- Đồng tiền và cách ứng xử với nó ra sao để phù hợp với chuẩn mực công dân toàn cầu? Câu hỏi nóng này được mổ xẻ kỹ ở phần II của bàn tròn về giá trị công dân toàn cầu.

Xem phần I: Đi tìm giá trị chuẩn mực của công dân toàn cầu

Chương trình Bàn tròn trực tuyến của VietNamNet với chủ đề “Những giá trị chuẩn mực của công dân toàn cầu” đã diễn ra với 6 khách mời:

- GS. Carlos Torres, Chủ tịch Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu. Ông là giáo sư đặc biệt xuất sắc của Đại học UCLA.

- GS. Anna Steinbach Torres, thành viên của chương trình Giáo dục công dân toàn cầu.

- TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

- GS. Trần Ngọc Vương, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội.

- Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Diễn đàn toàn cầu Boston, Giám đốc Viện Michael Dukakis về lãnh đạo và sáng tạo, nguyên Tổng biên tập báo VietNamNet.

- Bà Đỗ Thị Thoan, nguyên hàm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng.

Phần I đã đăng ngày 14/9/2017. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu phần II của bàn tròn.

Phần I: Đi tìm giá trị chuẩn mực của công dân toàn cầu

Mời bạn đọc theo dõi tiếp phần II dưới đây:


Thực hành giá trị toàn cầu, sẽ không còn chuyện nước lớn- nước nhỏ

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa GS Trần Ngọc Vương, trong thời đại ngày nay, đôi khi nói tới những giá trị chuẩn mực, chúng ta cũng gặp phải tình trạng lẫn lộn giữa giá trị ảo với giá trị thật, cũng có những giá trị bị nhìn nhận một cách lệch lạc. Vậy để thực hành những thang giá trị chuẩn mực toàn cầu từ thấp lên cao, ông nghĩ chúng ta cần phải gì để phấn đấu đạt được?

GS Trần Ngọc Vương: Tôi nghĩ rằng, giá trị luận là những vấn đề đã được đặt ra từ rất lâu và sẽ phải tranh luận rất lâu nữa mới đi đến những thống nhất cơ bản nào đó.

Như bạn vừa nhắc đến, là điều mà tôi cũng rất quan tâm tới hiện nay, chính là chủ nghĩa bảo hộ. Nhưng hãy xem, ai thực hành chủ nghĩa bảo hộ? Tôi thấy, chủ yếu các nước lớn, họ bảo hộ chính bản thân họ.

Chủ nghĩa bảo hộ lại do những anh có điều kiện để toàn cầu hóa nhiều nhất khởi xướng lên. Vậy thì ở đây, trong các nền chính trị quốc gia, dân tộc, chúng ta thấy đang diễn ra một quá trình chuyển động rất là đa dạng, phức tạp và quá trình đó đã kiến tạo nên những giá trị. Tuy nhiên, có tình trạng anh bắt mọi người theo một giá trị nào đó mà thực tế, bản thân anh lại đuổi theo một giá trị khác.

Như người Việt Nam vẫn nói, anh là người lớn mà anh lại làm thế thì tôi làm theo anh thế nào được? Anh bảo hộ mà anh lại bắt tôi phải vì mọi người trên toàn cầu? Tôi phải giữ lấy cái gì của tôi chứ?

Chính vì thế, câu chuyện về giá trị luận để mà thảo luận, để mà ngã ngũ một cách khoa học, một cách sòng phẳng là cần thời gian và cần sự nhân nhượng lẫn nhau, cần một sự thỏa hiệp lẫn nhau.

Ở đây, không phải là bảng giá trị chung cứng nhắc. Cách đây mười mấy năm, rất nhiều người rung động trước cuốn sách mang tựa đề “Thế giới phẳng”. Chính ngay một thời gian sau đó, tôi đã định viết một bài “Thế giới phẳng và không phẳng”, chứng minh rằng có rất nhiều thứ không phẳng và còn lâu mới phẳng được.

