Quy định dự án phải có từ 3 tầng hầm trở lên đang trở thành đề tài nóng trên thị trường BĐS những ngày vừa qua.
Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa có thông báo kết luận tại cuộc họp về một số nhiệm vụ trọng tâm của UBND thành phố Hà Nội trong thời gian tới. Một trong các nội dung nổi bật là Thường trực Thành ủy Hà Nội thống nhất với đề xuất và giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố, chỉ đạo các sở liên quan và các chủ đầu tư xây dựng công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại, trong thiết kế và xây dựng phải bố trí thêm diện tích tầng hầm để xe, tối thiểu 3 tầng hầm, vừa đảm bảo xe của cư dân và bảo đảm xe của thành phố.
Theo Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, đây là quy định chung cho tất cả các dự án nhà cao tầng của Hà Nội với mục đích để tăng cường chỗ để xe cho người dân, hạn chế áp lực về chỗ để xe cho toàn thành phố.
Công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại, trong thiết kế và xây dựng phải bố trí thêm diện tích tầng hầm để xe, tối thiểu 3 tầng hầm. |
Ngay sau khi thông tin này xuất hiện trên thị trường đã nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp cũng như người dân. Trong đó có nhiều ý kiến đồng ý với chủ trương của Hà Nội tuy nhiên bản thân doanh nghiệp vẫn còn không ít những băn khoăn.
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, ông Vũ Văn Hậu - Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương của Hà Nội. Quỹ đất sử dụng là nơi công cộng và đỗ xe là cần thiết”. Tuy nhiên, ông Hậu cũng đặt ra vấn đề: Chủ trương là thiết thực nhưng không nhất thiết phải là 3 tầng hầm.
“Khu vực để xe có thể để nổi hoặc để chìm. Điều này là tính hiệu quả ở mỗi dự án cũng không nên áp đặt vấn đề này” – ông Hậu nói.
Theo vị Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco, khi thực hiện các dự án chủ đầu tư phải tuân theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng về quỹ đất cho khu vực công cộng, đỗ xe. Đối với quy định này cần có sự cân đối cho từng dự án. “Như trong 4 quận nội thành hay trong vành đai 2, vành đai 3 thì như thế nào cũng cần có quy định cụ thể . Nhưng như ở Ba Vì cũng quy định 3 tầng hầm thì khó khăn cho doanh nghiệp” – ông Hâu nêu ý kiến.
Cùng quan điểm với ông Hậu, ông Nguyễn Xuân Đức, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu Khí cũng cho rằng, hoàn toàn ủng hộ chủ trương đáp ứng nhu cầu của người dân, hạn chế áp lực về chỗ để xe cho toàn thành phố.
Ông Đức cho biết, trên thực tế khi doanh nghiệp thực hiện những thủ tục đầu tư đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc…cũng chưa có văn bản nào chính thức được hướng dẫn thực hiện theo thông báo đó.
Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Đức cho rằng, việc có bao nhiêu tầng hầm nếu chỉ xét về góc độ quy định về quy chuẩn thiết kế hoặc quy chuẩn về quy hoạch thì hoàn toàn không bắt buộc phải quy định bao nhiêu tầng hầm.
“Các dự án cần đảm bảo đủ nhu cầu của các hộ dân cư sống trong tòa nhà đó hoặc tính đến một lượng khách vãng lai nhất định. Không nhất thiết là tầng hầm có thể là tầng nổi miễn là đảm bảo nhu cầu đỗ xe cho cư dân. Diện tích tầng hầm cũng phụ thuộc vào tính chất của dự án đó. Với góc độ doanh nghiệp quy định của các cơ quan nhà nước căn cứ vào quy định của luật hài hòa lợi ích của các bên thì doanh nghiệp, người dân luôn ủng hộ’ – ông Đức phân tích.
Với các doanh nghiệp đang thực hiện dự án nhà ở phân khúc bình dân cũng bày tỏ lo lắng quy định này có thể khiến giá nhà đội lên cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người mua nhà cũng rơi vào cảnh “nửa mừng nửa lo” bởi giá nhà sẽ tăng lên khi chi phí xây dựng tăng. Quy định này đang thu hút sự quan tâm của trường bất động sản Hà Nội từ cả phía doanh nghiệp lẫn người dân và vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Hồng Khanh