Sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Kinh tế ngành như: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường.

Xem đầy đủ phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất về Kinh tế tổng hợp: TẠI ĐÂY.

Xem đầy đủ phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ ba về Nội chính, Tư pháp: TẠI ĐÂY.

Xem đầy đủ phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ tư về Văn hóa - Xã hội: TẠI ĐÂY.

Xem đầy đủ nội dung Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời trước Quốc hội: TẠI ĐÂY.

VietNamNet tường thuật trực tiếp phiên họp nhóm vấn đề thứ hai về Kinh tế ngành

07/11/2023 | 09:11

9h11: Chủ tịch Quốc hội kết luận nội dung chất vấn đối với lĩnh vực Kinh tế ngành

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong phiên chất vấn đối với lĩnh vực kinh tế ngành đã có 87 đại biểu đăng ký chất vấn. 41 đại biểu đã được chất vấn và tranh luận, trong đó có 29 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn.

chu tich quoc hoi 6.jpg

Còn 46 đại biểu đăng ký chất vấn và 2 đại biểu tranh luận nhưng chưa được đặt câu hỏi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu chuyển các câu hỏi chất vấn và tranh luận đến các bộ trưởng, trưởng ngành để được trả lời bằng văn bản.

Tiếp sau đây, Quốc hội chuyển sang nội dung chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba Nội chính, Tư pháp. Xem tường thuật:

 

Thu gọn
07/11/2023 | 09:00

9h: Cần đảm bảo khai thác, sử dụng cát biển bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường

ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) đặt câu hỏi: Trong phần trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. 

nguyễn thị minh trang.jpeg
ĐB Nguyễn Thị Minh Trang

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình triển khai đến nay? Việc sử dụng cát biển để thay thế cát sông trong giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn nguyên liệu cát sông, cung cấp cho các dự án đường cao tốc Bắc - Nam có khả thi cao hay không?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền cho các dự án công trình giao thông, tháng 3/2023, Thủ tướng đã giao Bộ phối hợp với Bộ TN&MT triển khai nghiên cứu đánh giá thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông.

Sau thời điểm đó, Bộ GTVT đã thành lập tổ với các bộ ngành liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, triển khai quyết liệt việc nghiên cứu, tổ chức các hội nghị, hội thảo, đặc biệt thực hiện thí điểm trên các công trình giao thông ở ĐBSCL. 

Bộ trưởng cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, qua 5 lần quan trắc và qua nhiều cuộc họp đánh giá, chất lượng vật liệu cát biển hiện nay đang thí điểm là đã đạt yêu cầu về vật liệu đắp nền cũng như các chỉ tiêu kỹ thuật về sức tải, độ ổn định, có giá trị tương tự như sử dụng cát sông, hiện nay chưa có dấu hiệu làm ảnh hưởng đến môi trường, cây trồng, vật nuôi ở khu vực xung quanh. 

Theo yêu cầu của các chuyên gia, Bộ đang phối hợp với Bộ TN&MT để mở rộng mẫu thí điểm ra các vùng khác nhau như Hải Phòng, Vũng Tàu. Tháng 12 tới, Hội đồng đánh giá cấp bộ sẽ họp và có đánh giá tổng kết dự án, qua đó Bộ sẽ triển khai xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục để mở rộng diện tích thí điểm với một số dự án đường cao tốc cũng như cho phép sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng nêu rõ, việc khai thác, sử dụng cát biển vẫn cần đảm bảo khai thác bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường. Về vấn đề này, Bộ TN&MT sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm về việc làm rõ chất lượng, tiềm năng, khả năng khai thác của các vùng miền.

Kiên quyết không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất các dự án đầu tư có phát sinh nước thải

ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn): Hiện nay có nơi, có lúc có khu công nghiệp thải nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường và gây bức xúc cho người dân. 

