- Một phụ nữ ở Trung Quốc đang trở thành tâm điểm mạng xã hội của đất nước đông dân nhất thế giới này khi tự quay clip bóc mẽ hành động xấu của du khách nước nhà.
Trong clip tự đăng lên facebook cá nhân, quý bà có tên Bin Bin Ji, hay còn được gọi là chị Bin béo, đưa ra lời chỉ trích với hành động của một du khách Trung Quốc ở bãi biển Phuket, Thái Lan. Du khách này muốn lấy một mảnh gỗ ở trên bãi biển về nhà dù hướng dẫn viên đã khuyên giải là không thể. Bà Ji “nhảy vào” can thiệp và du khách kia đã phải bỏ cuộc sau một hồi tranh luận gay gắt.
“Nếu Thái Lan không có luật gì ngăn các hành động này, tôi có thể nói với bạn, bãi biển tuyệt đẹp này, chỉ trong vòng 1 năm, du khách Trung Quốc chúng ta ai đến cũng lấy cát ở bãi biển này mang về để vào bể cá trong nhà. Cái gì cũng lấy được, lần nào cũng thế”, bà Ji nói trong clip.
Tấm gỗ ở bãi biển Thái Lan du khách Trung Quốc muốn đem về nhà dù hướng dẫn viên đã can ngăn (ảnh cắt từ clip) |
“Không có quy tắc, luật lệ gì hay sao? Chúng ta đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần rồi. Vụ việc một người bị hổ cắn đến chết vài ngày trước đây vẫn chưa cảnh tỉnh hay sao?”, quý bà nhắc đến vụ việc một người phụ nữ Trung Quốc bị hổ cắn đến chết khi đang đi thăm khu sinh vật hoang dã Badaling, ở Bắc Kinh hồi tháng trước. Cụ thể, trong khi đang đi dạo quanh khu bảo tồn để ngắm nhìn những loài động vật hoang dã, cô gái trẻ đã có cuộc tranh cãi với người đàn ông trên xe.
Giận quá mất khôn, cô mở cửa và rời khỏi xe. Đúng lúc này, một con hổ đã lao tới vồ và lôi cô gái đi. Thấy cô gái gặp nạn, người phụ nữ trung tuổi cũng lao ra khỏi xe để cứu giúp thế nhưng cuối cùng, người này lại bị một con hổ khác tấn công, cắn xé tới chết. Người Trung Quốc coi vụ việc này như một sự trả giá khi bạn không tuân thủ các luật lệ.
“Tại sao những kiểu người Trung Quốc như này ngày càng gia tăng? Thật đáng xấu hổ”, bà Ji nói ở cuối clip.
Sau khi bà Ji post đoạn video lên facebook cá nhân vào chủ nhật tuần trước, video đã đón nhận hơn 440 nghìn lượt xem, hơn 14 nghìn lượt like. Trung Quốc cấm sử dụng facebook, nhưng bà Ji post đoạn video này khi bà đang ở Thái Lan.
Sau đó đoạn clip nhanh chóng lan rộng trên Weibo, mạng xã hội số 1 của Trung Quốc. Cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ thái độ ủng hộ quý bà này.
Ý kiến của bà Ji được đông đảo dân mạng Trung Quốc ủng hộ |
“Nói hay lắm. Tôi rất vui khi hành động của bà đang bảo vệ hình ảnh cho người Trung Quốc chúng ta”, cư dân mạng có tên Lizhijianfeishaonian viết.
“Đất nước chúng ta ngày càng phát triển nhưng dân trí vẫn chưa xứng tầm”, một người khác có tên Walker Min viết.
Hình ảnh khách du lịch Trung Quốc ngày càng xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế khi họ chen lấn, nhổ nước bọt và thản nhiên xả rác khắp nơi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế, giáo dục, nhận thức của người dân cũng được nâng cao khi nhiều người nhận ra vấn đề và nhắc nhở đồng bào mình phải thay đổi hành vi xấu.
“Nếu ai cũng ý thức được điều này thì người Trung Quốc chúng ta đi du lịch ở bất cứ đâu cũng không bị soi mói nữa. Dù ở đâu, người Trung Quốc vẫn cứ là một gia đình, chúng ta hãy chung ta để loại bỏ hành vi xấu, để không làm mất mặt người Trung Quốc nữa”, cư dân mạng Wazi Xiansheng viết trên Weibo.
Vụ việc một phụ nữ bị hổ cắn đến chết do không tuân thủ các nguyên tắc khi đi thăm quan ở công viên hoang dã là lời cảnh tỉnh cho du khách Trung Quốc |
Hình ảnh xấu xí của du khách Trung Quốc ở nước ngoài cũng khiến chính phủ nước này đau đầu. Các phương tiện thông tin đại chúng và cơ quan chức năng nước này vừa tuyên truyền vừa dùng luật pháp để hạn chế các hành động xấu của người dân khi đi du lịch. Năm 2015, Tổng cục du lịch quốc gia Trung Quốc (CNTA) bắt đầu ghi lại các thói xấu của người Trung Quốc khi đi du lịch như không tuân thủ luật giao thông, không để ý đến văn hóa địa phương và phá hoại các di tích văn hóa.
“Những thói hư, tật xấu của người Trung Quốc khi đi du lịch nước ngoài ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia”, CNTA nhận định.
Một bài báo đăng trên Tân hoa xã năm ngoái đã kêu gọi người dân “hãy tập cách cư xử văn hóa, văn minh trước khi bắt đầu chuyến du lịch”. Và theo ghi nhận của tờ báo này, từ đầu năm nay các hành động xấu đã giảm dần.
“Mặt trái của việc phát triển kinh tế quá nhanh đã dần dần xuất hiện. Thế hệ trẻ đang thay đổi. Đây không phải vấn đề có thể thay đổi ngay chỉ sau một đêm. Nó cần thời gian. Và người Trung Quốc sẽ chiến đấu để thay đổi nó”, một cư dân mạng Trung Quốc viết trên Weibo.
Kim Minh (Theo The Wall Street Journal)