Với biện pháp buộc xe ngoại duy trì mức giá cao, phải chăng Nghị định này muốn bảo hộ cho ô tô lắp ráp trong nước giữa bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô đang giảm xuống theo cam kết?
Ngày 28/10 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 105/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) để hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi năm 2014).
Việc Nghị định này thay đổi cách xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô nhập khẩu (NK) dưới 24 chỗ lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, dường như vấn đề không đơn thuần chỉ là một sự thay đổi có tính kỹ thuật.
Như chúng ta đều biết, thuế TTĐB đánh vào những hàng hóa không được khuyến khích sản xuất, tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá… Trước hết, hãy tìm hiểu cơ chế tính thuế TTĐB hiện hành. Để đơn giản hóa, ta giả sử một chiếc ô tô 4 chỗ có giá tính thuế NK là 20.000 USD, thuế suất thuế NK và TTĐB đều là 50%.
Số thuế NK là 50% x 20.000 = 10.000 USD. Số thuế này sẽ được cộng với giá tính thuế NK để có trị giá tính thuế TTĐB (20.000 + 10.000 = 30.000 USD). Số thuế TTĐB phải nộp là 50% x 30.000 = 15.000 USD.
Như vậy, sau khi nộp thuế NK và thuế TTĐB, tổng chi phí NK chiếc xe này đã lên đến 45.000 USD. Trong 45.000 USD đó, số thuế là 25.000 USD – cao hơn cả giá trị của chiếc xe.
Chiếc ô tô sẽ còn phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) và nhiều khoản phí, lệ phí khác mới có thể chính thức được lưu hành.
Điểm thay đổi quan trọng nhất là cách đánh thuế ô tô nhập khẩu. |
Có thể nói số thuế mà người mua ô tô NK phải chịu theo quy định hiện hành là rất cao. Tuy vậy, điều “an ủi” là với cách tính khá rõ ràng này, doanh nghiệp NK và người mua có thể ước lượng được tương đối chính xác chi phí phải bỏ ra.
So với cách tính này, cách tính mới được quy định tại Khoản 1(c), Điều 4 của Nghị định 108 khá phức tạp. Theo đó, trong trường hợp cơ sở NK ô tô dưới 24 chỗ bán hàng cho các cơ sở kinh doanh thương mại (KDTM) thì: “giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở NK nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe NK.”
“Giá vốn” được hiểu bao gồm: giá tính thuế NK và thuế NK (nếu có) cộng với thuế TTĐB tại khâu NK. Ngoài ra, nếu giá bán ra của nhà NK ô tô cho cơ sở KDTM thấp hơn 105% giá vốn xe NK thì giá tính thuế TTĐB sẽ do cơ quan thuế ấn định.
Đây là điểm dư luận quan tâm nhưng lại khó hiểu cặn kẽ. Cần thấy Điều 4 của Nghị định chia giá tính thuế TTĐB ra nhiều trường hợp, trong đó có: (1) hàng hóa NK do cơ sở NK bán ra và hàng hóa sản xuất trong nước; và (2) hàng hóa NK tại khâu NK.
Điểm mới của Nghị định liên quan tới trường hợp (1), dùng để xác định giá tính thuế TTĐB khi xe ô tô NK dưới 24 chỗ được cơ sở NK bán ra. (“Bán ra” ở đây được hiểu là bán cho đơn vị hạch toán phụ thuộc hoặc cho cơ sở KDTM độc lập). Với trường hợp (2), cách xác định giá tính thuế TTĐB tại khâu NK vẫn giữ nguyên như đã ví dụ trên.
Điểm thay đổi quan trọng nhất ở đây không phải là giá tính thuế mà là cách đánh thuế. Thay vì chỉ tính và nộp ở thời điểm nhập khẩu như trước đây, theo Nghị định 108, hàng hóa NK thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB sẽ phải nộp thuế TTĐB lần thứ nhất khi NK (theo cách tính cũ) và lần thứ hai khi được bán ra (theo cách tính mới). Theo quy định tại Khoản (2), Điều 7 của Nghị định 108, thuế TTĐB đã nộp ở khâu NK sẽ được khấu trừ khi xác định thuế TTĐB bán ra.
