Bộ TT&TT vừa kiến nghị Chính phủ quy định cụ thể danh mục các văn bản phải ký số gửi trên mạng thay vì gửi văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước.
Kiến nghị này được đưa ra trong Báo cáo Thủ tướng Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 15/2012 về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước mới đây, với mục đích đẩy mạnh việc áp dụng chữ ký số trong quản lý điều hành của Chính phủ hơn nữa.
Bộ TT&TT đề xuất áp dụng chữ ký số thống nhất trên cả nước. |
Cùng với đó, Bộ cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo chỉ đạo thống nhất áp dụng chữ ký số trong việc trao đổi văn bản điện tử trên cả nước; quy định tính pháp lý đối với các loại văn bản ký số.
Đánh giá tình hình, Bộ TT&TT cho biết, việc sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng được tăng cường, từng bước đáp ứng được các chỉ tiêu đề ra từ năm 2013; Từng bước hình thành nề nếp, thói quen làm việc trên môi trường điện tử; công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được các cơ quan nhà nước ngày càng chú trọng.
Tuy vậy, việc sử dụng văn bản điện tử vẫn còn một số tồn tại như kinh phí còn hạn hẹp, nhiều địa phương không có ngân sách cho việc nâng cấp, bảo trì hệ thống; Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đưa vào giao dịch thực tế còn chưa cao; Thói quen làm việc chủ yếu dựa trên văn bản giấy vẫn còn phổ biến...
Để tiếp tục thúc đẩy triển khai Chỉ thị 15, Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tận dụng triệt để cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có, tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, hướng tới cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển KT-XH; đồng thời ưu tiên bảo đảm đủ kinh phí đầu tư, nâng cấp, duy trì hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
T.C