Rạng sáng 27/7 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất lần thứ 11, kể từ đợt tăng đầu tiên hồi tháng 3/2022.

Mức tăng lần này là 25 điểm cơ bản, lên 5,25-5,5%, cao nhất kể từ năm 2001. Đây là lãi suất chuẩn áp dụng cho hoạt động cho vay qua đêm và tác động tới các lãi suất thương mại khác. Quyết định được sự nhất trí của tất cả thành viên thuộc Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ Fed (FOMC). Động thái này không mấy bất ngờ, đã được dự báo từ trước.

Trong tuyên bố, Fed nâng dự báo, tăng trưởng kinh tế từ “khiêm tốn” lên “vừa phải”, cho dù trên thị trường kỳ vọng sẽ có ít nhất 1 đợt suy thoái nhẹ trong thời gian tới. Các quan chức Fed tiếp tục cho rằng, lạm phát còn cao và tăng trưởng việc làm vẫn “mạnh mẽ”.

Trong cuộc họp ngày 15/6, Fed đã quyết định không tăng lãi suất, nhằm đánh giá tác động của những đợt tăng trước đó. Fed đã có 10 lần tăng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 3/2022 với tổng mức tăng 500 điểm cơ bản, từ mức thấp kỷ lục 0-0,25%/năm lên 5-5,25%/năm.

Theo Fed, cơ quan này muốn có thêm thời gian đánh giá sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng địa phương trước đó.

Fed tăng lãi suất nhưng đồng USD vẫn khá yếu. (Ảnh: TH)

Tuy nhiên, sau cuộc họp tháng 6, số liệu tăng trưởng kinh tế của Mỹ trở nên tích cực. Lạm phát tiếp tục xu hướng đi xuống, cho dù vẫn còn khá cao. Các yếu tố này củng cố cho quyết định tăng lãi suất lần thứ 11 của Fed.

Các quan chức Fed đề cập tới một lần tăng lãi suất nữa trong cuộc họp tháng 9.

Giới đầu tư tiếp tục mổ xẻ và làm rõ hơn các tín hiệu chính sách từ Fed trong thời gian sắp tới. Mỹ có khả năng thoát nguy cơ suy thoái kinh tế và không còn lo ngại nhiều về cuộc khủng hoảng ngân hàng tệ hại.  

Mặc dù Fed tăng lãi suất nhưng thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng phiên thứ 13 liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng tốt nhất kể từ năm 1987.

Đồng USD phản ứng không còn mạnh như hồi năm 2022, vốn từng gây ra sự lo ngại trên thị trường tài chính toàn cầu.

USD trên thị trường quốc tế thậm chí còn chịu áp lực giảm. Chỉ số DXY (đo lường biến động của đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt) xuống quanh mức 101 điểm.

Chỉ số này thấp hơn nhiều so với mức trên 104 điểm hồi đầu tháng 6, hay mức đỉnh cao gần 115 điểm cuối tháng 9/2022. Trong vòng 10 tháng qua, USD đã mất giá khoảng 13% so với rổ các đồng tiền chủ chốt.

Sự kỳ vọng vào USD không còn nhiều. Hiện, áp lực bán đồng tiền này khá mạnh. Nước Mỹ đã ở giai đoạn cuối của đợt thắt chặt tiền tệ kéo dài kỷ lục. 

Ngày 12/7, Mỹ công bố lạm phát thấp hơn dự đoán và chạm đáy 2 năm. Điều này làm dấy lên niềm tin trong giới đầu tư rằng, chu kỳ tăng lãi suất của Fed sắp kết thúc.