- Quyền tự do báo chí được bảo hộ mạnh hơn, cũng mạnh tay hơn với nạn xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực báo chí... được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn thêm một lần khẳng định.

Nhà báo Ngân Phương: Một trong những nội dung đáng chú ý trong ngày làm việc thứ 13 kỳ họp thứ 10 (ngày 4/11) là Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trưởng Ban soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Báo chí (sửa đổi).

Để làm rõ thêm những nội dung chính của Luật Báo chí sửa đổi, Góc nhìn thẳng báo VietNamNet mời ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi về những vẫn đề này.

Xin cảm ơn Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã nhận lời tham gia chương trình.

Nhà báo Ngân Phương: Vấn đề quan trọng thời gian qua là triển khai đề án quy hoạch báo chí, thưa ông, việc này gắn kết thế nào với việc sửa đổi, bổ sung Luật báo chí hiện hành?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Như chúng ta đã biết, Đề án quy hoạch báo chí đến năm 2025 có nhiều gắn kết rất chặt và tiếp cận những điểm mới trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí lần này.

Có nhiều vấn đề, trong đề án quy hoạch báo chí có nêu rõ việc xây dựng các cơ quan báo chí đa phương tiện. Đây là một nội dung rất mới và Luật báo chí sửa đổi, bổ sung lần này cũng hướng mạnh đến điều này, rồi mỗi cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm, nhiều loại hình. Thứ hai, việc tạo điều kiện cho báo chí phát triển thì cả Luật và đề án quy hoạch đều hướng tới. Thứ ba, hiện nay, chúng tôi đã phổ biến, làm việc về Đề án quy hoạch báo chí với nhiều đơn vị, nhiều địa phương trong đó có tính đến yếu tố đặc thù của một số địa phương, đơn vị, một số ngành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang...thì chúng tôi cũng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tạo ra những cơ chế đặc thù cho các cơ quan báo chí này. Chính vì thế, nhiều người cũng đặt vấn đề liệu Luật Báo chí sửa đổi và Đề án quy hoạch báo chí có mâu thuẫn gì với nhau không, thì chúng tôi khẳng định rằng Luật Báo chí sửa đổi hỗ trợ rất lớn cho Đề án Quy hoạch báo chí. Khi Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung xong sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện quy hoạch báo chí tốt hơn và đảm bảo thực thi một cách chuẩn xác hơn trong quá trình xây dựng các cơ quan báo chí đã phương tiện cũng như tránh để các cơ quan báo chí chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo tính khả thi trong việc tạo thêm nguồn lực lớn cho các cơ quan báo chí hoạt động.

Nhà báo Ngân Phương: Thưa ông các vấn đề đảm bảo thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; quyền tiếp cận thông tin của báo chí; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin cho báo chí… trong dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) được thể hiện thế nào?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Điều này được thể hiện rất rõ trong điều 25 Hiến pháp 2013 về tự do báo chí, quyền tự do tiếp cận báo chí của công dân, và luật pháp bảo đảm quyền tự do này của công dân. Chính vì vậy, dự án Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung lần này nhằm cụ thể hóa để thực thi Điều 25 về quyền tự do báo chí của công dân. Một là công dân được thực hiện quyền tựu do báo chí của mình, tự do được hiểu là công dân được tự do tiếp cận báo chí, được tự do phát ngôn trên các cơ quan báo chí. Thứ hai, công dân được tham dự vào việc xây dựng các cơ quan báo chí. Công dân có các quyền này nhưng phải được pháp luật bảo hộ, nói một cách cụ thể hơn thì được tự do nhưng phải tôn trọng quyền tự do của người khác, đảm bảo quyền tự do của người khác, không vì quyền tự do của mình mà xâm phạm quyền tự do của cá nhân, tổ chức khác.

Một điểm đáng quan tâm khác trong dự án Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung lần này là khẳng định rất rõ không có kiểm duyệt trước khi in, đăng, phát sóng. Điều này thể hiện rất rõ quyền tự do báo chí.

