Học phí nhiều trường đại học tăng, chi phí sinh hoạt và thuê trọ tại các thành phố lớn ngày càng đắt đỏ, khiến việc nuôi con học đại học trở thành gánh nặng với nhiều gia đình. Diễn đàn "Chi phí nuôi con học đại học" là nơi để phụ huynh, sinh viên, thầy cô và những người quan tâm đến giáo dục chia sẻ trải nghiệm, góc nhìn và đề xuất những hướng đi, giải pháp mới.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của một nữ sinh từng quyết định từ bỏ giấc mơ đại học trường top khi việc này trở thành gánh nặng tài chính với gia đình.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng ven TPHCM, trong gia đình không khá giả nhưng luôn hết lòng vì con cái. Bố mẹ tôi đều là công nhân, thu nhập chỉ đủ lo cho gia đình bốn người. Tôi luôn được bố mẹ kỳ vọng vì từ nhỏ đến lớn, thành tích học tập của tôi luôn tốt, là niềm tự hào của cả nhà. Ngay từ khi vào cấp 3, tôi đã đặt mục tiêu phải vào được đại học danh tiếng để có tương lai tốt hơn. Vào năm lớp 12, tôi đạt được mục tiêu đó khi đỗ vào một trường đại học thuộc top đầu với số điểm cao.
Lúc nhận kết quả, cả gia đình tôi đều vui mừng. Nhưng chưa hết năm nhất, trường tôi bất ngờ thông báo tăng học phí, mỗi năm riêng khoản này là hơn 40 triệu đồng, chưa kể các khoản khác như sách vở, đồ dùng học tập... Điều này khiến gia đình tôi gặp áp lực lớn vì thu nhập công nhân của cả bố và mẹ chỉ hơn 20 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, trường cách nhà tôi hơn 30 km, di chuyển mỗi ngày mất tới 3-4 giờ đồng hồ vì tắc đường, khiến tôi lúc nào cũng mệt mỏi, mất tập trung. Việc tìm một chỗ trọ gần trường sẽ giúp tiết kiệm thời gian, nhưng lại phát sinh thêm chi phí từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng cho ăn ở và sinh hoạt một cách tằn tiện. Nếu tính toán tổng cộng, cho tới lúc tôi lấy được tấm bằng, gia đình sẽ tốn ít nhất hơn 500 triệu đồng.
Mảnh đất nhỏ ở quê, nơi bố mẹ dự định khi già sẽ về sống, lúc này được đưa vào tính toán để cầm cố vay nợ. "Chỉ cần con học thành tài, sau này có công việc tốt, nhà mình sẽ trả hết nợ thôi", bố mẹ nói. Nghe vậy, tôi không thể yên tâm. Mảnh đất đó là là chỗ dựa để bố mẹ có nơi về nghỉ ngơi sau những năm tháng làm việc vất vả. Tôi biết bố mẹ đang cố gắng hết sức, nhưng liệu có đáng để đánh đổi như vậy?
Ngoài ra, tôi còn phải đối mặt với thực tế rằng ngành học của mình sau khi tốt nghiệp có thể chưa đem lại công việc ngay. Đặc thù của ngành yêu cầu học thêm chuyên sâu sau đại học, đồng nghĩa với việc gia đình sẽ phải chi thêm khoản tiền không nhỏ trong tương lai. Bản thân tôi đã cố gắng đi làm thêm, nhưng công việc bán thời gian không mang lại nhiều thu nhập. Ngược lại, nó khiến tôi phân tâm, ảnh hưởng đến học tập. Nếu không tập trung, có nguy cơ nợ môn, ra trường chậm và càng kéo dài thời gian, chi phí học tập sẽ đội lên cao hơn nữa.
Nhìn xa hơn, tôi cũng lo ngại về cơ hội nghề nghiệp. Dù tốt nghiệp từ một trường danh tiếng, nhưng thực tế cho thấy mức lương khởi điểm của ngành mình học không cao, không đủ để nhanh chóng trả nợ hay hỗ trợ gia đình.
Nghĩ lên nghĩ xuống, tôi quyết định dừng việc học sau năm nhất và chuyển hướng sang một trường nghề. Với chương trình học nghề, sau 3 năm, tôi có thể đi làm ngay và bắt đầu kiếm tiền. Nếu mọi việc thuận lợi, tôi có thể tiếp tục học liên thông lên đại học, không phải mang tới gánh nặng quá lớn về tài chính cho gia đình. Cuối cùng học đại học cũng chẳng phải cũng chỉ để có một nghề kiếm cơm và chăm lo được cho gia đình sao? Còn đam mê, mơ ước, tôi không thể chạy theo nó để mặc cha mẹ mình làm lụng vất vả rồi chỉ 2 năm tới thôi lại tới lượt em tôi bước tới ngưỡng cửa đó, làm sao cha mẹ kham được.
Tất nhiên, quyết định này không đơn giản. Tôi đã nhiều đêm khóc ướt đầm gối, nhiều lần ngồi thẫn thờ cả tiếng mà không nhấc nổi tay chân làm việc gì. Tiếc nuối và hoang mang.
Nhà tôi không đủ nghèo để có thể xin hỗ trợ hay vay tiền từ ngân hàng chính sách cho hoàn cảnh khó khăn, không đủ xa hay thuộc diện chính sách để xin vào ở ký túc xá, không đủ éo le để kêu gọi tài trợ từ các mạnh thường quân. Bản thân tôi chưa đủ giỏi để đạt được học bổng hay nghĩ ra giải pháp gì cho tình huống của mình: Làm sao để bản thân tiếp tục đi học mà bố mẹ không phải gán đất, vay nợ khắp nơi?
Suốt 12 năm đi học, tôi và phần lớn bạn bè mình chỉ biết chăm chú vào sách vở, ôn thi, bài tập, hướng đến một cái đích duy nhất là đậu đại học, vào được vào những trường top đầu, đạt điểm cao thì càng tốt. Chúng tôi không hề biết thực tế cuộc sống đa chiều, không tính tới những bài toán xa hơn là đậu đại học rồi thì sao... Khi lựa chọn trường, ngành nghề, chúng tôi cũng chưa chú ý tới những tiêu chí rộng hơn: từ hoàn cảnh gia đình, mức học phí, cơ hội nghề nghiệp khi tốt nghiệp...
Những bài toán như học phí tăng hàng năm, chi phí sinh hoạt, hay thời gian học kéo dài không phải ai cũng cân nhắc từ đầu. Khi đứng trước áp lực tài chính quá lớn, tôi nhận ra rằng không phải ai cũng có thể chạy theo đam mê mà không nghĩ đến điều kiện thực tế của bản thân và gia đình.
Việc chọn con đường học nghề có thể không phải là lựa chọn phổ biến nhưng đối với tôi, nó là cách thực tế nhất để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Tôi tin rằng con đường mình chọn có thể giúp tôi đạt được mục tiêu có được một nghề ổn định và giúp đỡ bố mẹ.
Độc giả Quỳnh Trâm (TPHCM)
Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email:
[email protected]. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn!
'Từng phải vay nóng nuôi 2 con học đại học, tôi quyết cho cậu út đi xuất khẩu lao động'Hai cô con gái mới đi học đại học chưa đầy tháng nhưng vợ chồng tôi đã phải xoay sở cả trăm triệu để đóng học phí, lo tiền thuê nhà, mua sắm cho các con.