Ngay sau phiên bế mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trưa nay (13/11), Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp.
Báo chí đặt câu hỏi liệu Quốc hội có tiến hành kỳ họp chuyên đề trong năm nay như một số lần Chủ tịch Quốc hội đã đề cập hay không?
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại phiên họp thứ 3, 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ có kỳ họp chuyên đề.
“Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu để trình theo đúng quy trình, quy định”, Tổng Thư ký Quốc hội nói. Theo ông, nếu Chính phủ trình hồ sơ, tài liệu đúng quy định, bảo đảm chất lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội tổ chức phiên họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Ông Cường nói rõ thêm, nếu 6 tháng mới họp 1 lần thì Quốc hội không quyết định được nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền, làm chậm sự phát triển của đất nước. Sau này sửa nội quy kỳ họp, sửa Luật Tổ chức Quốc hội thì sẽ sửa những điểm này để Quốc hội có thể linh hoạt hơn.
Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai đã trả lời về các gói phục hồi kinh tế. Bà cho biết, hiện Quốc hội chưa nhận được Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trình sang. Tuy nhiên, với phương châm “từ sớm, từ xa”, đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã tìm hiểu thông tin và chuẩn bị.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 5 năm tới (2021-2025).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với các kế hoạch trên; đồng thời có lộ trình phù hợp trên cơ sở đánh giá toàn diện những tác động của đại dịch Covid-19, các xu hướng đầu tư kinh doanh sau đại dịch…
Hiện Chương trình này đang được khẩn trương xây dựng. Theo bà Mai, nếu kịp sẽ trình Quốc hội xem xét tại phiên họp chuyên đề dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022.
Về nội dung ưu tiên, bà Mai cho rằng, cần tập trung bố trí nguồn lực, có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch; thực hiện hiệu quả chiến lược vắc xin.
Bên cạnh đó, cần tính toán quy mô hỗ trợ tương ứng với mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; có phương án huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, bảo đảm khả thi, hỗ trợ cả về phía cung và cầu của nền kinh tế, có trọng tâm, trọng điểm…
Trần Thường
Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành
Sáng nay (13/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành gồm: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.