỹ năng.

“Dù phụ huynh có yêu cầu, nếu ra bài tập, các giáo viên cũng không nên ra bài tập kiểu đồng loạt mà cần phân ra các đối tượng học sinh để có bài tập phù hợp, vừa sức. Việc này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của các giáo viên lớn hơn. Đặc biệt cần trên tinh thần nhẹ nhàng, để các em vừa học vừa chơi, không bị quá tải, như vậy mới có thể mang lại hiệu quả”- bà Trà nói.   

{keywords}
Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM cho rằng các trường phải thực hiện quy định cấm ra bài tập về nhà cho học sinh tiểu học. Nhưng có hai luồng ý kiến về việc này.

Luồng ý kiến thứ nhất là tâm lý của phụ huynh thích con có bài tập về nhà dù không nhiều. Điều này để học sinh ôn tập lại bài cũ đã học trên lớp, có thói quen ngồi vào bàn ôn bài mỗi ngày. Vì vậy khi có quy định cấm, bản thân nhiều phụ huynh than thở, nếu cô giáo không cho bài thì học sinh không làm gì. Các em luôn trả lời bố mẹ con không có bài, cô không giao bài và phụ huynh bất lực.  

Luồng ý kiến thứ hai là những phụ huynh theo tâm lý tiểu học, muốn con được chơi hết những năm tháng tiểu học, không bị áp lực học hành nên không muốn ra bài tập về nhà cho con. Có điều này vì có nhiều giáo viên có tâm lý “tham lam”, yêu cầu học sinh làm nhiều bài tập về nhà. Có giáo viên còn cho mười mấy bài tập, viết đầy một trang giấy A4, khiến học sinh không làm nổi.

Cô Hà khẳng định ngoài việc cho ôn lại bài, chuẩn bị bài cho ngày mai nhất quyết phải cấm việc ra bài tập hàng loạt cho học sinh, khiến học sinh không làm nổi, phải vật lộn tới 11- 12 giờ đêm, phụ huynh khó chịu.

Phân biệt giao bài tập và nhiệm vụ về nhà

Cũng theo cô Phạm Thúy Hà, thực tế hiện nay là sau mỗi buổi học, giáo viên chỉ dặn dò học sinh về nhà ôn lại bài học, coi lại công thức, cách tính để khắc sâu hơn bài hôm nay, và chuẩn bị bài cho ngày mai. Đây là việc nên làm, không ảnh hưởng tới thời gian, tâm lý của các em. Việc này hình thành cho học sinh thói quen làm bài về nhà. Đây là thói quen tốt để sang cấp hai các em không bị bỡ ngỡ bởi khuôn khổ, ý thức tự học bài và tự lập.

Một người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tiểu học tại TP.HCM cho rằng, cần phân biệt giao bài tập về nhà và giao nhiệm vụ về nhà cho học sinh.

{keywords}
Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Theo thầy, việc giáo viên yêu cầu học sinh về nhà xem lại bài cũ, viết những từ khó, đọc bài mới để ngày mai học bài tốt hơn…thuộc tính chất giao nhiệm vụ về nhà. Đây là việc bình thường và nên làm, giúp học sinh hình thành tính tự học, ý thức bản thân và chuẩn bị cho nhiệm vụ mới. Vì những kĩ năng quan trọng này đang thiếu thời gian lắng đọng trên lớp để học sinh rèn dũa do bị cuốn theo bài học.

Ở nước ngoài, việc ra nhiệm vụ về nhà được đánh giá là một kỹ năng cần có của giáo viên. Giáo viên nhìn nhận những học sinh nào còn yếu, kém để ra thêm nhiệm vụ cho các em về nhà. Ở nhà phụ huynh trực tiếp kèm học sinh, đặc biệt là người mẹ hoặc thông qua gia sư, học thêm.

Một kiểu giao nhiệm vụ nữa cũng được thể hiện để chuẩn bị bài mới tốt hơn. Ví dụ hôm sau sẽ học các số trong phạm vi 1000, giáo viên sẽ giao học sinh về nhà tìm trên những tờ báo cũ có con số nào trong phạm vi 1.000, hôm sau kể cho lớp nghe con số này liên quan đến mẩu tin nào. .

Ở nước ta hiện nay giáo viên chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng giao nhiệm vụ cho học sinh về nhà, nên việc giao nhiệm vụ chưa đáp ứng được. Cần phải có động thái hoặc cách thức để giáo viên hiểu được điều này. 

Đối với việc ra bài tập về nhà, cách hiểu thông thường hiện nay là giao những bài tập tương tự ở lớp, yêu cầu các em làm thêm bài tập, tăng thêm độ khó, cho các dạng khác nhau. Tính chất của những bài tập này không cần thiết. 

Thanh Hùng - Tuệ Minh