{keywords}
Ông Nguyễn Anh  Tuấn, GS Trần Ngọc Vương, Nhà báo Phạm Huyền (ảnh: Lê Anh Dũng)

Câu chuyện giá trị luận ở đây cũng là như vậy. Nếu như chúng ta cố gắng tạo ra bảng giá trị chung cho mọi người thì chúng ta cũng luôn luôn nhớ rằng chính những anh tham gia vào bảng giá trị chung ấy lại cũng cố tình theo chủ nghĩa biệt phái, cố tình tạo ra những giá trị riêng.

Trong quá trình phát triển các nền chính trị quốc gia, chính những điều đó xung khắc với bảng giá trị chung. Và đây là một sự biện chứng của quá trình vận động, vừa đấu tranh vừa chuyển hóa các mặt đối lập, vừa là tương nhượng.

Tôi cho rằng, chúng ta ủng hộ xu hướng tạo ra những giá trị chung, giá trị chuẩn mực toàn cầu nhưng phải ý thức rằng tạo ra những giá trị chung ấy là một điều vô cùng khó khăn và trong trường hợp cụ thể, các quốc gia nhỏ yếu, các tộc người nhỏ yếu bao giờ cũng có phần thiệt thòi.

Đó là một thực tế của lịch sử chính trị mà chúng ta không thể nào nói một cách xảo ngữ rằng cố gắng phải thế này, cố gắng phải thế kia được mà phải đấu tranh, anh nhỏ anh phải có cách của anh.

Trong tự nhiên cũng thế, các bạn thấy không, con bọ cạp bé thế thôi nhưng mà nó đốt thì con to cũng chết. Người Việt vẫn có cái câu là bé hạt tiêu, tôi bé nhưng mà tôi cay cho nên tôi có cái giá trị của tôi.

Thế thì mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi cộng đồng phải tìm cách tham gia vào giá trị toàn cầu bằng cái mà mình có, như thế may ra người mà chủ động xác lập cái giá trị người ta mới tương nhượng với mình, người ta mới thỏa thuận với mình, người ta nhường bớt cho mình những cái mà làm nên giá trị của mình chứ còn không thì không có giá trị.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi xin đóng góp ý kiến thảo luận với GS Vương. Thứ nhất là về tạo dựng một giá trị chuẩn mực chung, đúng như GS. Vương nói là cần có thước đo chuẩn nào đó hoặc là giá trị chung nào đó để các quốc gia tôn trọng lẫn nhau, để không có chuyện cho các nước lớn áp đặt vào những giá trị của mình cho nước nhỏ. Tôi nghĩ, đó là điều rất tích cực.

Chúng ta cũng thấy, UNESCO và Liên Hợp Quốc đưa ra những giá trị chuẩn mực chung, tất cả các quốc gia đều tham gia và công nhận. Đó là mẫu số chung của nhân loại.

Trên nền đó, chúng tôi đưa ra Thẻ điểm công dân toàn cầu, thẻ điểm lãnh đạo toàn cầu. Với thẻ này, không có quốc gia lớn, quốc gia nhỏ nữa mà chỉ có vấn đề là, người nào có trí tuệ cao hơn, có lòng nhân ái tốt hơn, có trách nhiệm xã hội nhiều hơn bất kì một con người nào, bất kì một dân tộc nào đều xứng đáng được ghi nhận một cách rõ ràng, nghiêm túc và được tôn vinh.

{keywords}
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Diễn đàn toàn cầu Boston (ảnh: Lê Anh Dũng)

Lúc này, không còn chuyện nước lớn, nước nhỏ, quyền lực lớn, quyền lực nhỏ. Nguyên lý là như vậy, hệ giá trị chuẩn mực toàn cầu cho phép, mọi người, mọi quốc gia bình đẳng một cách rõ ràng về sự đóng góp và cống hiến, về tính nhân ái, hay giá trị nhân cách của mình trong xã hội.

