Điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành thứ trưởng

Nghị định 29 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn áp dụng cho chức danh công chức lãnh đạo, quản lý có hiệu lực từ 1/5.

Nghị định quy định tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý gồm: Tiêu chuẩn về chính trị tư tưởng; tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; tiêu chuẩn về trình độ; tiêu chuẩn về năng lực và uy tín; tiêu chuẩn về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác.

Trong đó quy định rõ, chức danh thứ trưởng là cấp phó của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Thứ trưởng có nhiệm vụ giúp bộ trưởng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý một hoặc một số ngành, lĩnh vực, chuyên ngành công tác theo phân công của bộ trưởng. Thứ trưởng phải chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và pháp luật về nhiệm vụ được giao.

Thứ trưởng phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, thứ trưởng còn phải là người có quan điểm khách quan, toàn diện, biện chứng; am hiểu sâu sắc về pháp luật, quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực quản lý và thông lệ quốc tế.

Chức danh này còn phải có năng lực: Tham mưu hoạch định những vấn đề chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án, chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kỳ và hằng năm của ngành, lĩnh vực; chỉ đạo hoặc trực tiếp giải quyết những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực.

Thứ trưởng cũng đòi hỏi phải có năng lực chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, chế độ công vụ, công chức; chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân...

Người được bổ nhiệm thứ trưởng phải đang giữ chức vụ tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng, vụ trưởng, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp tỉnh hoặc chức vụ tương đương theo quy định.

Tháng 5 có Nghị định quy định chế độ tiền lương mới

Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2024, quy định tháng 5 hoàn thành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Bên cạnh đó, hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính Nhà nước trước ngày 31/3. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu để làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7.

W-1hai-4044-4.jpg
Ảnh minh họa: Phạm Hải

Hiện chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đang thực hiện theo các quy định tại Nghị định 204/2004 với 7 bảng lương. Kể từ 1/7, theo Nghị quyết 27 sẽ chỉ còn 5 bảng lương, gồm:

1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương.

3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Giá điện được điều chỉnh 3 tháng một lần

Từ 15/5, giá điện được xét thay đổi ba tháng một lần khi chi phí đầu vào tăng từ 3% trở lên, theo quyết định đã được Thủ tướng phê duyệt.

Nếu giá điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán hiện hành thì được điều chỉnh giảm tương ứng. Ngược lại, nếu giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

giá điện hoang giam 22.jpg
Từ 15/5, giá điện được xét thay đổi ba tháng một lần khi chi phí đầu vào tăng từ 3% trở lên. Ảnh: Hoàng Giám

Như vậy thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng. Tức là, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Hiện, giá bán lẻ điện thực hiện theo Quyết định 24/2017, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá điện là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. 

Nguyên tắc in seri tiền mới 

Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước quy định về quản lý seri tiền mới in có hiệu lực từ 15/5.

Việc in seri trên tiền được quy định như sau:

Với tiền được ban hành trước 2003: Seri gồm vần và dãy số tự nhiên có 7 chữ số từ 0000001 trở đi.

Với tiền được phát hành từ 2003 trở đi: Seri tiền gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 8 chữ số. Trong đó, hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối trong năm sản xuất còn 6 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên từ 000001 trở đi.

Trong đó, vần seri gồm 2 trong số 26 chữ cái (A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z) và gồm vần chính, vần phụ.

Mỗi tờ tiền sẽ có một seri riêng.