Nông dân vốn là những người lao động cần mẫn quanh năm, nghỉ lễ đối với chúng
tôi là một việc xa vời. Thế mà chúng tôi vẫn hạnh phúc hơn những người thất
nghiệp ở thành phố.
Trong không khí tưng bừng của ngày nghỉ lễ Chiến thắng 30 tháng 4 và Quốc tế lao
động 1 tháng 5, với cờ xí, biểu ngữ rợp trời cùng các phương tiện thông tin đại
chúng như báo đài, ti-vi, ra-đi-ô… luôn nhắc về việc nghỉ lễ làm lòng người vui
thêm với khí thế hào hùng của dân tộc. Quốc lễ, gắn liền với việc cán bộ công
nhân viên cả nước được nghỉ lễ hai ngày liên tiếp. Một số nơi, một số ngành nghề
lại được nghỉ luôn cả ngày thứ Sáu, tạo ra một dịp nghỉ dài ngày nhất trong năm
sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Đây là dịp tốt để dòng người tấp nập đổ về quê hay
các khu vui chơi giải trí và du lịch.
Quê tôi, một vùng nông thôn giáp danh thành phố nhưng kinh tế chủ yếu vẫn là
nông nghiệp trồng lúa. Hai ngày lễ liên tiếp này hàng năm này và đặc biệt là
ngày Quốc tế lao động thì bà con chúng tôi vẫn làm việc bình thường như những
chú ong thợ chăm chỉ từ bao đời.
Những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì không
thể ngồi ở nhà hay bỏ đi chơi khi lúa ngoài đồng sắp đến giai đoạn làm đòng, bà
con rủ nhau ra đồng để bón phân, thăm đồng lúa xem có bị sâu bệnh để kịp thời
phòng chống. Ruộng ngô, ruộng khoai cũng cần vun xới, tưới tiêu nước cho đảm bảo
cây màu phát triển tốt, cho năng suất cao….
Thu hoạch lúa trên cánh đồng |
Người nông dân luôn là người có những việc làm khó nặng nhất. Những lúc nông
nhàn thì rủ nhau đi làm thuê, cứ có ai thuê việc gì là làm bất kể lúc nào, cốt
là bỏ sức lao động ra để lấy lại những đồng tiền công đầy mồ hôi để chi tiêu
trong nhà, khá hơn là tích lũy hay có người còn gửi tiền nuôi con ăn học ngoài
thành phố. Có tổ chức hơn là cánh thợ xây. Nói là “có tổ chức” nhưng thực ra là
một nhóm người khéo tay, hay làm rủ nhau hợp thành một nhóm nhận thầu xây nhà
cửa, các công trình phụ và công trình chăn nuôi trong vùng. “Tổ chức” này do một
người nhanh nhẹn, biết tính toán đứng ra làm chủ thầu lo việc và trả công cho
anh em trong nhóm. Thợ xây có việc làm là tốt rồi, họ cũng cố gắng tranh thủ
ngày nắng đẹp để xây nốt công trình đang dở dang cho kịp tiến độ với chủ nhà.
Thợ xây là công việc gắn liền với người nông dân |
Gia đình nào khấm khá thì có thể mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ hay sắm một số máy móc phục vụ bà con trong vùng như máy xay sát gạo, máy cày, xe công nông, máy khoan giếng, máy trộn bê tông… nhưng họ cũng không chịu nghỉ lễ vì công việc luôn yêu cầu họ phải làm việc mới có thể kiếm tiền.
Vật lộn với bùn đất để có dòng nước ngọt |
Mấy năm nay, có công ty giầy da và may mặc về xây dựng nhà máy trên địa bàn trong huyện. Nhà máy cần rất nhiều công nhân, thế là các chàng trai, cô gái nông thôn bỗng trở thành công nhân nhà máy. Họ đi làm theo ca, làm ở nhà máy một ca, thời gian còn lại vẫn có thể tranh thủ việc đồng áng. Được dịp nhà máy cho nghỉ lễ, họ tranh thủ ra đồng để hoàn tất các công việc làm vội vã hay chưa thể làm trong các ngày trước đó.
Nông dân làm công nhân nhà máy |
Thế mà chúng tôi vẫn hạnh phúc hơn những người thất nghiệp ở thành phố. Nhà ông
Phúc phải gửi gạo chu cấp cho vợ chồng anh Thọ ăn từ sau Tết đến nay vẫn chưa
kiếm được việc làm vì nhà máy giảm biên chế. Hay anh Chiến trong là người trong
làng được học hành tử tế, đi làm mấy năm nay trên thành phố cũng vừa mới bị cơ
quan cho nghỉ việc vì khó khăn của nền kinh tế nói chung.
Nông dân vốn là những người lao động cần mẫn quanh năm, nghỉ lễ đối với chúng
tôi là một việc xa vời. Chúng tôi xác định “Lao động là vinh quang”, chỉ có lao
động thì mới rèn luyện con người khỏe mạnh, chỉ có lao động mới tạo ra của cải
vật chất cho gia đình và cho xã hội. Chúng tôi hưởng trọn niềm vui của không khí
nghỉ lễ qua thông tin trên chiếc ti-vi hàng đêm gia đình vẫn quây quần bên nhau
sau một ngày dài lao động.
Đỗ Minh Thuyết - MS 176
Bài dự thi Đôi mắt và cuộc sống