Riêng với ô tô dưới 24 chỗ, Nghị định 108 quy định cụ thể giá tính thuế TTĐB khi bán ra cho cơ sở KDTM phải lớn hơn hoặc bằng 105% giá vốn. Tiếp tục ví dụ trên, nếu áp dụng quy định này, khi chiếc ô tô này bán ra, giá tính thuế TTĐB tối thiểu là 105% x 45.000 = 47.250 USD. Số thuế TTĐB tối thiểu phải nộp khi bán ra là 50% x 47.250 = 23.625 USD.
Số thuế TTTĐB đã nộp khi NK được khấu trừ là 15.000 USD nên số thuế TTĐB còn phải nộp khi bán ra là 8.625 USD. Dễ hiểu là doanh nghiệp NK sẽ cộng thêm phần thuế này vào giá, vì thế giá bán tới tay người mua sẽ tăng (hoặc không giảm tương ứng dù thuế NK giảm). Lưu ý rằng tất cả các phép tính này được giả định ở mức tối thiểu nên trong thực tế, giá bán có thể sẽ tăng nhiều hơn nữa khi áp dụng quy định mới.
Đáng nói hơn, cơ chế này không đúng nguyên tắc của thuế TTĐB vì chỉ được phép thu thuế TTĐB một lần trong toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông, tiêu dùng.
Thuế TTĐB có bản chất khác với thuế VAT (đánh vào giá trị tăng thêm) nên không thể tính toán khấu trừ đầu ra – đầu vào. Việc khấu trừ chỉ áp dụng trong trường hợp có hoạt động sản xuất, nếu nguyên vật liệu đầu vào đã nộp thuế TTĐB thì sẽ được khấu trừ vào số thuế TTĐB của sản phẩm.
Do đó, việc Nghị định 108 quy định tính thuế TTĐB hai lần (có khấu trừ) trong trường hợp NK về để bán lại là chưa thỏa đáng.
Chưa kể, quy định này còn có khả năng bị xem là vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia trong WTO và các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên, nghiêm cấm sự phân biệt đối xử giữa hàng hóa NK và hàng hóa nội địa tương tự.
Trong Nghị định 113/2011/NĐ-CP (được Nghị định 108 thay thế), giá tính thuế TTĐB được chia thành hai trường hợp: hàng sản xuất trong nước và hàng NK. Có lẽ sự tách biệt đó có tính phân biệt quá rõ nên Nghị định 108 đã xếp hàng NK và hàng sản xuất trong nước vào cùng Khoản 1, Điều 4 để cho thấy chúng chịu cùng chính sách thuế TTĐB. Song với cách tính thuế TTĐB hai lần (có khấu trừ) của Nghị định 108, sự phân biệt đối xử chỉ đơn giản chuyển sang hình thức khác mà thôi.
Nếu đọc kỹ có thể thấy quy định về thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ lắp ráp trong nước rất khác xe NK. Khi cơ sở sản xuất, lắp ráp bán xe cho các cơ sở KDTM, “giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở KDTM bán ra.”
Sự phân biệt đối xử tuy không hiển nhiên song vẫn có thể nhận ra. Ví dụ, “giá bán bình quân của các cơ sở KDTM” là khái niệm chung chung, rất khó xác định; trong khi quy định 105% giá vốn áp dụng cho ô tô dưới 24 chỗ NK lại dễ kiểm soát hơn nhiều.
Câu hỏi đặt ra là với biện pháp buộc xe ngoại duy trì mức giá cao, phải chăng Nghị định này muốn bảo hộ cho ô tô lắp ráp nước trong bối cảnh thuế NK ô tô đang giảm xuống theo cam kết? Phải chăng việc “tận thu” thuế TTĐB còn nhằm góp phần bù đắp cho ngân sách đang thiếu hụt?
Khương Duy