Tình hình kiểm soát việc xây dựng sự vận hành của các hệ thống xử lý nước thải tập trung như thế nào? Đồng thời chỉ rõ khó khăn cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

đặng quốc khánh.jpeg
Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, đến năm 2022, cả nước ta có 291 khu công nghiệp nhưng chỉ có 265 khu công nghiệp là có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong 734 cụm công nghiệp thì chỉ có 179 cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung. Trong 26 khu công nghiệp chưa có xử lý nước thải có 7 khu đang trong hoàn thành…

Thời gian tới, Bộ TN&MT có đề ra một số giải pháp. Theo đó, kiên quyết và chỉ cho phép các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung của khu công nghiệp, khu công nghiệp mới muốn đi vào hoạt động, vận hành phải hoàn thành tiêu chí bảo vệ môi trường, trong đó có hệ thống xử lý nước thải. 

Hiện nay chúng ta đang chỉ đạo xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, do vậy kiên quyết không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất các dự án đầu tư có phát sinh nước thải trong khu sản xuất kinh doanh tập trung, khu công nghiệp chưa có hệ thống thu gom. Đồng thời, đề nghị các tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, đặc biệt tại các cụm công nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử phạt hành chính.

Thu gọn
07/11/2023 | 08:53

8h53: Sẽ đưa dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú vào vận hành sớm nhất

ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đặt câu hỏi: Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 gồm ba tổ máy có công suất là 1200 MW. Theo kế hoạch, tổ máy số 1 của nhà máy này sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2018. Đến nay là tháng 11/2023, tiến độ dự án đạt 78% khối lượng công việc hoàn thành so với hợp đồng và hiện nay dự án đang dừng triển khai chậm 5 năm so với dự kiến đưa dự án vào vận hành. 

Việc dừng thi công trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vật tư, thiết bị đang lưu ở kho bãi ở công trường có nguy cơ phải thay thế mới làm thiệt hại tài sản Nhà nước nếu không có biện pháp bảo quản hợp lý và kịp thời. 

tô ái vang.jpeg
ĐB Tô Ái Vang

Trong những lần tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đã tiếp nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri rất quan tâm về vấn đề này. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đã có giải pháp và thời gian nào để sớm trình Thủ tướng giải quyết vướng mắc nhằm đưa Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 sớm vận hành.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ năm 2010 được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí PVN làm chủ đầu tư. Đến 2014, PVN đã ký liên doanh nhà thầu với công ty của Nga. Tuy nhiên đến khi dự án 77-78% thì phát sinh vướng mắc từ 2018. Đến 2019, đối tác có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng do bất khả kháng. Do không thỏa thuận được, hiện vụ việc đang do Tòa trọng tài thương mại quốc tế xử lý. Sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài thương mại quốc tế thì PVN mới có thể đưa ra phương án chính thức đối với dự án Long Phú 1, ưu tiên kế thừa tận dụng tối đa các nhà thầu phụ, nhà sản xuất, vật tư, thiết bị đã và đang tham gia dự án. 

nguyễn hồng diên.jpeg
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Với vai trò là chủ đầu tư dự án, Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo PVN có phương án thực hiện với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, đưa dự án vào vận hành sớm nhất. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo sát sao bảo đảm tái khởi động và hoàn thiện dự án sớm nhất, phấn đấu trong năm 2026, bảo đảm đúng luật pháp, lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời giữ gìn mối quan hệ với các đối tác. Bộ Công Thương thường xuyên tham mưu xem xét các vấn đề liên quan. 

ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) nêu câu hỏi: Hiện nay trên thị trường có khoảng 20.000 loại hương liệu để sản xuất thuốc lá điện tử, trong đó có nhiều loại hương liệu chưa được đánh giá toàn diện về mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe. Những hương liệu này được bày bán công khai như các loại thuốc lá thông thường tại các cửa hàng tạp hóa… các em học sinh rất dễ mua, sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trách nhiệm của Bộ trưởng Công Thương và biện pháp khắc phục trong thời gian tới để giải quyết vấn đề này?

Về vấn đề thuốc lá điện tử, Bộ trưởng Công Thương cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về ban hành văn bản thí điểm chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng có hương liệu.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương làm việc với Bộ Y tế về chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới, hiện vẫn đang trong quá trình rà soát, thống nhất quan điểm hoàn thiện chính sách. Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định số 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá để có hướng quản lý phù hợp. Dự kiến trình Chính phủ trong quý 4/2023.

