Sáng nay, ngày 12/3/2016, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA đã tổ chức buổi gặp mặt Đầu Xuân Bính Thân 2016.

Theo đại diện VNISA, bên cạnh các hoạt động tham gia phản biện, đóng góp ý kiến cho văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch và đề án của nhà nước về ATTT; tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức của cộng đồng về ATTT; tổ chức sự kiện thường niên “Ngày ATTT Việt Nam”, một nooij dung hoạt động quan trọng của Hiệp hội trong năm 2015 vừa qua là ban hành và vận động Hội viên đăng ký tuân thủ Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp ATTT.

Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp ATTT được Chủ tịch VNISA ký quyết định phê duyệt ngày 30/1/2015. Bộ Quy tắc này nhằm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hành nghề cung cấp dịch vụ ATTT một cách chính trực, trọng danh dự và tin cậy. Theo VNISA, bộ quy tắc này là sự bổ sung, phối hợp và không mẫu thuẫn với các quy định có tính pháp lý của Việt Nam và những quy định quốc tế được Việt Nam công nhận.

Gồm có 3 chương với 8 Điều, “Bộ quy tắc đạo đức nghề ATTT” quy định một cách ngắn gọn, súc tích các nguyên tắc cư xử, ứng xử của các tổ chức, cá nhân hành nghề, cung cấp dịch vụ ATTT, tập trung vào 4 nội dung chính: Trách nhiệm với xã hội, cộng đồng: Bảo vệ các hệ thống CNTT của xã hội, tổ chức và cá nhân; Về thái độ hành nghề: Thực thi công việc đúng pháp luật, minh bạch, trung thực và đúng đắn; Về chất lượng dịch vụ: Tận tâm cung cấp dịch vụ ATTT chính xác, chuyên nghiệp và bảo đảm nhất cho cá nhân/ tổ chức khác; Với nghề ATTT: Nâng cao trình độ bản thân, nỗ lực phát triển nghề ATTT trong cộng đồng.

Cũng theo đại diện VNISA, tháng 3/2015, Bộ TT&TT đã có công văn gửi Bộ GD&ĐT trong đó có đề nghị đưa Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp ATTT vào chương trình đào tạo. Tiếp đó, vào tháng 7/2015, VNISA đã thành lập Ban kiểm soát việc tuân thủ Bộ Quy tắc đạo đức nghề ATTT trong Hiệp hội. “Việc cam kết  tuân thủ Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cũng đã chính thức trở thành một tiêu chí quan trọng khi xem xét kết nạp hội viên mới của Hiệp hội”, đại diện VNISA cho hay.

Đại diện VNISA cũng cho biết, cùng với việc ban hành Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp ATTT, Hiệp hội cũng kêu gọi không chỉ các hội viên Hiệp hội mà cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác hoạt động trong lĩnh vực ATTT cam kết tuân thủ bộ Quy tắc này. “Tuy vậy, để đưa Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp ATTT vào áp dụng trong hoạt động thực tiễn, cần sự hướng dẫn và cam kết tuân thủ nghiêm túc từ phía các hội viên và từ đó có sự lan tỏa rộng rãi cho những người làm ATTT trong cộng đồng xã hội”, đại diện VNISA chia sẻ.

Bên cạnh việc tiếp tục vận động các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ATTT  đăng ký cam kết tuân bộ Quy tắc nghề nghiệp ATTT, trong năm 2016, VNISA cũng dự kiến sẽ tập trung tuyên truyền quảng bá nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT của cộng đồng thông qua các hoạt động như: tổ chức các hội thảo chuyên đề, sinh hoạt café bảo mật…; phối hợp với Trung tâm Đào tạo CNTT&TT Hà Nội tổ chức các lớp đào tạo về ATTT cho tổ chức, doanh nghiệp; truyền thông, đưa thông tin về các sản phẩm đạt danh hiệu “Sản phẩm ATTT chất lượng cao của năm 2015”  đến cộng đồng…

Bên cạnh đó, tổ chức sự kiện Ngày ATTT Việt Nam năm 2016 và phát triển, đảm bảo quyền lợi hội viên cũng là những nhiệm vụ trọng tâm của VNISA trong năm nay.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, với xu thế phát triển rất nhanh và nguy cơ mất an toàn thông tin ngày càng cao cả ở thế giới cũng như tại Việt Nam, vai trò của Hiệp hội ATTT ngày càng lớn: là nhân tố trực tiếp thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực ATTT, là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, đào tạo ATTT đồng thời cũng là nòng cốt trong việc tham góp ý kiến cho cơ quan nhà nước  xây dựng cơ chế chính sách về ATTT.

Khẳng định Bộ TT&TT cũng như  các bộ, ngành khác coi Hiệp hội  ATTT là người bạn đồng hành, Thứ trưởng đề nghị thời gian tới VNISA phát huy hơn nữa vai trò tư vấn, phản biện. Cụ thể hiện nay Bộ TT&TT đã triển khai gấp 2 việc: tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến ATTT; xây dựng dự thảo 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An toàn thông tin mạng là “Nghị định quy định chi tiết về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ” và “Nghị định quy định chi tiết về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng”. "Đây là những nội dung quan trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực ATTT. Quan điểm của Bộ TT&TT là phải làm sao hài hòa giữa quản lý và phát triển. Mong muốn Hiệp hội ATTT sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, tích cực tham góp ý kiến cho các văn bản quy phạm pháp luật Bộ TT&TT đang xây dựng”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng đề nghị VNISA trong thời gian tới chú trọng hơn nữa đến công tác phát triển hội viên mới, làm thế nào thu hút thêm nhiều hơn nữa các doanh nghiệp mạnh, doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong lĩnh vực ATTT tham gia vào Hiệp hội; nâng cao chất lượng của các các sự kiện, hoạt động do Hiệp hội tổ chức; đồng thời tham gia tích cực hơn vào Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực  an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020 (Đề án 99).