Hiện loại quýt có dáng tròn đều, vỏ màu cam đậm, láng bóng, có cuống và lá xanh được bán khá phổ biến ở các sạp, cửa hàng, xe đẩy ở TPHCM. Vỏ quýt khó bóc, vị ngọt pha chua. Một số người bán cho biết đây là “quýt giống Úc trồng ở Đà Lạt, Lạng Sơn”. Cũng loại quýt này, một số cửa hàng ghi rõ thông tin “quýt giống Úc xuất xứ Trung Quốc, giá 60.000 đồng/kg”. Nhân viên một cửa hàng bách hóa trên đường Lạc Long Quân, quận 11 nói rõ, đây là quýt giống Úc được trồng ở Trung Quốc.
Người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin, cách nhận biết để mua đúng loại quýt mình muốn - Ảnh: N.Cẩm |
Chị Thanh - chuyên bán trái cây ở chợ Bến Thành, quận 1 - cho biết, loại quýt 2PH, APH được nhập khẩu từ Úc có giá 130.000 đồng/kg và 160.000 đồng/kg tùy cỡ trái. Loại quýt này có màu cam sậm nhưng trái hơi dẹt, trông sần sùi, có cuống ngắn, không có lá, trên mỗi quả quýt có tem ghi “citrus 2PH honey murcott” hoặc “murcott APH” kèm dãy số. Quýt nhập từ Úc nhiều nước, có vị ngọt thanh và thơm, mùa vụ từ tháng Mười hai đến tháng Tư hằng năm.
Ở TPHCM, các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức và Hóc Môn lúc này có quýt đường miền Tây, quýt tiều Đồng Tháp với giá sỉ 18.000-20.000 đồng/kg và quýt Trung Quốc bán theo rổ 12kg, giá từ 300.000-400.000 đồng. Ở một số siêu thị, ngoài quýt Úc, còn có quýt Ai Cập, giá 80.000-100.000 đồng/kg, có vỏ vàng đậm, có đường lằn trên vỏ như trái bí ngô, tem in chữ “mafa” hoặc “citrus”.
Ông Nguyễn Minh Phương - Phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức - cho biết, quýt Úc ít về chợ này do được nhập khẩu theo mùa, giá cao, khó bán. Hiện nay, quýt về chợ chủ yếu là của trong nước và từ Trung Quốc. Tiểu thương nói “quýt giống Úc trồng ở Đà Lạt, Lạng Sơn” lập lờ xuất xứ, thực chất là quýt Trung Quốc.
Ông Phương thông tin, quýt Úc có cuống dài khoảng 5mm, vỏ dễ lột, quýt Trung Quốc có màu cam tươi, trái to, tròn đều, cuống có kèm lá xanh, vỏ dày hơn. Nếu người bán cố ý dán tem để lập lờ quýt Trung Quốc với quýt Úc thì người mua rất khó biết. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - khẳng định: “Hiện không có loại quýt giống Úc nào được trồng ở Đà Lạt, Lạng Sơn nói riêng, Việt Nam nói chung. Người bán lẻ nói vậy là cố tình lập lờ xuất xứ. Muốn trồng loài cây nào, cũng đều phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá giống, trồng khảo nghiệm, thấy hiệu quả, phù hợp mới cho trồng, nhân rộng và mới được bán trên thị trường. Người dân không được tự ý nhập giống về trồng”.
Ông cũng cho rằng, ngoài việc nói sai xuất xứ, một số người bán còn tự ý dán tem, nhãn lên trái cây. Nếu chỉ dựa vào tem nhãn thì khó phân biệt trái cây của nước nào, nên người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, dựa vào hình dáng trái, màu vỏ, hương vị để tránh mua lầm.
Theo Phụ nữ TPHCM