- Đứng trên quan điểm người học, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh là nhận xét chung của nhiều cơ sở giáo dục khi nhận định về Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH mà Bộ GD-ĐT vừa công bố.
Ông Lê Văn Lực, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sỹ Liên (Bắc Giang) cho biết, theo quy chế thi THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT vừa công bố có nói thí sinh sẽ được đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi. Điều này tạo thuận lợi cho người học được chủ động chọn ngành, chọn trường, đồng thời cũng không gây khó khăn bởi khi có kết quả thi thí sinh vẫn có thể thay đổi được nguyện vọng.
Bên cạnh đó, các điểm thi được tổ chức tại các trường hoặc liên trường THPT tại địa phương cũng sẽ tạo điều kiện lợi cho thí sinh dự thi, thí sinh không phải đi xa, giảm áp lực và tốn kém.
"Các quy chế lần này có ưu điểm và đã khắc phục được những hạn chế của các năm trước, việc giảm áp lực thi chỉ còn 2,5 ngày là ưu điểm lớn. Tính mở trong quy chế lần này đã tạo ra sự chủ động của học trò trong việc chọn ngành, chọn trường" - ông Lực nói.
Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Luân, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Mỹ (Hưng Yên) cho biết, các quy chế thi THPT và tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành hạn chế được học lệch, học tủ do kiểm tra được nhiều môn hạn chế quay cóp trong thi cử.
"Nếu cá biệt có giáo viên muốn “giúp” học sinh cũng không thể làm gì được vì nhiều mã đề, mức độ câu hỏi đa dạng" - ông Luân nói. Bên cạnh đó, theo quy chế thi năm nay sẽ giảm được thời gian coi thi, chấm thi, phụ huynh và thí sinh năm nay được giảm thời gian đi lại, từ đó giảm tốn kém.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Đinh Tuấn. |
Trong khi đó, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc cho phép thi sính đăng ký xét tuyển cùng thời điểm với đăng ký thi THPT quốc gia là điểm mới tiến bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho không chỉ thí sinh mà còn cho cả các trường ĐH.
Theo ông Triệu, việc cho phép thí sinh đăng ký sớm nguyện vọng xét tuyển và cho phép thí sinh thay đổi, điều chỉnh sau khi biết kết quả thi THPT sẽ tạo điều kiện tối đa cho thí sinh. Trong khi đó, các trường ĐH cũng giảm được nhiều áp lực.
Ngoài ra, ông Triệu cũng cho rằng, trong quy chế tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT cũng không cho phép tuyển sinh bổ sung lấy điểm thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt trước. Điều này sẽ hạn chế bất cập của quy chế năm ngoái, chẳng hạn hiện tượng thí sinh đến trường đòi rút hồ sơ để nộp vào trường khác.
Bên cạnh đó, theo ông Triệu, điều nhiều người lo lắng nhất là tính khách quan, công bằng của kỳ thi khi giao việc tổ chức kỳ thi cho các địa phương thì cũng không phải là vấn đề lớn khi các trường ĐH vẫn được cử tham gia vào các khâu tổ chức kỳ thi. "Mỗi phòng thi có thể có một giáo viên phổ thông và một giảng viên đến từ các trường ĐH. Như vậy, chúng ta có thể yên tâm về tính khách quan của kỳ thi" - ông Triệu phân tích.
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì cho rằng, những điểm mới của quy chế tuyển sinh ĐH năm nay đều đứng trên quan điểm của người học. Chẳng hạn, việc cho thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, không hạn chế số lượng ngành và trường như năm trước sẽ tạo điều kiện tối đa cho thí sinh trong việc lựa chọn ngành, trường mình yêu thích.
Tuy nhiên, ông Tớp cho rằng, việc cho thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng thì phần mềm xét tuyển phải làm tốt công việc của nó. "Hiện nay chúng ta vẫn chưa thực sự biết phần mềm này sẽ thế nào. Các chuyên gia kỹ thuật sẽ phải làm việc để đảm bảo việc đó" - ông Tớp nói.
Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi thì cho rằng, về phương diện tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh thì quy chế tuyển sinh năm nay rất tiến bộ khi cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, được thay đổi nguyện vọng và thời gian đăng ký dài hơn.
Tuy nhiên, cũng như ông Tớp, ông Thạc cho rằng, khi cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng thì các trường sẽ gặp khó khăn trong việc xác định chỉ tiêu trúng tuyển thế nào cho hợp lý. "Thời gian tới các trường cùng Bộ tìm giải pháp cho chuyện đó" - ông Thạc nói.
"Việc xét tuyển đợt 1 sẽ không có vấn đề gì lắm. Các đợt sau thì Bộ cho các trường tự chủ nên tôi cho rằng, trường nào không đủ thí sinh trong đợt xét tuyển 1 sẽ khó khăn" - ông Thạc nhận định. Tuy nhiên, ông Thạc cũng cho rằng, phương án trong quy chế tuyển sinh năm nay đạt được sự thống nhất khá cao của các trường, còn lại chủ yếu nằm ở khâu kỹ thuật.
Đối với câu hỏi về tính khách quan của kỳ thi THPT mà các trường ĐH sẽ sử dụng kết quả để xét tuyển đại học, ông Thạc cho rằng, với phương án ra đề như năm nay, mỗi em có đề riêng hoàn toàn, Bộ cũng đảm bảo 80-90% nội dung đề thi của các em khác nhau thì không có vấn đề gì quá phức tạp.
"Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo các trường ĐH tham gia giám sát công tác thi ở các sở. Đề thi là dạng thi trắc nghiệm, chấm bằng máy nên có thể tin tưởng vào tính khách quan, công bằng của kỳ thi" - ông Thạc nhận định.
Trước đó, vào 31/1 (mồng 4 Tết Âm lịch), Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư quy chế thi THPT và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017. So với các năm trước, năm nay, quy chế thi THPT và quy chế tuyển sinh được ban hành sớm, giúp thí sinh và các trường có nhiều thời gian chuẩn bị hơn.
Lê Văn