Nói về chuyện các nước nhỏ, nước lớn, như GS Vương nói, tôi hoàn toàn đồng ý. Mỗi nước nhỏ có một giá trị riêng và phải tạo ra cho mình một cái tâm thế để các nước lớn phải coi trọng, nể trọng mình. Bé hạt tiêu là hình ảnh rất chính xác với dân tộc ta.

Thời đại toàn cầu hóa hôm nay đang mang đến những điều rất lợi cho mỗi dân tộc, Chúng ta có đầy đủ thông tin, không còn bỡ ngỡ nữa mà đã đi ra thế giới, hội nhập rồi.

Cách đây khoảng 20 năm, thế hệ chúng tôi đi ra thế giới rất bỡ ngỡ, còn bây giờ chúng ta hàng ngày đi ra thế giới. Khi thông tin được tiếp cận đầy đủ, chúng ta có nhiều trải nghiệm, rõ rằng chúng ta là bé hạt tiêu, có trí tuệ có ý tưởng, có giải pháp đặc sắc, độc đáo và nhìn ra được những vấn đề của thế giới ngày hôm nay.

Chúng ta tạo ra tâm thế, vị thế của đất nước của chúng ta, xứng đáng và có một chỗ đứng, góc nào đó là rất đặc sắc. Và điều này nhiều nước rất nhỏ đã làm được như trước đây là Thụy Sỹ ở châu Âu và gần đây ở châu Á trong thế kỷ XX có Singapore rất là nhỏ, nhỏ hơn chúng ta nhiều.

Tôi nghĩ rằng đất nước chúng ta không hề nhỏ với gần 100 triệu dân và với một diện tích như vậy. Tuy nhiên, không cẩn thận chúng ta sẽ nhỏ về tâm thế, nhỏ về suy nghĩ, nhỏ về khát vọng. Tôi sợ nhất là nhỏ về khát vọng, nhỏ về những ước mơ vượt lên của mình, tôi nghĩ là cái này là vấn đề trí tuệ.

Điều cốt lõi đó, tôi tin rằng những nhà lãnh đạo Việt Nam, lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước phải là những nhà lãnh đạo rất trí tuệ và tập hợp được rất nhiều trí tuệ, tinh hoa của dân tộc ở bên cạnh đó thì dân tộc chúng ta có trí tuệ để vươn lên, tôi suy nghĩ thêm một chút là như vậy.

Đừng nhìn giá trị đồng tiền, hãy nhìn cách ứng xử với đồng tiền

Nhà báo Phạm Huyền: Người Việt Nam hay nói người Việt Nam rất thông minh nhưng mà tại sao chúng ta thông minh mà vẫn nghèo hơn các nước. Câu chuyện quyền lực kinh tế đôi khi chi phối nhiều vấn đề rất là lớn ở cấp độ quốc gia. Ở cấp độ con người với con người, chúng ta có thể nói nôm na đấy là quyền lực của đồng tiền. Đi kèm với tiền bạc hiện nay là quyền lực rất lớn và thứ quyền lực đó đã chi phối các giá trị chuẩn mực.

Ông suy nghĩ như thế nào về cái quyền lực của đồng tiền tới giá trị con người của ngày hôm nay và đặc biệt là khi mà chúng ta phải hướng tới những giá trị chuẩn mực toàn cầu?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Giá trị đồng tiền cũng là một giá trị, chúng ta đừng nghĩ đồng tiền không phải là giá trị nhưng nó cần được đặt đúng chỗ và quan niệm đúng. Nếu trong một xã hội, trong một đất nước mà môi trường làm việc cũng như môi trường kinh doanh là môi trường lành mạnh, công khai, minh bạch mọi cơ hội, con người làm ra đồng tiền thì đồng tiền đó chính là cái thể hiện tài năng của họ, đó là kết quả quá trình lao động tạo ra, không phải dễ dàng.

