Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, thị xã đã ban hành Đề án xây dựng chính quyền điện tử thị xã Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và bước đầu thực hiện đạt được những kết quả quan trọng.
Tinh thần quyết tâm, nỗ lực “vượt khó” đã được lãnh đạo thị xã chuyển tải trong các cuộc họp về triển khai xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn. Ban chỉ đạo chuyển đổi số thị xã đã được kiện toàn. Đây là điều kiện tiên quyết để công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số được đồng thuận, thông suốt trong toàn hệ thống chính trị của địa phương.
Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: Việc xây dựng chính quyền điện tử là hướng tới các hoạt động hành chính không giấy, bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng chính quyền.
Tuy nhiên, có một thực tế, đội ngũ cán bộ tại các xã, phường trên địa bàn thị xã đã có một thời gian dài xử lý công việc trên giấy, người dân thì quen đến trực tiếp cơ quan Nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Do đó để thay đổi phương thức làm việc trên môi trường mạng là điều không hề dễ dàng.
Thị xã đã tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó đề cao vai trò lãnh đạo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các xã, phường; ban hành nhiều văn bản nhằm thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Tổ chức nhiều lớp tập huấn, “cầm tay chỉ việc” cho từng cán bộ. Công tác triển khai thực hiện đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các đơn vị, cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) đã thể hiện tinh thần gương mẫu, đi đầu, phát huy tinh thần trách nhiệm với phương châm “không ai đứng ngoài cuộc”; tổ chức phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; chỉ đạo đổi mới hoạt động, điều hành và nghiệp vụ hành chính từ “truyền thống” sang ứng dụng CNTT.
Chỉ trong một thời gian triển khai theo lộ trình xây dựng chính quyền điện tử thị xã Quảng Trị đến năm 2025, việc đầu tư cơ sở hạ tầng mạng phục vụ ứng dụng CNTT trên địa bàn thị xã đã có bước phát triển. 100% cơ quan, đơn vị, UBND các phường, xã đều dùng văn bản điện tử trong công việc trên phần mềm gửi nhận văn bản, email công vụ và tra cứu văn bản quy phạm pháp luật; trao đổi số liệu điện tử, nhiều đơn vị có hệ thống mạng nội bộ phục vụ hiệu quả cho công tác chuyên môn của CBCC.
CBCCVC thị xã, các phường, xã đều được trang bị máy tính phục vụ công việc; từng bước đưa ứng dụng CNTT trở thành công cụ đắc lực, phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành và ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ, phục vụ trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.
Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị đều sử dụng hệ thống gửi, nhận văn bản qua mạng, xử lý qua phần mềm hồ sơ văn bản và điều hành tác nghiệp qua mạng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiếp nhận, quản lý văn bản và lưu trữ văn bản của CBCCVC. Tỉ lệ văn bản được gửi qua mạng giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đạt 100% và 100% cơ quan, đơn vị, UBND các phường, xã đã kết nối mạng internet nhằm khai thác các dịch vụ để trao đổi thông tin nội bộ, trong ngành và UBND thị xã, tra cứu văn bản quy phạm pháp luật.
Các văn bản chỉ đạo, quản lý điều hành của thị xã được cập nhật trên hệ thống cổng thông tin của thị xã; 100% CBCCVC của thị xã được cấp và sử dụng hộp thư điện tử công vụ. Đặc biệt, UBND thị xã đã đầu tư hệ thống hội nghị trực tuyến từ thị xã đến các phường, xã và liên thông kết nối với hệ thống hội nghị trực tuyến từ trung ương đến cơ sở mang lại hiệu quả cao.
Về việc đào tạo, bồi dưỡng CBCC phục vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước đã được UBND thị xã quan tâm. Hằng năm, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức ứng dụng CNTT cho CBCC.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh cho biết thêm, phấn đấu đến năm 2025, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị, giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thị xã cơ bản đạt được các tiêu chí quan trọng. Giai đoạn 2025 - 2030, từng bước xây dựng chính quyền số.
Triển khai ứng dụng rộng rãi các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán các loại phí, lệ phí và hoạt động kinh doanh, mua sắm trong cộng đồng. Tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 45%. Xây dựng hệ thống phòng họp không giấy và trung tâm điều hành hiện đại tại trụ sở HĐND và UBND thị xã phục vụ phát triển đô thị thông minh.
Theo Minh Anh (Báo Quảng Trị)