Môi trường kinh doanh thụt lùi

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP, về cải cách môi trường kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 đang có xu hướng chững lại.

Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững; còn không ít chỉ tiêu và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp, hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.

Chẳng hạn, năm 2021 nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc so với năm 2020 như: Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ thứ 42 xuống 44); Phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 49 xuống 51); Quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 78 xuống 84); Cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ thứ 96 xuống 104).

{keywords}
Thủ tục hành chính tại Việt Nam vẫn là rào cản lớn với nhiều DN

Còn theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), từ cuối năm 2019, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh có xu hướng "dậm chân tại chỗ".

Trên thực tế, nhiều cải cách điều kiện kinh doanh đã thực hiện trên văn bản, nhưng chưa có đánh giá về hiệu quả thực thi. Cụ thể, ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng nhưng chưa thực chất. Mặc dù, số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ song việc thực thi còn mang tính hình thức.

Thêm vào đó, hơn 2 năm trở lại đây, do phải ưu tiên cao độ cho phòng chống dịch Covid, nên tiến trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đã chậm lại. Không những thế, còn “hồi sinh” một số giải pháp kiểm soát DN vốn đã được bãi bỏ từ lâu, hoặc bổ sung thêm các điều kiện kinh doanh mới...

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, có xu hướng đáng lo ngại, khi nhiều dự thảo văn bản pháp luật đang được sửa đổi theo hướng siết chặt hơn điều kiện kinh doanh. Ví dụ, Nghị định xuất khẩu gạo đang được Bộ Công thương đề nghị sửa theo hướng áp đặt về quy mô, kho bãi... với DN. Nghị định 15 về hướng dẫn an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, được sửa theo hướng trao nhiều quyền hơn cho cơ quan quản lý, chuyển nhiều quy trình từ hậu kiểm sang tiền kiểm...

Bà Đặng Tuyết Vinh, đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhận xét, có những điểm nghẽn đáng kể trong việc phát huy tối đa tiềm năng và tính hấp dẫn của thị trường thương mại, đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, những hạn chế về môi trường kinh doanh và các rào cản về thủ tục hành chính, được đánh giá là điểm nghẽn và thách thức lớn nhất cần được giải quyết.

Chẳng hạn, chỉ số Môi trường kinh doanh của EuroCham quí 4/2021 đã cho thấy, có 32% lãnh đạo DN châu Âu đánh giá, thủ tục hành chính vẫn là rào cản lớn, đối với việc tận dụng những lợi ích của Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) trong hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam.

Hoá giải sự kháng cự xu thế cải cách

Chuyên gia Nguyễn Đình Cung cho rằng, cộng đồng DN đã chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Chính vì thế, nhiệm vụ cải cách, cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết.

{keywords}
Các DN cần chủ động phản ánh, kiến nghị về những khó khăn do thủ tục hành chính gây ra (ảnh minh họa)

Cải cách môi trường kinh doanh là yếu tố giúp DN vượt qua khủng hoảng, thậm chí có ý nghĩa nhiều hơn so với các gói hỗ trợ. Việc cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, sẽ giúp giảm thiểu chi phí, là một nhân tố quan trọng để DN nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Ông đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khi ban hành các văn bản pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung không được đặt thêm các rào cản, không đi ngược lại những cải cách đã có, gây khó khăn, tốn kém cho DN. Ngoài ra, lúc này cần tập trung và dành nguồn lực, để hoá giải phần nào sự kháng cự lại xu thế cải cách, cũng như các nỗ lực đang nhen nhóm phục hồi những công cụ quản lý đã lỗi thời, những quyền lợi, lợi ích đã bị triệt tiêu trong quá trình cải cách trước. 

Bà Virginia Foote, Phó chủ tịch, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) kêu gọi Chính phủ cần ổn định chính sách thuế, phí trong những năm tới để giúp DN phục hồi và tăng trưởng bền vững. Hiện không phải là thời điểm thích hợp để tăng hoặc mở rộng thuế đối với DN.

Ngoài ra,để phát huy hết tiềm năng của mình, AmCham khuyến nghị Việt Nam cần đảm bảo một môi trường pháp lý thuận lợi, phù hợp với các thông lệ quốc tế vì việc dịch chuyển xuyên biên giới của hàng hóa, dịch vụ và dữ liệu ngày càng tăng với độ bảo mật cao.

Theo bà Đặng Tuyết Vinh, EuroCham hoan nghênh những sáng kiến và những cải cách mạnh mẽ, trong đó có những cải cách về kiểm tra chuyên ngành. Nổi bật trong nhóm này là việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP, một nghị định được coi là cuộc cách mạng trong ngành thực phẩm, khi áp dụng quản lý rủi ro và chuyển mạnh sang hậu kiểm. Những quan ngại về việc giảm tiền kiểm sang hậu kiểm có thể làm tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm đã được chứng minh là không có cơ sở. Kết quả thực tiễn 4 năm qua cho thấy, Nghị định 15 đã giúp cho ngành thực phẩm đạt tăng trưởng cao, ngay cả trong đại dịch. Cải cách này đã giúp tiết kiệm tới 8,5 triệu ngày công và hơn 3.332 tỷ đồng mỗi năm.

EuroCham rất mong những cải cách như vậy sẽ được tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa, nhằm mang lại môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.

Chuyên gia Nguyễn Đình Cung thì đề nghị các DN cần chủ động tập hợp các phản ánh, kiến nghị gửi về những hiệp hội ngành nghề, để phân loại, đánh giá, phân tích,... từ đó hình thành các kiến nghị trình Thủ tướng, Chính phủ xem xét.

Trần Thủy

Nguy cơ vướng 'giấy phép con' khắp nơi

Nguy cơ vướng 'giấy phép con' khắp nơi

Bình thường mới, các DN phải được hoạt động, lao động phải được dịch chuyển, hàng hóa phải được lưu thông. Tuy nhiên, nguy cơ “giấy phép con” khiến DN gặp nhiều vướng mắc