Thu gọn
07/11/2023 | 08:48

8h48: HTX và sản phẩm OCOP giống như chim sẻ, phải ấp ủ đủ mạnh để thu hút đầu tư bên ngoài

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nêu câu hỏi: Nghị quyết 62 của Quốc hội có nêu phấn đấu đến hết 2025 có 25.000 hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp và có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ ba sao trở lên.

nguyen hoang bao tran.jpg

Hiện chỉ mới được nửa nhiệm kỳ nhưng chỉ tiêu 10.000 sản phẩm đã gần đạt. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận. Đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT cho biết có phải chỉ tiêu này đưa ra quá thấp so với tiềm năng thực tế của ngành hay không? Ngành có biện pháp gì để duy trì tính bền vững cho những sản phẩm đã được công nhận này? Mục tiêu 25.000 hợp tác xã kiểu mới có đạt được không? Hiện nay đã đạt được bao nhiêu phần trăm?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, theo Nghị quyết, đến năm 2025, số hợp tác xã cần đạt là 25 ngàn, đến thời điểm này đã có gần 20 ngàn hợp tác xã nông nghiệp. Từ sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 20 và Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, có sự chuyển biến lớn về nhận thức cũng như hành động ở các địa phương, có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, thành lập, nâng cao chất lượng hợp tác xã.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, Bộ sẽ cụ thể hóa đối với hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp để phân loại, nâng cao chất lượng hợp tác xã về quản trị, đa dạng hóa dịch vụ, xúc tiến thị trường, ứng dụng công nghệ trong hợp tác xã.

le minh hoan 2.jpg

Về sản phẩm OCOP, chúng ta đang có khoảng 10 ngàn sản phẩm OCOP. Thời gian sắp tới, Bộ sẽ có hướng dẫn cho địa phương để OCOP thực sự trở thành một kết tinh của tài nguyên bản địa, công nghệ, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.

Các địa phương cũng cần lưu ý, việc tạo ra sản phẩm đã khó, nhưng đưa được sản phẩm ra thị trường càng khó hơn, đưa ra thị trường bền vững với giá tối ưu, tạo thành sinh kế cộng đồng, để xây dựng khu vực kinh tế nông thôn cùng hợp tác xã thì đòi hỏi sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương. Bộ trưởng đề nghị các lãnh đạo địa phương chú trọng đến hợp tác xã và sản phẩm OCOP, để xây dựng khu vực kinh tế, tạo cơ hội thu hút thêm đầu tư từ bên ngoài.

Như ĐB nói dẫn dụ chim sẻ và đại bàng thì HTX và sản phẩm OCOP giống như chim sẻ mà chúng ta phải ấp ủ để đủ lớn, đủ mạnh để thu hút đầu tư bên ngoài.

Thu gọn
07/11/2023 | 08:28

8h28: Khó thu hút ngân hàng tham gia dự án PPP khi thấy rủi ro

ĐB Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) tranh luận với Bộ trưởng GTVT về thu hút đầu tư tư nhân trong các dự án PPP. ĐB không đồng tình với ý kiến cho rằng, chỉ cần nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP là sẽ thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.

Theo ĐB, nếu quá tập trung vào việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP sẽ dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công. Một trong những việc Nhà nước cần làm là đảm bảo thực hiện đúng những cam kết của mình trong các dự án PPP.

pham thuy chinh.jpg

Các nghĩa vụ này được thực hiện thông qua việc Nhà nước sẽ mua lại dự án trong trường hợp do lỗi của nhà nước, bảo đảm cam kết cân đối vốn, chia sẻ khi giảm doanh thu. Các vấn đề này đã được quy định tại luật PPP, khi và chỉ khi nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết của mình thì mới thu hút được đầu tư tư nhân.

Trả lời tranh luận, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau khi ban hành Luật PPP vẫn chưa thu hút được nhiều các doanh nghiệp tham gia gồm cả trong nước và nước ngoài. Về lý do, hiện nay cả nước có khoảng 5,2 triệu phương tiện ô tô và phân bố không đồng đều. Riêng Hà Nội, TP.HCM chiếm 51%, còn lại 61 tỉnh hơn 40%. Ông nói do yếu tố phân bổ dẫn tới không đồng đều nên khó thu hút dự án PPP. 


