LTS: Sự việc cấp cứu cầu thủ đội tuyển bóng đá Đan Mạch Christian Eriksen bị ngừng tim trong trận đấu với Phần Lan rạng sáng 13/6 đặt ra vấn đề về quyền riêng tư của con người.
Ông Lương Thế Huy, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường chia sẻ góc nhìn về vấn đề này. Bài viết đã được đăng trên trang cá nhân của ông.
Khi cầu thủ Đan Mạch, Christian Eriksen ngã xuống và đội ngũ y tế cấp cứu trên sân, đồng đội anh đứng xung quanh để tạo thành “lá chắn”. Trước hết, đó chính là hành động bảo vệ quyền riêng tư cho Eriksen trước các ống kính máy quay.
Không ai muốn hình ảnh lúc mình không mong muốn nhất lại bị mọi người nhìn thấy, hay nói cách khác, hầu như chẳng ai đồng ý việc chia sẻ hình ảnh mình bị tai nạn ra ngoài .
Nếu chĩa máy quay vào lúc một người bất tỉnh tức là đã không có sự đồng ý của chính họ. Việc tạo "lá chắn" là tạo điều kiện cho các nhân viên y tế tập trung thực hiện các thao tác y khoa (tưởng tượng trong một ca mổ mà cho nhiều nhà báo vào quay phim, chụp hình thì tâm lý bác sĩ sẽ rất ảnh hưởng, nên đó cũng lại là quyền riêng tư của nhân viên y tế).
Tư duy này là một tư duy văn minh, nhân văn, biết tôn trọng quyền con người. Nó xuất phát từ việc người ta phải hiểu được khái niệm “phẩm giá.”
Phẩm giá là gì? Có thể hiểu phẩm giá bằng ví dụ sau: Bạn đi làm từ thiện trao quà cho người nghèo, người khuyết tật, trẻ em khó khăn… Bạn làm một sân khấu để từng người lên nhận quà, cầm tấm bảng có chữ “nghèo, tàn tật, khó khăn”. Trao tới ai, bạn quay phim hỏi họ cảm thấy thế nào khi nhận quà... Đúng là bạn đang giúp họ, nhưng đang không bảo vệ phẩm giá của họ.
Ông bà ta đã đúc kết rất giản dị “của cho không bằng cách cho” là vậy. Không thể nói đã nhận còn sĩ diện hay tự ái, mà vì “cách cho” nó nói lên tư cách, tri thức, mục đích của người cho và quyết định việc có tạo ra sự tiếp nhận thực sự từ bên trong của người nhận hay không.
Hoặc khi một nạn nhân của tội phạm tấn công tình dục, bạo lực thể xác tinh thần… phải ngồi trước hàng chục ống kính, trả lời hàng chục lần, bị yêu cầu phải mô tả lại chi tiết những gì đã xảy ra với họ để có được những bài báo “rùng mình, đau xót” làm đánh động lòng người và truy đòi công lý thì đó là thứ công lý không nhằm nâng đỡ phẩm giá, hồi phục cuộc sống cho nạn nhân.
Đây là gợi ý tốt cho người làm công tác xã hội lẫn bất kì ai về việc muốn giúp đỡ người khác hay làm việc với các nhóm yếu thế để thực sự “làm mạnh” họ chứ không phải làm họ cảm thấy mình yếu ớt, phụ thuộc, bất lực.
Để từ “làm mạnh” trong ngoặc kép là để tự nhắc tôi là ai mà có quyền quyết định ai “mạnh-yếu” và có thực sự tôi “mạnh” hơn họ chưa. Nếu không, thì chúng ta vẫn đang đứng quanh quây người yếu thế để “cầu nguyện” cho họ, hay để “tránh khiến người xem bị sốc” mà thôi.
Lương Thế Huy (Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường)
Eriksen bất tỉnh: Khi khán giả không giơ điện thoại livestream...
Cách ứng xử sau sự cố cầu thủ Eriksen bất tỉnh đã gợi mở nhiều suy nghĩ của những người xem trận đấu.