|
Kinh doanh vật phẩm ảo là vi phạm pháp luật |
Việc không cho phép kinh doanh này được thực hiện trong khi chờ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể về quản lý nhà nước đối với trò chơi trực tuyến.
Sau khi xem xét công văn số 96/2010/VINASA của Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Viêt Nam gửi Thủ tướng Chính Phủ, kiến nghị khẩn về việc doanh nghiệp tại TPHCM có nguy cơ đóng cửa do áp dụng luật sai lệch (công văn này theo Sở TT&TT TPHCM là sai sự thật, thiếu khách quan và xúc phạm danh dự, uy tín của Sở TT&TT, đồng thời Sở cũng đã có công văn gửi Bộ TT&TT yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của tổ chức này) và ý kiến của Bộ TT&TT tại công văn số 3452/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 15/10/2010, gửi UBND TPHCM về chính sách quản lý trò chơi trực tuyến. Ngày 8/04/2011, UBND TPHCM vừa có công văn 1582/UBND-CNN gửi Thủ tướng Chính Phủ về giải đáp kiến nghị của VINASA đồng thời báo cáo lên thủ tướng về việc kinh doanh vật phẩm ảo trong trò chơi trực tuyến.
Theo UBND TPHCM, việc kinh doanh vật phẩm ảo trong trò chơi trực tuyến là vi phạm pháp luật, ở đây là vi phạm vào thông tư 60 về quản lý trò chơi trực tuyến, bên cạnh đó đây cũng thể hiện các doanh nghiệp thực hiện sai kịch bản trò chơi được Bộ TT&TT phê quyệt: “qua kiểm tra, đối chiếu kịch bản trò chơi, các cơ quan chức năng thành phố xác định trong kịch bản các trò chơi trực tuyến không có các nội dung mua bán vật phẩm ảo, không có danh sách vật phẩm ảo đăng ký mua bán trong trò chơi, cũng không có nội dung về giá tiền mua bán các vật phẩm ảo”, công văn của UBND nêu rõ.
Ngoài ra, UBND TPHCM cũng cho rằng, việc kinh doanh vật phẩm ảo của các doanh nghiệp trong trò chơi trực tuyến chưa được pháp luật công nhận, dẫn đến quyền lợi người chơi không được bảo vệ trong giao dịch vật phẩm ảo giữa doanh nghiệp và người chơi, giữa người chơi với nhau. Giao dịch này có khi lên đến hàng tỷ đồng và khi game đóng cửa, tài khoản bị hack, người chơi không được pháp luật bảo vệ. Việc giá các vật phẩm ảo do các doanh nghiệp tự quy định cũng dẫn đến vi phạm độc quyền về giá và vi phạm các quy định về chống độc quyền trong luật thương mại.
Bên canh đó, việc chưa được pháp luật công nhận nên Nhà nước đã bị thất thu về thuế ở việc kinh doanh vật phẩm ảo này (như thuế giá trị gia tăng của mỗi lần mua bán vật phẩm). Theo dẫn chứng của UBND, doanh thu trung bình 1 công ty X trên 19 trò chơi đăng ký là 21 tỷ đồng từ mua bán vật phẩm song nhà nước không tính được thuế giá trị gia tăng từ những lần mua bán vật phẩm này, cũng như không tính thuế giá trị gia tăng của những lần mua bán vật phẩm ảo giữa các người chơi với nhau.
Chính vì thế UBND TPHCM kiến nghị đề nghị Thủ tướng Chính Phủ xem xét, ủng hộ và hỗ trợ UBND thành phố kiên quyết thực hiện không cho phép kinh doanh tài sản có giá trị, tài sản ảo và vật phẩm ảo trong trò chơi trực tuyến trong khi chờ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể về quản lý nhà nước đối với trò chơi trực tuyến. Đồng thời UBND cũng đề nghị Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo chấn chỉnh việc báo cáo thiếu khách quan vụ việc của VINASA ở công văn trên.