Bên cạnh đó, giai đoạn 2016 có 70 dự án PPP nhưng rất nhiều dự án có vướng mắc, chưa thể giải quyết dẫn đến ảnh hưởng niềm tin của doanh nghiệp. Như rất nhiều dự án BOT đến thời điểm phải tăng phí, được phép tăng phí nhưng chưa được tăng do liên quan đến điều hành CPI nên doanh nghiệp phải hy sinh. Ngoài ra, có những dự án chưa được thu hoàn vốn.

nguyen van thang toan canh.jpg
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn

Đứng sau các doanh nghiệp đều là các ngân hàng, khi thấy rủi ro thì rất khó thu hút ngân hàng tham gia dự án. Nếu ngân hàng không tham gia rất khó để triển khai thực hiện do các dự án PPP đều có vốn rất lớn.

Về giải pháp, Bộ đang nghiên cứu để từng bước phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội. Ông cho rằng đồng tình với ý kiến của đại biểu về việc tăng tỷ lệ vốn của Nhà nước tham gia vào nhưng không phải là quyết định. Tại một số quốc gia không khống chế tỷ lệ Nhà nước tham gia, có thể 60 - 70%, với các dự án thu hồi tốt thì Nhà nước có thể chỉ tham gia 20%.

Bên cạnh đó, phải chủ động thay đổi tư duy mời gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng, giao thông. Bộ đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để phối hợp với địa phương tổ chức hội nghị này. Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn doanh nghiệp thông qua hình thức nhượng quyền thu phí, đấu giá quyền thu phí…

Thu gọn
07/11/2023 | 08:24

8h24: Sẽ rà soát, ban hành quy chuẩn quốc gia về lò đốt chất thải rắn

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) nêu câu hỏi: Qua báo cáo hiện nay, tỷ lệ về thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất cao. Tổng hợp từ nguồn báo cáo của 57/63 địa phương, cụ thể ở đô thị tỷ lệ này đạt 96% vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 89%, nông thôn đạt 71%.

nguyen thi ngoc xuan 1.jpg

Tuy nhiên, qua giám sát và thực tế cử tri phản ánh, con số này chưa chuẩn xác, vì hệ thống quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa tốt và thiếu các tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật về vấn đề này.

Tại phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 đã kết luận: Năm 2022 phải ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật định mức kinh tế kỹ thuật hướng dẫn xử lý rác thải để các địa phương có cơ sở thực hiện. Đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả thực hiện, nguyên nhân và giải pháp để giải quyết vấn đề này?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, đến năm 2022 tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 76.110 tấn/ngày, trong đó rác đô thị hơn 36.000 tấn, còn nông thôn khoảng hơn 29.000 tấn. Thời gian qua các địa phương đã đẩy mạnh việc thu gom, xử lý rác thải và được quan tâm với nhiều nhà máy xử lý rác được xây dựng.

Cả nước có khoảng 1.326 cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó có 467 lò đốt và 1.207 bãi chôn lấp. Bộ trưởng cho biết, con số chôn lấp hiện đang còn khoảng 65% cả nước, 16% rác được chế biến thu hồi.

dang quoc khanh 1.jpg

Bộ trưởng cho rằng những con số ĐBQH nêu ra là chỉ về xử lý theo hình thức chôn lấp. Ông nêu khó khăn khi chúng ta đang kêu gọi xã hội hóa để xây dựng các nhà máy xử lý đốt phát điện, phân loại rác. Nguyên nhân do chưa có sự phân loại rác từ nguồn, địa phương đủ lượng rác để xây dựng các nhà máy chưa đạt.

Bộ TN&MT thực hiện một số giải pháp, hướng dẫn: Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn; yêu cầu kỹ thuật với phương tiện vận chuyển chất thải; tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn; giá dịch vụ thu gom chất thải rắn; hình thức về thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác theo khối lượng hoặc thể tích chất thải...

Bộ đã có hướng dẫn địa phương phân loại rác tại nguồn. Bộ trưởng đề nghị địa phương quan tâm tuyên truyền người dân phân loại, từ đó xử lý rác triệt để.