Nhà báo Ngân Phương: Các hành vi, nội dung bị cấm thông tin trên báo chí để bảo đảm “tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng; sức khỏe hoặc đạo đức xã hội”… có gì mới so với Luật báo chí hiện hành?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Nếu Luật Báo chí hiện hành quy định khá chung thì dự án Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung lần này nêu khá cụ thể về các nội dung, các hành vị bị cấm trong hoạt động báo chí như cấm đăng, phát những thông tin liên quan đến cá nhân, tổ chức nhằm xâm hại đến cá nhân, tổ chức đó. Hoặc như trước một vụ việc, vụ án mà các cá nhân tổ chức liên quan chưa bị cơ quan thẩm quyền xem xét, kết luận là có vi phạm, có liên đới thì báo chí không được phép quy kết. Một điểm mới nữa là quyền trẻ em, trong Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung lầy này cũng nêu rất rõ, báo chí đăng tin bài nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của trẻ em. Hiện nay chúng ta thấy nhiều cơ quan báo chí đăng tin bài hoạc do vô tình, hoặc cố ý xâm hại đến quyền, lợi ích của trẻ em. Một điểm mới nữa là cá nhân được phép đăng tin bài có tính chất báo chí trên các trang mạng xã hội nhưng những nội dung đăng tải đó phải đảm bảo đúng pháp luật và không xâm hại đến người khác, đến các đơn vị, đến Nhà nước và  không phạm phải những điều bị cấm trong Luật Báo chí.

Nhà báo Ngân Phương: Tình trạng vi phạm bản quyền, xâm phạm đời tư, hoạt động sai tôn chỉ mục đích và các sai phạm của báo chí, trang tin điện tử và mạng xã hội đang xảy ra với mức độ tăng dần, ông đánh giá sao về tình trạng này và Luật báo chí mới có quy định về việc xử lý các sai phạm này ra sao?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Việc xâm phạm bản quyền báo chí chúng tôi cho rằng đang là vấn nạn nhức nhối và khá phổ biến. Mấy ngày gần đây, các cơ quan báo chí cũng lên tiếng nhiều về tình trạng này. Khi các cơ quan báo chí vừa đăng tin, bài thì các trang thông tin điện tử đã lấy về ngay và biến nó thành tin bài của họ, thường lấy lại những tin bài viết về tiêu cực...Trong dự thảo Luật báo chí sửa đổi, bổ sung cũng quy định về vấn đề này và có chế tài cụ thể, có nghĩa nếu vi phạm bản quyền thì phải bị xử lý. Tất nhiên, việc này hiện nay cũng đã bị xử lý chứ không phải chờ đến khi Luật Báo chí sửa đổi ra đời. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã vào cuộc để xử lý, chấn chỉnh ngay tình trạng xâm phạm bản quyền vì điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ quan báo chí chân chính. Ví dụ, tin bài mới của người ta vừa mới lên anh đã lấy về, làm lượng bạn đọc của người có bản quyền bị giảm, có nghĩa doanh thu của tờ báo giảm...cho nên chúng tôi sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn như thu hồi tên miền, thu hồi giấy phép đối với những trang thông tin điện tử đã vi phạm và đã được nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm.

Nhà báo Ngân Phương: Thưa ông, Luật báo chí là dự luật lớn, quá trình nghiên cứu, xây dựng và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan báo chí đã được thực hiện thế nào?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Có thể nói việc xây dựng đề án Luật Báo chí sửa đổi lần này được thực hiện rất công phu. Bắt đầu từ năm 1999 trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa trước đã đặt vấn đề về việc xây dựng Luật Báo chí sửa đổi. Sau đó, do chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội có một số thay đổi nên phải tạm dừng. Đến năm 2014 thì Quốc hội lại đưa vào chương trình việc tiếp tục xây dựng đề án sửa đổi Luật Báo chí. Vì thế, dự thảo luật được công khai nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, được các giới, các ngành, các cấp... tổ chức nhiều cuộc hội thảo với nhiều ý kiến; các nhà báo tâm huyết, các chuyên gia báo chí, chuyên gia luật... đóng góp nhiều ý kiến và đặc biệt được thẩm định nhiều chiều để có được bản dự thảo ngày hôm nay. Đây là thành quả chung, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí. Chúng tôi tin tưởng rằng, với dự thảo lần này, với sự thảo luận của các vị ĐBQH, khi được thông qua, Luật Báo chí sẽ  tạo hành lang cho báo chí hoạt động tốt hơn.

Nhà báo Ngân Phương: Xin cảm ơn Thứ trưởng Trương Minh Tuấn vì cuộc trao đổi thẳng thắn. Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại ở Góc nhìn thẳng số tiếp theo.

VietNamNet