Trong tham luận tại hội thảo “Chính sách và giải pháp chứng thực chữ ký số trên thiết bị di động tại Việt Nam” được tổ chức ngày 12/4 vừa qua, ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin - Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh, cần thiết phải xây dựng và triển khai giải pháp ký số trên các thiết bị di động cho hoạt động điều hành tác nghiệp trên thiết bị di động. Bởi lẽ, hiện nay qua khảo sát, đã có rất nhiều cơ quan, đơn vị Nhà nước triển khai các ứng dụng điều hành tác nghiệp hệ thống nền tảng di động, tính di động của hệ thống rất cao. Cán bộ cơ quan nhà nước có nhu cầu xử lý công việc mọi lúc, mọi nơi với các thiết bị di động.
“Nhu cầu triển khai chữ ký số trên thiết bị di động phục vụ điều hành tác nghiệp tại các cơ quan Đảng và Nhà nước ngày càng tăng mạnh. Thời gian qua, đã có nhiều cơ quan nhà nước như Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố Bạc Liêu, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang... đã yêu cầu Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai chữ ký số trên thiết bị di động phục vụ điều hành tác nghiệp”, ông Tùng cho hay.
Theo chia sẻ của ông Tùng, việc nghiên cứu giải pháp ký số trên thiết bị di động đã được Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai từ khá sớm, khoảng những năm 2010 - 2012. Để lựa chọn và phát triển những giải pháp ký số trên thiết bị di động triển khai cung cấp cho các cơ quan nhà nước, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tiến hành khảo sát, đánh giá ưu - nhược điểm của một số giải pháp trên thiết bị di động, tập trung vào các giải pháp sử dụng nền tảng PKI như Soft Token, Audio Token, OTG Token, Secure SDcard, NFC card, Bluetooth PKI Token và SIM PKI.
Qua khảo sát các giải pháp Mobile PKI trên thế giới và cả ở Việt Nam, hiện tại Ban Cơ yếu Chính phủ đang tập trung vào 3 nội dung chính để nghiên cứu triển khai ký số trên di động cho cơ quan nhà nước, bao gồm: nghiên cứu sản xuất thiết bị OTG PKI Token để triển khai cho thiết bị di động; nghiên cứu triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho thiết bị di động dựa trên thiết bị Bluetooth PKI Token; nghiên cứu triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho thiết bị di động dựa trên SIM PKI.
Trong đó, giải pháp SIM PKI cho cơ quan nhà nước là một đề tài nghiên cứu cấp Bộ, được Ban Cơ yếu Chính phủ giao cho Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin chủ trì nghiên cứu. Thời gian qua, Cục đã phối hợp với đối tác SIM PKI tin cậy để triển khai giải pháp ký số sử dụng SIM PKI. Cục cũng đã được Viettel hỗ trợ hệ thống viễn thông, đầu số di động cho SIM PKI để phục vụ nghiên cứu phát triển. “Đến nay, sản phẩm đang được thực hiện kiểm định để đánh giá an ninh, an toàn cũng như khả năng triển khai trong thực tế cho các cơ quan nhà nước”, ông Tùng nói.
Cùng với việc thông tin tới các đại biểu dự hội thảo "Chính sách và giải pháp chứng thực chữ ký số trên thiết bị di động tại Việt Nam” về mô hình triển khai, các thành phần, các tiêu chuẩn xây dựng hệ thống, các thuật toán mật mã nâng cao của giải pháp SIM PKI cho cơ quan nhà nước, đại diện Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin cũng cho biết, hiện nay giải pháp này hỗ trợ các nền tảng ứng dụng gồm: các ứng dụng trên máy tính (laptop, deshtop), các hệ điều hành máy tính (Windows), các thiết bị di động (Feature phone, smartphone, tablet…); các hệ điều hành thiết bị di động (iOS, Android…); ký số, xác thực các chuẩn chữ ký số (PKCS#7/CMS, XML, XADES…), các định dạng tài liệu phổ biến (PDF, docx…).
Trong định hướng phát triển, đơn vị nghiên cứu cũng dự định phát triển để giải pháp SIM PKI cho cơ quan nhà nước hỗ trợ cả các nền tảng công nghệ khác như hệ điều hành Linux, MacOS; các giao thức xác thức; các thuật toán mật mã ECDSA…
Đáng chú ý, đề cập đến lộ trình triển khai các giải pháp ký số trên thiết bị di động cho cơ quan nhà nước, theo chia sẻ của đại diện Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin - Ban Cơ yếu Chính phủ, hiện nay các giải pháp đang được Ban thẩm định, kiểm nghiêm an toàn, xem xét khả năng đưa vào triển khai thực tế.
Riêng với giải pháp SIM PKI, giải pháp này đang được triển khai thử nghiệm tại một số cơ quan, đơn vị nhà nước để kiểm tra tính tương thích của giải pháp công nghệ. “Dự kiến trong quý III, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ cung cấp giải pháp ký số trên di động cho các cơ quan nhà nước có yêu cầu”, đại diện Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin cho hay.