Bộ sẽ rà soát ban hành quy chuẩn quốc gia về lò đốt chất thải rắn; hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ xử lý rác sinh hoạt; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tranh luận về việc khai thác cát làm sạt lở bờ sông. Cần hạn chế tối đa khai thác cát, nhất là ở khu vực ĐBSCL, kèm theo đó cần đánh giá tác động môi trường, có như vậy mới làm giảm tình trạng sạt lở bờ sông.

Bên cạnh tác hại từ việc khai thác cát trái phép mang lại, nhưng những mỏ cát cũng ảnh hưởng đến môi trường, ví dụ tại ĐBSCL, việc khai thác cát tại Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long đã bàn giao mỏ cát về cho chủ đầu tư để chuẩn bị xây dựng công trình cao tốc của ĐBSCL.

pham van hoa.jpg

Đại biểu lo ngại việc khai thác cát được cấp phép, theo đó cho phép mặt âm lòng đất xuống 10m hoặc 20m nhưng họ khai thác tới 30m - 40m. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xác minh khó khăn, trong khi đó cát ở khu vực ĐBSCL rất hiếm, mà xây dựng đường cao tốc sử dụng tới 54 triệu mét khối, như vậy là quá lớn. Do vậy, cần có giải pháp quản lý và hạn chế khai thác cát để giảm tình trạng sạt lở bờ sông.

Trả lời tranh luận, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay, theo đánh giá lượng cát về sông Tiền, sông Hậu so với 20 năm trước chỉ còn 30%, nguyên nhân do hệ thống thượng nguồn đập, công trình. Bộ trưởng đồng tình với nhận định của ĐB Hòa khi khai thác cát quá công suất, quá chiều sâu, khai thác không đúng với ĐTM.

Việc khai thác cát đã phân cấp cho địa phương, thời gian tới Bộ sẽ đánh giá hệ thống về trữ lượng cát; phối hợp với địa phương kiểm tra, giám sát; đề nghị địa phương rà soát và không để khai thác cát lậu.

Thu gọn
07/11/2023 | 08:15

8h14: Xóa bỏ thông tin hàng hóa vi phạm pháp luật trên môi trường mạng

ĐB Lê Đào An Xuân (Phú Yên) đặt câu hỏi: Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không đúng với giới thiệu quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối, nhất là qua các kênh bán hàng online. Nhiều vụ việc được người dân phát hiện do chính cộng đồng mạng phát hiện, tẩy chay nhưng không có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước.

le dao an xuan.jpg
ĐB Lê Đào An Xuân (đoàn Phú Yên) 

Đến bao giờ Bộ Công Thương mới có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng này?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số trong các DN.

Doanh thu mỗi năm trên môi trường thương mại điện tử đạt 16-19 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 20-25%/năm (đây là tốc độ tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới).

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận thực trạng như ĐBQH nêu, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc với quy mô lớn.

Như vụ việc ở trung tâm mua sắm Sài Gòn khi phát hiện hàng ngàn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng; vụ kiểm tra 3 tổng kho hàng lậu ở Tuyên Quang; xử lý 4 kho hàng chứa nhiều sản phẩm giả ở Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Bộ trưởng cho biết, những tháng đầu năm nay quản lý thị trường đã kiểm tra 523 vụ, xử lý 497 vụ và phạt tiền lên tới 7,8 tỷ đồng, giá trị hàng hóa gần 3,6 tỷ đồng.

nguyen hong dien toan canh.jpg
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện một số giải pháp như: Bổ sung trách nhiệm của chủ mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, gỡ bỏ những thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu; tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý những vi phạm thông qua bán hàng online, các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua bưu cục; phối hợp với các mạng xã hội xây dựng kênh, báo cáo để hỗ trợ xử lý các hành vi mua bán hàng hóa vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tập trung rà soát các quy định pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng; phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán trên mạng; tăng cường hoạt động quản lý, giám sát trên môi trường mạng, chủ động yêu cầu các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử xóa bỏ các thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật; tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong vấn đề này.

