Triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào, nhận lời mời của Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chaleun Yiapaoher, đoàn ĐBQH Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng đoàn thăm và làm việc tại Lào từ ngày 3-5/7.
Sáng 5/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào tham dự và đồng chủ trì hội thảo kinh nghiệm nghiên cứu lập pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã thông báo những kết quả hoạt động tốt đẹp của đoàn công tác Quốc hội Việt Nam tại Lào trong ngày làm việc đầu tiên.
Ông nêu rõ, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là luôn luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc giữ gìn và phát huy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, gắn bó, tin cậy và hợp tác toàn diện, “có một không hai” với Lào. Việt Nam vui mừng trước những bước phát triển mới, đi vào chiều sâu và mang lại những kết quả thiết thực trong quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Quốc hội hai nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong những năm qua, trên cơ sở mối quan hệ gắn bó hữu nghị, thân thiết giữa hai Quốc hội, ngay sau khi thành lập năm 2008, Viện Nghiên cứu lập pháp (NCLP) Việt Nam đã có nhiều hoạt động hợp tác với VPQH và sau này là Viện NCLP của CHDCND Lào thông qua các hoạt động.
Trong đó có tư vấn thành lập các đơn vị chuyên môn về quản lý dự án quốc tế, bồi dưỡng đại biểu dân cử; hỗ trợ nghiên cứu, cử chuyên gia trao đổi kinh nghiệm về sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi Luật Đất đai, thành lập HĐND; giới thiệu và thiết lập mối quan hệ hợp tác, xây dựng các dự án hợp tác quốc tế, tổ chức các hội thảo khoa học, các hội nghị tập huấn, trao đổi các đoàn công tác…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Viện NCLP hai nước: Tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về công tác nghiên cứu khoa học lập pháp; vị trí, vai trò, trách nhiệm của Viện NCLP tham gia vào quy trình lập pháp của Quốc hội; cơ chế phối hợp giữa hoạt động nghiên cứu của Viện NCLP với các cơ quan của Quốc hội.
Thực tiễn cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội; các phương thức nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu, quản lý khoa học, cung cấp thông tin khoa học lập pháp; về bảo đảm tính khách quan, khoa học, chính xác, kịp thời… trong hoạt động nghiên cứu.
Kinh nghiệm về xây dựng cơ chế huy động, thu hút chuyên gia, các nhà khoa học; hoạt động hợp tác, liên kết với các tổ chức nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các đại biểu hai nước cần tập trung trao đổi về cơ chế thúc đẩy các hoạt động hợp tác, phối hợp, trao đổi đoàn công tác, đào tạo, bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học lập pháp giữa 2 Viện NCLP trong những năm tới, góp phần hiện thực hóa Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội Việt Nam và Lào.
"Trên cương vị là Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách công tác lập pháp, nghiên cứu khoa học lập pháp, tôi sẽ làm hết sức mình, chỉ đạo Viện NCLP Việt Nam thúc đẩy, tăng cường hợp tác giữa hai Cơ quan nghiên cứu lập pháp góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào, cũng như cơ quan lập pháp hai nước", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học lập pháp, Viện trưởng Viện NCLP, TS. Nguyễn Văn Hiển, đại diện Đoàn Quốc hội Việt Nam đã trình bày làm rõ: cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của Viện NCLP, kinh nghiệm về xây dựng cơ chế phối hợp giữa Viện NCLP với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định về trách nhiệm của Viện NCLP trong các khâu, các bước của quy trình xây dựng pháp luật.
Thực tiễn cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội; các phương thức hoạt động nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu, quản lý khoa học, cung cấp thông tin khoa học lập pháp; về việc lựa chọn vấn đề nghiên cứu, lựa chọn chuyên gia góp ý dự thảo luật; về bảo đảm tính khách quan, khoa học, chính xác, kịp thời… trong hoạt động nghiên cứu khoa học lập pháp và cung cấp thông tin khoa học lập pháp.
Kinh nghiệm về xây dựng, cơ chế thu hút đội ngũ chuyên gia; hoạt động mở rộng hợp tác với các tổ chức nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước...
Hai bên cũng tích cực trao đổi một số nội dung khác nhằm thúc đẩy cơ chế hợp tác, phối hợp, trao đổi đoàn công tác, chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học lập pháp phục vụ hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước giữa 2 Viện NCLP trong những năm tới, góp phần hiện thực hóa Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội Việt Nam và Lào.
Lãnh đạo Quốc hội, Viện NCLP của Quốc hội hai nước và các đại biểu bày tỏ sự tin tưởng, hai Viện NCLP sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm, có nhiều hoạt động trao đổi thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hai Viện, đóng góp tích cực phục vụ hoạt động của Quốc hội hai nước.