- Xin hỏi luật sư, người bị tạm giam, tạm giữ có quyền giữ im lặng chờ luật sư của mình không, hay buộc phải khai nhận trong quá trình điều tra? Pháp luật Việt Nam có quy định về “quyền im lặng” không?
Pháp luật Việt Nam quy định ra sao về "Quyền im lặng" |
"Quyền im lặng” hay còn có tên khác là “Quyền Miranda” được qui định trong luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ, là quyền của những người bị buộc tội.
Ở Việt Nam, BLTTHS hiện hành (năm 2003) chưa đề cập quy định về quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Tuy nhiên, tại các Điều 72, 84, 131, có qui định:
Điều 72 (Lời khai của bị can, bị cáo): Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
Điều 84 (Biên bản về việc bắt người): Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt, và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.
Điều 131 (Hỏi cung bị can): Trước khi hỏi cung, Điều tra viên phải đọc quyết định khởi tố bị can và giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo qui định tại điều 49 của Bộ luật này. Việc này phải được ghi vào biên bản.Trong thực tiễn, ở một số trường hợp, người bị bắt, bị can, bị cáo, đã thực hiện quyền từ chối trả lời câu hỏi của Điều tra viên và được ghi vào biên bản.
Đối với Quyền có luật sư, tại các Điều 48, 49, 50 BLTTHS hiện hành quy định: “Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa”, như vậy quyền này đã được qui định cụ thể, rõ ràng.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1 Điều 13). “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội” (Điều 15).
Ngoài ra, trong pháp luật TTHS cũng đã có những quy định gián tiếp thể hiện một số nội dung của quyền im lặng, ví dụ như quy định về việc người bào chữa có quyền có mặt khi hỏi cung bị can. BLTTHS năm 2015 cũng quy định tại phiên tòa, trong giai đoạn xét hỏi, nếu khi được hỏi, bị cáo không trả lời thì HĐXX chuyển sang hỏi người khác.
Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định chi tiết cụ thể về quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và người bị bắt khẩn cấp tại các điều 58 khoản 1 tiết e, điều 59 khoản 2 tiết c, điều 60 khoản 1 tiết d, điều 61 khoản 2 tiết h. Theo đó, các điều khoản này lần lượt ghi nhận: người bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can và bị cáo đều có quyền trình bày ý kiến, trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Như vậy, có thể hiểu người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự chủ về việc khai báo. Những gì bất lợi, họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
Trong các điều khoản trên, tuy không trực tiếp ghi nhận quyền im lặng cho người bị bắt khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, nhưng trong thực tế khi làm việc với các cơ quan tố tụng, họ có thể không trả lời một số câu hỏi mà họ cho là chống lại họ và họ cũng không buộc phải khai nhận mình có tội.
Đây có thể được coi là một nội dung của quyền im lặng, quy định này nhằm bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, tạo sự nhận thức thống nhất trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số: 144/2016/QH13 Lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 từ ngày 1 tháng 7 năm 2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, trừ quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều này.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc