Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ rất xúc động khi có mặt để thực hiện nghi lễ quan trọng này.

Thủ tướng nhấn mạnh, Quỹ được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.

Quỹ được dựa trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và thuận lợi nhất cho việc đóng góp.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Quỹ phòng chống Covid - 19 là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn. Ảnh Ngọc Dũng

Tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định

Theo người đứng đầu Chính phủ, trong thời gian qua, với phương châm “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, Việt Nam đã được ghi nhận là điểm sáng trên thế giới về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Về chống dịch, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia xử lý đại dịch hiệu quả nhất với tỷ lệ người nhiễm và tử vong thấp nhất.

Về kinh tế, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi tăng trưởng dương trên thế giới trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19.

"Điều đó thể hiện hiệu quả lời hiệu triệu “Chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước và toàn thể Nhân dân với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, bản lĩnh, kịp thời, sát thực tiễn và sự đồng lòng, đoàn kết của cả dân tộc ta", Thủ tướng khẳng định.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, với chủng mới từ Ấn Độ và Vương quốc Anh, có tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm mới “5K + vắc xin” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi, nghiêm ngặt để thực hiện được “mục tiêu kép” vừa chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong phương pháp chống dịch, chúng ta không lựa chọn giải pháp dễ làm mà có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta chỉ thực hiện phong tỏa những vùng bị dịch, giãn cách ở những vùng có nguy cơ cao và vẫn đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường bằng phương pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết, dập dịch.

Để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu sớm tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hàng năm. Tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19.

Thủ tướng nêu lại lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh, khi đất nước ta gặp khó khăn, tinh thần đoàn kết, sức dân là vũ khí tối tân nhất, sắc bén nhất để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù và viết nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn.

Quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại kinh nghiệm cho thấy, năm 1945, trước những khó khăn chồng chất của tình thế cách mạng "ngàn cân treo sợi tóc", hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào ta trên mọi miền đất nước đã nhiệt tình ủng hộ “Tuần lễ Vàng”, với tinh thần “Người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều”, tạo nên “Quỹ Độc Lập”, góp phần thiết thực đưa công cuộc kháng chiến, kiến quốc đến thành công.

Truyền thống “Thương người như thể thương thân”, hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” đã hun đúc trong mỗi người con đất Việt và gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này.

"Truyền thống ấy càng tỏa sáng mỗi khi đất nước chúng ta gặp khó khăn như chiến tranh, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh. Chính vì vậy, sự chia sẻ, trách nhiệm, cảm thông của Nhân dân với Nhà nước là nhân tố quan trọng để chúng tôi tin rằng Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19 sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài", Thủ tướng kêu gọi toàn thể nhân dân đồng lòng cùng chống dịch.

Mỗi đóng góp đều có ý nghĩa cho sự an toàn hơn cho bản thân, gia đình chúng ta, cho cộng đồng và cả xã hội.

Thủ tướng xúc động: “Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, các cấp, các ngành, các địa phương cần hành động khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân, người dân đóng góp cho Quỹ dưới mọi hình thức.

Em bé dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sâu sắc đến toàn thể nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đồng lòng, đồng hành và chia sẻ để chúng ta cùng nhau chiến thắng đại dịch, để nhân dân được sống trong ngôi nhà lớn - Việt Nam an toàn, mạnh khỏe, thịnh vượng.

"Không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của tinh thần đoàn kết, của tình yêu thương. Như Bác Hồ kính yêu đã dạy: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ thêm, Nhà nước ta đã nỗ lực gỡ bỏ mọi khó khăn vướng mắc về cơ chế, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để chúng ta có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất có thể, tiêm miễn phí cho toàn dân. Tuy nhiên, nguồn vắc xin trên thế giới cũng hạn chế và họ sẽ ưu tiên cho những quốc gia có tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh hơn Việt Nam.

“Việc thành lập Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19 là một chủ trương của Đảng, Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị để huy động nguồn lực xã hội thực hiện công tác phòng chống dịch. Cuộc chiến với Covid-19 bằng vắc xin chúng ta sẽ phải đi đường dài, phải tiêm cho nhân dân hàng năm", Thủ tướng nói.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước nên đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết.

“Chúng ta rất cảm động khi được biết những em bé dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu, tiền tiết kiệm, những phụ nữ tiết kiệm chi tiêu, những công chức, viên chức, công nhân tiết kiệm ngày lương để ủng hộ Quỹ, kiều bào ta ở nước ngoài trực tiếp hoặc nhờ người thân đóng góp Quỹ với tinh thần: Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, Thủ tướng dẫn chứng. Hàng trăm doanh nghiệp mặc dù phải đối mặt với khó khăn do tác động dịch bệnh nhưng rất tích cực đóng góp cho Quỹ. Nhiều doanh nghiệp cũng nói rằng muốn được thể hiện tấm lòng với Nhân dân, với Nhà nước, đóng góp cho Quỹ để lo cho nhân dân, còn việc tiêm cho nhân viên của mình sẵn sàng trả phí để đơn giản là có nhiều tiền hơn để Nhà nước lo cho Nhân dân.

"Chúng ta tin rằng nhân dân đã hiểu được sự cố gắng của Đảng, Nhà nước của cả hệ thống chính trị bằng trí tuệ, bằng ý chí, sự kiên cường, sự quyết liệt và sự đồng cam cộng khổ, đồng lòng của nhân dân để chúng ta đã đi qua đại dịch hơn 1 năm qua một cách kiên cường, bền bỉ và có hiệu quả vẽ nên mảng màu xanh an toàn trên bản đồ thế giới nhuốm màu đỏ, màu vàng, sự sợ hãi lây nhiễm và tang tóc của đại dịch đã gây ra trên thế giới”, Thủ tướng nói.

Đến 22h, tổng số tiền các tổ chức, doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương đóng góp cho Quỹ là 6.600 tỷ đồng. Ngoài ra, qua tổng đài 1408, Quỹ đã nhận được số tiền ủng hộ 17,7 tỷ đồng. Sau buổi lễ này, Chính phủ sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt tôn vinh các tập thể, cá nhân đã đóng góp vào Quỹ tại trụ sở Chính phủ.

Diệu Thúy