Tôi không nói có những quốc gia còn chưa rõ ràng và còn có lợi ích phía sau của các nhóm liên kết kinh doanh giữa chính phủ một cách không minh bạch. Còn lại, các quốc gia văn minh tiên tiến, thực hiện công khai minh bạch thì nó là như vậy.

Chúng ta nhìn thấy ông chủ các Tập đoàn lớn như Microsoft, Google…, ví dụ như Bill Gates, đó là những tài năng thực sự, bằng trí tuệ đã tạo ra được những sản nghiệp lớn và có rất nhiều tiền, gọi là tỷ phú. Những đồng tiền đó rất đáng trân trọng, đó là một thước đo giá trị.

Nhưng mà trong cuộc sống, thước đo giá trị không phải chỉ là đồng tiền, nó còn nhiều thước đo giá trị khác, ví dụ như một nhà lãnh đạo như Tổng thống Obama chẳng hạn, có những quyết sách bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân, thường được gọi là “Obamacare”, mang đến những điều tốt đẹp cho mỗi công dân, nhất là những công dân nghèo về vấn đề chăm sóc sức khỏe phù hợp. Đó là một chính sách giàu nhân ái và ảnh hưởng rất lớn tới nước Mĩ, cho công dân Mĩ. Đó là một giá trị cao quý.

Và chúng ta có nhiều cái giá trị cao quý khác nhau. Và thẻ điểm công dân toàn cầu và thẻ điểm lãnh đạo toàn cầu đã ghi nhận những giá trị đó.

Nếu chúng ta nhìn đồng tiền là một giá trị tuyệt đối thì sau khi có tiền , cần làm gì, có tiền cần ứng xử với đồng tiền đó như thế nào để làm ra giá trị đẹp đẽ cho nhân loại? Tại sao mà Bill Gates và rất nhiều người có tiền nhiều đi làm từ thiện vì thực ra cuối cùng cuộc đời đẹp nhất là mang lại giá trị gì cho đồng loại của mình.

Chính vì vậy, cách ứng xử cái đồng tiền quan trọng!

Những người có tiền sử dụng đồng tiền thế nào và cách nhìn nhận đồng tiền ra sao là điều quan trọng, đừng coi nó là cái quyền lực tuyệt đôi và duy nhất trong xã hội.

Ngoài ra, người ta còn có dạng quyền lực nữa trong xã hội, đó là chức sắc. Cần nhìn nhận rằng, chức quyền, đó là một giá trị, một cơ sở để chúng ta làm được điều gì đó tốt.

Tất nhiên trong một xã hội minh bạch, công khai tốt, khi ở một cương vị nào đó trong hệ thống chính phủ thì đó là một cái giá trị. Tuy nhiên, vấn đề quay trở lại là người ở cương vị đó đã làm được cái gì đóng góp cho đất nước, cho dân tộc và nhân loại? Tóm lại tôi nghĩ, giá trị chuẩn mực nếu nhìn đúng như vậy thì có lẽ là xã hội sẽ tốt đẹp hơn nhiều.

{keywords}
Bà Đỗ Thị Thoan (ảnh: Lê Anh Dũng)


Nhà báo Phạm Huyền: Đồng tiền, chức vụ, quyền lực rõ ràng nó là công cụ nhưng cách mà con người ứng xử với những thứ đó cũng chính là thể hiện giá trị bản thân của con người. Tôi nhớ trong công việc làm báo trước đây, ông Nguyễn Anh Tuấn là có nhắc đến hình ảnh trái tim nóng và cái đầu lạnh.

Thưa bà Đỗ Thị Thoa, bà suy nghĩ như thế nào về chia sẻ vừa rồi của các vị khách mời?

Bà Đồ Thị Thoa: Tôi hoàn toàn đồng ý, ở mỗi cách tiếp cận khác nhau đều có những lý lẽ của nó.

