Cụ thể, cử tri tỉnh Thái Nguyên đề nghị tăng phụ cấp nghề lên 80% - 100% đối với nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh; điều chỉnh tăng phụ cấp thường trực đối với cán bộ y tế.
Đề xuất nâng phụ cấp mức cao nhất với ngành y tế
Về nội dung này, Bộ Y tế cho biết, Nghị quyết số 27 ngày 21/5/2018 Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã nêu rõ: Thiết kế cơ cấu tiền lương mới có lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Khi xây dựng chế độ tiền lương mới, Bộ Y tế đã báo cáo trình Chính phủ, trong đó có đề nghị thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với ngành y tế theo tinh thần Nghị quyết số 27 và Nghị quyết số 107 ngày 16/8/2018 của Chính phủ để bảo đảm quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động ngành y tế phù hợp với các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng từ trước đến nay.
Bộ Y tế cũng đề nghị xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ. Ngoài ra, Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức tại các cơ sở y tế công lập.
Trong đó, Bộ đề nghị áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng, y tế cơ sở. Hiện nay bộ đang trình các cơ quan có thẩm quyền để ban hành theo quy định.
Xem xét, điều chỉnh mức hưởng BHYT
Cử tri tỉnh Phú Thọ phản ánh về Nghị định 146/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT đã điều chỉnh mức hưởng BHYT của đối tượng thanh niên xung phong chỉ được hưởng 80% chi phí khám, chữa bệnh thay vì 100% như trước đây. Cử tri đề nghị xem xét tăng mức hưởng BHYT cho đối tượng này như trước.
Trả lời, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Đảng và nhà nước không ngừng quan tâm chăm lo đền ơn đáp nghĩa đối với người có công cách mạng, trong đó có nhóm đối tượng thanh niên xung phong. Hệ thống chính sách, pháp luật BHYT về ưu đãi người có công ngày một hoàn thiện, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao, gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.
Hiện nay, chính sách BHYT đối với lực lượng thanh niên xung phong đã được quy định tại Luật BHYT và Nghị định số 146/2018. Thời gian vừa qua, một số đoàn ĐBQH và cử tri đã có kiến nghị đề nghị nâng mức hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các nhóm đối tượng Thanh niên xung phong.
Đối với nội dung kiến nghị này, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh mức hưởng BHYT.
Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh hiện nay nhà nước tăng cường đầu tư cho y tế với nhiều trang thiết bị hiện đại, phục vụ công tác khám chữa bệnh, nhất là tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, việc khám chữa bệnh ở y tế tuyến cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế về nhân lực, chuyên môn, danh mục thuốc và mức chỉ trả khi người tham gia khám chữa bệnh bằng BHYT rất thấp (khoảng 220.000/lần khám chữa bệnh) trong khi chi phí mua bảo hiểm cao, giá các dịch vụ khám chữa bệnh tăng.
Cử tri kiến nghị nghiên cứu, xem xét việc tăng định mức chỉ, mở rộng danh mục thuốc... đối với người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh bằng BHYT.
Bộ Y tế cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có Danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng BHYT. Bên cạnh đó, Danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại.
Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại.
Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ BHYT, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng Danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp.
Trong những trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng được thuốc để điều trị cho người bệnh, bệnh viện cần chuyển người bệnh đến các cơ sở cung ứng đầy đủ thuốc và điều kiện để điều trị cho người bệnh, nhằm bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với hơn 9.000 dịch vụ), vật tư y tế. Trong đó có các phẫu, thủ thuật cao ,chi phí lớn như phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đĩa đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim… Đáng chú ý một số loại vật tư y tế được quỹ BHYT thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Riêng chi phí ngày giường điều trị nội trú, quỹ BHYT thanh toán căn cứ vào hạng bệnh viện và loại giường điều trị đã sử dụng với mức đang thanh toán trung bình một đợt điều trị khoảng 6 ngày, khoảng 1,2 – 1,3 triệu đồng/lượt, có trường hợp đặc biệt lên đến hàng chục triệu.