Nội dung trên được thực hiện tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 sẽ khai mạc vào ngày 22/5.
Cụ thể, tại kỳ họp, đại diện Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85 (Quốc hội khóa 13) về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Tại kỳ họp, đại biểu sẽ thảo luận tại tổ và hội trường về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85, trước khi đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.
Việc sửa đổi Nghị quyết 85 nhằm thể chế hóa một số nội dung mới trong Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy định này được Bộ Chính trị ban hành hồi tháng 2/2023.
Theo Nghị quyết 85, người có quá nửa số đại biểu Quốc hội, HĐND đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ thì có thể xin từ chức. Người có 2/3 số đại biểu đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.
Còn theo Quy định 96, người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác; cho từ chức; hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm.
Cũng theo Quy định 96, người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm.
Tại kỳ họp thứ 6, diễn ra vào cuối năm 2023, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Chức danh do Quốc hội bầu gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước. Các chức danh Quốc hội phê chuẩn, gồm phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.