Quay trở lại bạn nói tới vấn đề quyền lực của đồng tiền. Tôi thấy rằng, bây giờ các nước giàu, tại sao lại sinh ra cuộc chiến tranh tiền tệ, sinh ra rất nhiều thứ khác nhau, đấy là quyền lực của đồng tiền.

Tại sao người ta lại phải mua toàn bộ cái trái phiếu của chính phủ nước này để kìm hãm cái sự phát triển của nước kia, đấy là quyền lực và cách sử dụng cái đấy để làm tăng cái điều này, điều kia lên.

Đồng tiền, ngoài chuyện sử dụng nó cho giá trị chung của nhân loại thì đồng tiền đấy cũng thể hiện cái mạnh và cái yếu. Như giáo sư Vương nói đấy, tức là người nghèo có cái tham vọng của người nghèo, nước nghèo có cái tham vọng của nước nghèo, người giàu có tham vọng của người giàu, nước giàu, nước lớn cũng thế.

Thế thì tại sao chúng ta lại phải ngồi với nhau để xây ra những chuẩn giá trị chung và thống nhất được? Toàn bộ câu chuyện này sẽ không bao giờ đi đến hồi kết và chúng ta phải có những chuẩn chung, bối cảnh buộc chúng ta phải như thế.

Ngày xưa chúng ta không đưa ra cái khái niệm này nhiều lắm nhưng bối cảnh bây giờ, chúng ta đưa ra vấn đề giá trị công dân toàn cầu bởi thế giới đã được kết nối một cách hết sức chặt chẽ. Đó là kết nối về con người, kết nối về cơ sở hạ tầng, kết nối về tiền tệ, kết nối rất nhiều thứ…

Chúng ta từng phải chịu đau thương của chiến tranh nhưng chúng ta đóng góp cho nhân loại giá trị rằng, thế giới này cần phải hòa bình và khát khao được hòa bình.

Chúng ta từng trải qua những cơn đói, người dân bị khổ như thế nào! Nên đến bây giờ chúng ta lại đóng góp được cho nhân loại, cho những nước còn đang khép kín khác. Người nông dân giỏi của Việt Nam sang châu Phi hoặc những nước nghèo khác dạy cho họ cách canh tác, đấy là chúng ta đóng góp cho nhân loại để làm cho an ninh lương thực này tốt hơn lên.

Chúng ta đã làm cho thế giới biết được giá trị của Việt Nam trong toàn cầu. Tôi nghĩ là trong thế giới này, không một quốc gia nào bị coi là nhỏ, kể cả một cá nhân. Tôi rất muốn là thông qua anh Tuấn vừa nói và thông qua các vị vừa nói, vai trò của kênh thông tin truyền thông cần tăng cường.

Từ năm 2006, các bạn đã có cái nền tảng đó, đóng góp một tiếng nói trong vấn đề giáo dục toàn cầu, đặc biệt là giáo dục hướng tới giới trẻ. Ta không thể nào đào tạo cả 95 triệu người thành công dân toàn cầu được, thế thì phải có nhóm mục tiêu và thông qua các bài viết, chúng ta có thể đóng góp được rất nhiều cho giá trị chung của nhân loại nữa.

Giáo dục là yếu tố quan trọng đầu tiên

Nhà báo Phạm Huyền: Có một câu hỏi tiếp theo xin được chia sẻ với GS. Carlos Torres. Thưa ông, xin ông có thể chia sẻ thêm về những nấc thang giá trị chuẩn mực từ thấp lên cao, cần phải phần đấu như thế nào để trở thành một công dân toàn cầu? Kinh nghiệm về vấn đề này ở các quốc gia mà GS đã đi qua như thế nào?

GS Carlos Torres: Yếu tố đầu tiên trong việc giúp trở thành một công dân toàn cầu là sự tiếp cận giáo dục và trình độ giáo dục. Nếu bạn nhìn vào một trong những vùng xảy ra xung đột nhất của thế giới, đó là Afghanistan.

Thật không may, Afghanistan là một trong những quốc gia có trình độ giáo dục thấp nhất trên thế giới. Vậy nên sự căng thẳng giữa các nhóm cực đoan phát triển trong nước dẫn đến những cuộc đụng độ lớn trong hơn 50 năm.

Vẫn có những cơ hội cho trẻ em như cách phụ nữ bắt đầu đấu tranh giành quyền lợi và cách chúng ta thương lượng với chính phủ để giành những chính sách tốt hơn.

Vậy nên, nền giáo dục và trình độ giáo dục là yếu tố đầu tiên làm nên tầm nhìn mới cho con người.

Yếu tố thứ hai trong việc tạo nên một tầm nhìn mới đó là câu hỏi dành cho “New Global Ethics” (Quan niệm toàn cầu mới)

{keywords}
GS Carlos Torres (ảnh: Lê Anh Dũng)

Chúng ta cần một quan niệm toàn cầu mới, thứ mà tất cả mọi người có thể hiểu được lợi ích cũng như điểm bất lợi của việc trở thành một công dân toàn cầu.

Trong vấn đề này, tôi cho rằng có những yếu tố nhỏ nữa rất quan trọng.

Thứ nhất là sự khác biệt trong đa dạng văn hóa. Hôm qua, chúng tôi dành cả ngày với một nhóm ở Việt Nam. Chúng tôi bàn luận với họ về một số đồ uống, một số cây trồng và đồ ăn chúng tôi sẽ thưởng thức. Chúng tôi đã dành cả ngày để học về một trong những điều quan trọng nhất trong một nhóm người ở Việt Nam.

Nhưng họ có những nền văn hóa khác nhau và ngôn ngữ khác nhau. Và chúng tôi vượt qua ranh giới của sự khác biệt và đánh giá cao những sự khác biệt đó.

Thứ hai, một yếu tố thường được nhắc đến trong những bàn luận về việc xây dựng công dân, đó là chúng ta phải đối mặt với tham nhũng. Chúng ta bắt gặp tham nhũng ở mọi tầng lớp, tham nhũng ở trường học, tham nhũng trong gia đình, tham nhũng trong đất nước, tham nhũng trong kinh doanh. Và sự tham nhũng sẽ không còn xảy ra trong công dân toàn cầu. Và đó cũng chính là lí do tôi rất vui khi nghe nói đã có một tổ chức được thành lập để xóa bỏ nạn tham nhũng.

Thứ ba là lý do tại sao toàn cầu hóa mang lại sự cạnh tranh và đồng thời mang lại cả sự hợp tác.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đang xây dựng khái niệm toàn cầu mới, trong đó sự cạnh tranh và sự hợp tác khiến con người phục vụ vì lợi ích quốc gia, làm việc vì lợi ích công dân trong xã hội và hỗ trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận. Chúng ta cũng tạo ra những cuộc đối thoại bàn về sự khác biệt trong toàn cầu hóa, để từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cả sự cạnh tranh và sự hợp tác.

Nhìn chung, chúng ta đang nhìn vào một chuẩn mực mới trong giáo dục, trong đó yêu cầu nhiều hơn về hiểu biết về quan niệm công dân, về văn hóa, và thậm chí ở một số quốc gia là chính sách ngoại giao và cả quyền con người.

Tất cả những điều đó tạo nên một khối phức tạp, yêu cầu chúng ta phải luôn tiếp tục và sử dụng tối đa quyền và khả năng của mỗi người. Nhưng ngược lại, mỗi quốc gia cũng phải bảo vệ quyền đó của công dân và phát huy tối đa trách nhiệm của quốc gia đó.

(Đón xem phần 3: Hãy học cách sống với cái khác mình)

VietNamNet

Thực hiện: Lan Anh- Phạm Huyền

Video: Bạt Tuấn, Huy Phúc, Đức Yên, Xuân Quý, Thuý Hồng

Ảnh: Lê Anh Dũng

email: [email protected]