- Khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần là dấu hiệu đầu tiên của ung thư thanh quản, nhưng phần lớn mọi người chủ quan nên tới khi đi khám thì tình trạng đã rất nặng.
Thanh quản là cơ quan nằm giữa hạ họng (đáy lưỡi) và thực quản/ khí quản, là một phần của cơ quan hô hấp. Ung thư thanh quản là các khối u ác tính xuất phát từ nội thanh quản (gồm 3 tầng) hoặc ở vùng bờ thành của thanh quản.
Theo Phó GĐ Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM Võ Quang Phúc, ung thư thanh quản đứng hàng thứ 2 (sau ung thư vòm mũi họng) trong chuyên khoa tai mũi họng.
Rượu và hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư thanh quản |
Bệnh thường xuất hiện ở nam gặp nhiều hơn nữ với tỷ lệ khoảng 10/1. Tuổi thường gặp từ 40 - 70.
Nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng được xác định do hút thuốc lá, rượu, sự phối hợp giữa rượu - thuốc lá có nguy cơ cao hơn.
Những người làm việc trong nhà máy hóa chất, mỏ có nikel, amiante, chrome, hay đã bị tia xạ vùng trước cổ, viêm thanh quản mạn tính, nhiễm khuẩn vùng răng miệng, tai mũi họng dai dẳng, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin cũng dễ mắc ung thư thanh quản.
BS Phúc cho hay, dấu hiệu đầu tiên của ung thư thanh quản là khàn tiếng kéo dài. Nếu chứng khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt với nam giới ở độ tuổi trên 40 cần được nội soi thanh quản kịp thời.
Khi kích thước khối u ngày càng tăng thì khẩu kính của thanh môn ngày càng hẹp thì người bệnh sẽ bắt đầu thấy khó thở.
Lúc đầu khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức nhưng về sau chúng biểu hiện rõ rệt và thường xuyên hơn. Ngoài ra bệnh nhân còn bị khó nuốt, sút cân…
Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh nên tới bác sĩ để được nội soi, chụp phim cắt lớp vi tính, khi cần sẽ sinh thiết khối u để đưa ra chẩn đoán quyết định dựa trên kết quả giải phẫu bệnh lý.
Ở giai đoạn sớm của ung thư thanh quản, các bác sĩ có thể sử dụng phẫu thuật cắt dây thanh, vẫn có thể bảo tồn giọng nói.
Khi đến giai đoạn muộn, phải cắt thanh quản bán phần, hoặc cắt thanh quản toàn phần, kèm theo phẫu thuật nạo vét hạch cổ.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được tia xạ hậu phẫu và điều trị hoá chất phối hợp, kèm theo nâng cao thể trạng và tình trạng miễn dịch chung.
Người bệnh nội soi thanh quản tại bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM |
Trước đây, để điều trị ung thư thanh quản, các bác sĩ thường phẫu thuật mổ hở để tiến hành lấy khối u ra ngoài.
Hiện tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã thực hiện phương pháp phẫu thuật ung thư thanh quản qua đường họng miệng bằng laser.
BS Phúc cho biết, với kỹ thuật này, chi phí chỉ bằng 1 nửa so với mổ hở và người bệnh ít phải chịu đau đớn hơn. Thời gian tia laser cũng được tiết kiệm chi phí so với phương pháp cũ.
Tính tới thời điểm hiện tại, bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM đã thực hiện tia laser điều trị ung thư thanh quản cho 30 trường hợp, tỷ lệ tái phát sau tia 5 – 6% (phương pháp mổ hở tái phát 10%).
Nếu mắc ung thư thanh quản mà không được điều trị, bệnh sẽ gây tử vong nhanh, chỉ trong vòng 1-3 năm vì bị suy kiệt hay nghẹt thở, chảy máu do ung thư di căn vào phổi, xương, gan.
Phát hiện bệnh muộn khi khối u đã lan tỏa, chèn ép cổ họng rất rõ ràng, bệnh nhân sẽ phải nạo vét hạch toàn bộ, cắt bỏ thanh quản dẫn đến hậu quả vĩnh viễn không còn phát âm được.
Còn khi phát hiện sớm, bệnh nhân chỉ phải cắt một dây thanh một bên hoặc cắt một nửa thanh quản nên vẫn nói chuyện được.
Văn Đức