XEM CLIP:
>
Độc giả Hùng: Thành phố sẽ hỗ trợ những gì cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại?
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình: Khi xây dựng kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn Thành phố sau ngày 15/9, chúng tôi có 11 kế hoạch thực hiện từ 15/9-31/12. Song song đó, sẽ xây dựng chiến lược dài hơi hơn để tiếp tục phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM. Kế hoạch này đã lấy ý kiến của các chuyên gia, các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp FDI. Cách đây 3 hôm, chúng tôi đã làm làm việc về vấn đề này với doanh nghiệp FDI và có được sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp.
Họ cũng cho rằng an toàn đến đâu thì mở đến đó, mở ra đến đâu phải an toàn đến đó, an toàn thì mới mở. Sau một trận khó khăn như này, để phục hồi kinh tế thì không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới khó mà kể cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI cũng gặp khó khăn, kể cả những chủ nhà trọ cũng gặp những khó khăn nhất định.
Do đó, chúng ta đã có những chính sách giảm tiền điện, tiền nước. Người cho thuê nhà đã hỗ trợ, không tính tiền nhà cho người thuê. Còn doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có chính sách hỗ trợ người lao động. Về những vấn đề lớn hơn như: công tác đầu tư, thủ tục hành chính, các khoản giãn nợ,... Chúng tôi cũng có những đề xuất, kiến nghị lên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ do đồng chí Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Các chính sách này liên quan đến lĩnh vực y tế, kinh tế, đầu tư, giảm thuế thu nhập, giảm thuế VAT, hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách vay vốn như thế nào...
Ngày 15/9 chúng tôi sẽ báo cáo ban chấp hành Đảng ủy TP, sau khi được chấp thuận sẽ có văn bản hoặc làm việc trực tiếp với Tổ công tác đặc biệt của Phó Thủ tướng ngay sau ngày 15/9.
Ngoài kiến nghị với TƯ, bộ ngành, TP cũng có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp, vì không có doanh nghiệp chắc chắn kinh tế TP không phát triển được.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp khó khăn liên quan đến nguồn vốn, lãnh đạo TP sẽ làm việc ngay với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách và hệ thống ngân hàng, trước mắt giảm lãi suất để các doanh nghiệp có thể vay vốn, giãn các khoản nợ, khoanh nợ.
Một điều các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM rất quan tâm là thủ tục hành chính. DN càng khó khăn thì càng mong thủ tục hành chính nhanh hơn, giúp DN một cách nhanh nhất, hữu hiệu nhất. Cam kết của lãnh đạo TP là giải quyết nhanh nhất những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Ví dụ như trước đây giải quyết trong vòng 1 tháng thì nay cố gắng vài ngày, một tuần,... Thay vì làm một, phải làm mười để người dân có thể nhanh chóng ổn định đi vào sản xuất được.
Ví dụ như Bộ Tiêu chí an toàn để các DN hoạt động lại, lần này chúng tôi sẽ có các hệ thống đánh giá, đưa ra tiêu chí để DN tự đánh giá và tích hợp vào phần mềm quản lý của mình, cơ quan Nhà nước sẽ giám sát và kiểm tra xác suất.
Trong tháng 9, các Sở ban ngành TP sẽ cố gắng hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Thành phố có chủ trương mở cửa trở lại theo hướng doanh nghiệp an toàn, điểm đến an toàn, người dân an toàn. Vậy tiêu chí nào để đánh giá an toàn?
Ông Lê Hòa Bình: Về tiêu chí gì để đánh giá an toàn, để thực hiện các nội dung để mở cửa thì Thành phố đã xây dựng 8 bộ tiêu chí của 8 ngành, đó là: ngành công thương, ngành du lịch, ngành y tế, ngành xây dựng, ngành giáo dục, ngành lao động thương binh và xã hội để biết có đảm bảo an toàn hay không. Bộ tiêu chí này sẽ được hoàn thành trước ngày 16/9. Nếu chúng ta đánh giá mà đảm bảo các tiêu chí đó thì được coi là an toàn.
Về phương thức làm việc, chúng ta có 4 phương thức là: "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", "4 xanh"... Bộ tiêu chí này sẽ được triển khai và đánh giá thí điểm từ ngày 16-30/9 ở 3 đơn vị hành chính và có thể mở rộng thêm ở khu chế xuất Tân Thuận và khu công nghệ cao.
Như đồng chí Chủ tịch và Bí thư có nói, nếu trong quá trình thực hiện thí điểm mà có cơ sở hoặc khu vực nào mà đảm bảo an toàn thì chúng ta không ngại gì mà tiếp tục.
Công việc chống dịch rất phức tạp. Thế giới cũng nhận định như vậy, các nước cũng rất khó khăn. Do vậy, chúng ta vừa làm vừa điều chỉnh, vừa bổ sung theo nguyên tắc không chủ quan, không cầu toàn, không vội vã, và không thụ động mà ngồi đó. Bởi kinh tế mà không phát triển được thì người dân cũng không thể nào chịu được với những áp lực, khó khăn.
Độc giả Hảo Hiệp: Nhà tôi kinh doanh quán ăn theo hộ kinh doanh cá thể. Tôi thấy hàng quán mở cửa theo hình thức 3 tại chỗ và bán qua shipper quá lỗ vốn, không có nhiều khách mua, đáp ứng các điều kiện về xét nghiệm 3 tại chỗ cho nhân viên quá khó khăn. Tôi đề nghị Thành phố đổi cách làm khác.
Ông Lê Hòa Bình: Đây cũng là một câu hỏi mà lãnh đạo Thành phố nhận được rất nhiều phản hồi. Chúng ta có thói quen sử dụng shipper và shipper an toàn thì được ra đường.
Xin thông báo là ngày 7/9, TP đã có văn bản số 2994 chủ trương cho hai quận là Quận 7 và quận Củ Chi tổ chức cho bà con ở các vùng an toàn được phép đi chợ mỗi tuần 1 lần. Mà các chợ truyền thống ở Quận 7 phần lớn chưa mở cửa nên đi chợ ở đây là đến các cửa hàng.
Để làm được điều đó thì mục 5 ở văn bản này quy định: cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính viễn thông, đặc biệt có thiết bị tin học và văn phòng, thiết bị, đồ dùng học tập mở cửa để các em có điều kiện mua sách giáo khoa thông qua shipper.
Sáng nay, tôi vừa thẩm định lại kế hoạch cho bà con đi chợ ở Quận 7 và Quận Củ Chi, kể cả Cần Giờ cũng tổ chức cho bà con đi chợ một tuần một lần ở các vùng xanh. Việc mua hàng thông qua shipper có một số điểm khó khăn, nhưng điều đó tạo thói quen là trước khi đi đường chúng ta phải kiểm tra có an toàn hay không thì mới đi, để không bị nhiễm bệnh. Bà con nên suy nghĩ, rồi từ từ chúng ta cũng sẽ là shipper của chính mình, nhưng chúng ta phải đảm bảo an toàn cho chính mình và không gây khó khăn cho người khác.
PV
Chủ tịch Phan Văn Mãi nói về khởi động lại kinh tế TP.HCM
Chương trình Dân hỏi - Thành phố trả lời trên fanpage của Trung tâm Báo chí TP.HCM và fanpage Thông tin Chính phủ tiếp tục giải đáp những thắc mắc về chủ đề "chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp".