- Tết 2020 của bạn sẽ thế nào?
Tôi nghĩ sẽ không thay đổi nhiều vì vẫn về quê, gặp dòng họ, đặc biệt tình cảm của gia đình bạn bè dù nổi tiếng hay không cũng không thay đổi, có thể người ta sẽ vui vẻ với tôi nhiều hơn hoặc tôi là tâm điểm nhiều hơn.
Có lẽ Tết này đặc biệt khi tôi sẽ làm từ thiện nhiều hơn vì hơn bao giờ tôi hiểu rằng khi mình được nhận nhiều quá phải tìm cách cho đi. Nhiều năm nay cứ Tết đến tôi lại tặng gạo, đường muối, bột ngọt cho các hộ nghèo ở Cần Thơ, năm nay dự tính tăng lên gấp 3 lần. Tôi nghĩ việc làm của mình sẽ ý nghĩa không những cho bản thân mà còn cho xã hội.
- Bạn làm từ thiện gấp ba vậy có mừng tuổi cho người thân tương tự?
Tôi thấy đây là thủ tục duy nhất còn sót lại của ngày Tết. Giờ pháo không còn, nấu bánh chưng bánh tét hạn chế, toàn mua sẵn... Việc lì xì nhiều hay không tôi không biết, vì tiền giờ mẹ giữ hết rồi (cười). Nói vậy thôi nhưng tự bản thân tôi sẽ lì xì nhiều hơn vì năm nay không chỉ kinh doanh không mà còn thành công với nghệ thuật cũng kiếm được một khoản kha khá nên sẽ biếu ba mẹ và cho cháu nhiều hơn.
Tặng ba mẹ là điều tôi hạnh phúc vì biết ba mẹ cầm số tiền nhiều hơn sẽ vui, tuổi già cũng đâu xài gì nhưng tâm lý cứ được cầm nhiều tiền là an tâm chi tiêu.
- Ký ức Tết nào ở lại trong bạn sâu đậm nhất?
Trong ký ức của tôi, ngày xưa Tết vui lắm, tôi nhớ có đốt pháo, có nấu bánh tét, cảm giác đường vắng chứ không như bây giờ. Ngày xưa đi ra đường cảm được mùi Tết lạ lắm, hoa mai nhiều, tiếng pháo nổ, những đứa trẻ như tụi tôi đi nhặt xác pháo, được lì xì, rồi đánh bài vui ngày Tết chứ không phải sát phạt gì đâu, lâu lâu có người lớn đi qua vỗ tay lì xì, nguyên đám con nít ùa ra, cảm giác vui lắm...
- Tuổi thơ Tết với tôi cũng nhiều niềm vui giống bạn, nhưng cũng có một năm giao thừa tôi suýt bị bố đánh vì chạy sang hàng xóm nhặt pháo mà không xin phép bố mẹ…
Chị là nhẹ đó chứ tôi bị ba đánh và mẹ khóc. Tôi nhớ mùng 1 Tết khi ấy đang học lớp 7, ngủ dậy chuẩn bị được lì xì thấy trong nhà có hai cái cây bóng đèn dài nghịch cầm khua khua nào ngờ nó bể. Mẹ trông thấy buồn lắm vì mùng 1 vỡ bóng đèn nên mẹ phạt tôi bằng việc cho một trận đòn, không lì xì và mẹ cũng khóc quá trời.
Cha tôi nói mẹ: “Sao em mê tín như vậy? Chính những điều em làm vô tình làm lớn chuyện lên. Nếu em coi chuyện bóng đèn vỡ bình thường thì gia đình vẫn bình thường. Giờ em khóc chửi con quá trời chẳng biết chừng sau này buôn bán không lời lại đổ tại nó’’. Bị cha nói, mẹ tôi càng buồn, mấy ngày Tết khi ấy nhà tôi không vui, đi ra đi vô là không một tiếng nói, đó quả là cái Tết đáng nhớ trong đời tôi.
- Nhiều người bây giờ quan niệm, Tết đến là đi du lịch, đi chơi, không còn mặn mà sum vầy, thăm hỏi họ hàng như Tết truyền thống, bạn thì sao?
Tết này tôi dành 2 ngày đi Phú Quốc chơi với gia đình. Sau đó bố mẹ đi Nhật, tôi đã đặt tour rồi. Bố mẹ có tuổi sinh hoạt múi giờ không khớp với tôi, 20-21h ba mẹ ngủ đến 5-6h thức còn tôi lại khác nên không theo nổi nếu đi du lịch xa tới mấy ngày. Thứ hai đi với bố mẹ nhiều khi buồn, ba mẹ lớn tuổi đi với bạn bè cùng lứa tuổi nói chuyện với nhau sẽ rất hợp.
Tôi hoạch định một năm cho bố mẹ đi 2 đợt, nếu nước lớn đi một nước còn nước nhỏ đi vài nước. Trong năm 2020 dự tính đầu năm bố mẹ đi Nhật, tầm giữa năm sẽ đi Trung Quốc, Hong Kong, Ma Cao, tùy ba mẹ thích như thế nào thì tiến hành, tôi chỉ gợi ý.
- Bạn gợi ý rồi có chi tiền nữa chứ?
Cái đó bắt buộc rồi, mục tiêu của tôi trong vòng 3 năm tới ba mẹ phải đi nhiều quốc gia trên thế giới vì tuổi càng già sức khỏe càng yếu. Hy vọng ba mẹ không bao giờ yếu nhưng mình cứ tính theo độ tuổi của khoa học đàn ông trên 75 là không đi nổi nữa rồi, phụ nữ trên 65 cũng vậy, khỏe thì vẫn khỏe nhưng bắt đi bộ nhiều là không nổi. Mẹ tôi năm nay 60, ba 66, điều kiện để ba mẹ đi du lịch các nước nằm trong tầm tay của tôi vì vậy chỉ hy vọng ba mẹ khỏe mạnh hoài để đi hoài.
- Món Tết nào mẹ từng nấu khiến bạn ấn tượng nhớ đến bây giờ?
Món mẹ nấu ngày Tết tôi nhớ là thịt kho hột vịt và canh khổ qua hầm nhồi thịt. Ngày Tết thường sẽ không ăn theo tiêu chuẩn buổi trưa buổi chiều buổi tối, đôi khi vui quá người ta không để ý chuyện ăn nên nhà nào cũng có sẵn nồi thịt kho hột vịt thật to và nồi khổ qua hầm lớn cứ lúc nào rảnh không có khách là hâm nóng múc ra ăn thôi. Đó là những món tôi nhớ nhất và hương vị của nó sẽ không bao giờ phai.
Khi tôi làm kênh giới thiệu nấu ăn có người thắc mắc sao đàn ông mà cứ lo nấu hướng hoài thế, họ đâu hiểu người đàn ông trong gia đình cần phải biết nấu ăn chứ không phải chỉ người vợ mới làm điều đó. Hạnh phúc trong gia đình là sự chia sẻ không phải về vật chất mà là tinh thần, không dùng lời nói phải hành động, đi chợ nấu bữa cơm, đó là hạnh phúc.
Người con cho cha mẹ bạc tỷ cũng vui nhưng đi chợ về nấu cho cha mẹ bữa ăn có thể khiến họ xúc động rơi nước mắt. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc không giá trị vật chất nào đem lại được. Chỉ những gì về tinh thần người ta mới khóc mà khóc khi vui, khi hạnh phúc thì giọt nước mắt ấy ý nghĩa vô cùng. Trên đời ai cũng kiếm được tiền chỉ là ít hay nhiều thôi nhưng để cho nhau được hạnh phúc không phải ai cũng làm được.
Tôi muốn giữ được hạnh phúc gia đình không chỉ cho riêng bản thân mà cho xã hội, vì bữa cơm để mình chia sẻ với nhau trong cuộc sống. Nhiều khi hai vợ chồng ngủ với nhau chưa chắc đã nói chuyện nhiều nhưng ăn bữa cơm cùng lại nói nhiều lắm mà ăn cơm bởi người chồng nấu cô vợ sẽ rất thích hoặc cha mẹ đang bực con tự nhiên con về nấu cho ba mẹ ăn có khi hết la luôn.
- Cách đây vài tháng khi trò chuyện với tôi bạn nói mong muốn 32 tuổi sẽ lập gia đình vậy 2020 là 32 tuổi rồi đấy!
Tôi cứ thả lỏng thôi, ai đến với mình hợp cưới luôn nhưng tất cả là cái duyên chị ạ. Cảm xúc nó lạ lắm, đôi lúc một ánh mắt nhìn nhau thôi là thao thức cả đêm nhưng có những người đi chơi cả mấy ngày trời cũng không ấn tượng gì.
Tôi chưa gặp đúng người để có thể đặt niềm tin và trái tim mình vào, vì lấy vợ tôi xác định lâu dài chứ không phải 1-2 ngày. Tôi muốn giống cha mẹ sống trọn đời bên nhau dù có thể đôi lúc trong cuộc sống, yêu nhau hiểu nhau hy sinh vì nhau và có sự chịu đựng, nếu không thế chẳng giữ được hạnh phúc dài lâu đâu. Thời đại tiến bộ, người ta hay quan niệm nam nữ bình đẳng và động đến chữ hy sinh là có khi phải nói lời… chia tay.
Bạn cho đi bạn không nhận lại có nghĩa là hy sinh, nhưng đôi lúc bạn cho đi không nhận lại vô tình làm cho người khác cảm động và thay đổi. Bây giờ cái gì cũng phải có qua có lại, không hy sinh cho ai, như vậy tôi thấy mọi thứ bị máy móc, bị công nghiệp, không phải cảm xúc.
- Có thể hiểu trong tình yêu Quốc Trường vẫn phải chờ đợi và cần một người đủ xứng đáng để hy sinh mới lấy làm vợ?
Tôi không muốn phụ nữ hy sinh cho mình vì họ là những người cần được yêu, bao bọc và chiều chuộng. Họ không đáng phải hy sinh, đàn ông nên hy sinh vì phụ nữ đã 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau rồi.
Tôi rất yêu phụ nữ dù thực tế từng trải các mối tình không vui. Những trải nghiệm từ yêu nhau đến chỗ không hợp chia tay đã khiến tôi đôi khi dè chừng. Bởi vậy trước ngưỡng cửa hôn nhân để lựa chọn ai đó làm bạn đời tôi càng phải thận trọng để những vết sẹo tình si không còn tái diễn nữa.
Chờ đợi một người xứng đáng đôi khi cũng là một cảm giác thú vị...
Sơn Hà
Ảnh: NVCC
Thiết kế: Đỗ Diễm Anh
Quốc Trường: 'Tôi phải trả ơn Bảo Thanh'
- ''Mỹ nam hot nhất màn ảnh Việt 2019'' đã có một năm hoạt động nghệ thuật đáng nhớ. Tết này anh và Bảo Thanh sẽ tái ngộ trong phim kinh dị chiếu Tết.