Thu gọn
07/11/2023 | 08:10

8h10: Rà soát, kịp thời hủy bỏ quy hoạch quá thời hạn

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời câu hỏi của ĐB Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) về giải pháp nào khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng đã triển khai thực hiện, qua đó rà soát tiến hành điều chỉnh bổ sung hệ thống quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch xây dựng…

Qua đó Bộ tham mưu sửa đổi Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho cấp phép xây dựng có thời hạn tại dự án có quy hoạch chậm thực hiện.

nguyen thanh nghi 1.jpg
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn

Đồng thời có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong thực hiện quy hoạch; có nhiều văn bản yêu cầu, đề nghị các địa phương rà soát quy hoạch, kịp thời hủy bỏ quy hoạch quá thời hạn, không có tính khả thi hoặc điều chỉnh quy hoạch, xây dựng kế hoạch lập quy hoạch, công khai quy hoạch…

Bộ Xây dựng có kế hoạch để đưa vào chương trình xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với nhiều nội dung nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo.

Thu gọn
07/11/2023 | 08:01

8h ngày 7/11: Tiếp tục chất vấn nội dung nhóm Kinh tế ngành

Mở đầu phiên chất vấn sáng 7/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với nhóm Kinh tế ngành, Quốc hội sẽ có 70 phút tiến hành chất vấn. Hôm qua đã có 26 ĐBQH được trả lời chất vấn. Hiện vẫn còn 57 ĐBQH đăng ký chất vấn và 3 ĐBQH đăng ký tranh luận.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH chọn vấn đề tâm đắc nhất để phát biểu và đăng ký tranh luận khi cần thiết, đảm bảo tối đa số lượng đại biểu tham gia chất vấn.

Thu gọn
06/11/2023 | 17:00

17h:

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sáng mai (7/11), Quốc sẽ tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề Kinh tế ngành. Quốc hội sẽ dành 60 - 70 phút và các đại biểu sẽ tiếp tục đăng ký chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phạm vi kinh tế ngành rất rộng, đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác để đảm bảo nội dung chất vấn bao quát, toàn diện.

chu tich quoc hoi 4.jpg

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6/11 kết thúc.

Thu gọn
06/11/2023 | 16:37

16h37: Giải quyết 'nỗi buồn' như thế nào khi đi trên cao tốc không có trạm nghỉ?

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận): Hiện nay đường cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận gần 200km, đã vận hành và lưu thông nhưng lại chưa bố trí trạm dừng chân. Theo phản ánh của người dân và cử tri, khi lưu thông trên tuyến đường cao tốc này không biết phải giải quyết “nỗi buồn vệ sinh” như thế nào. Đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ giải quyết vấn đề này ra sao và khi nào có trạm dừng chân để cho người dân an tâm khi lưu thông qua tuyến cao tốc trên?

nguyen huu thong.jpg

Trả lời về trạm dừng nghỉ trên cao tốc vừa mới khánh thành và đưa vào vận hành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận trách nhiệm và cũng chia sẻ với người dân. Bộ trưởng thừa nhận trong việc chậm triển khai thực hiện các trạm dừng nghỉ.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, việc triển khai các tuyến cao tốc thực hiện theo kiểu "vừa chạy vừa xếp hàng". Các trạm dừng nghỉ không chỉ cung cấp các dịch vụ công miễn phí: bãi đậu xe, khu vệ sinh, khu nghỉ ngơi cho tài xế thì đây còn là nơi sẽ đem lại lợi ích rất lớn.

Bộ trưởng cho biết hành lang pháp lý cho trạm dừng nghỉ gần như không có gì, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt, "vừa chạy, vừa xếp hàng". Bộ đã khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chọn các nhà đầu tư trong thực hiện xã hội hóa.

Trước đây, chưa có quy định xã hội hóa, cũng không có quy định cụ thể về quy mô của các trạm dừng nghỉ. Trạm dừng nghỉ trước đây quy mô tối đa là 1ha, tuy nhiên hiện nay không thể làm được vì không phù hợp. Vừa rồi Bộ đã tích cực, quyết liệt trong xây dựng hành lang pháp lý, quy hoạch và triển khai đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư.

hoi truong 6.jpg

Hiện nay, trên các tuyến cao tốc giai đoạn 1 đã đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư, 9 trạm dừng nghỉ thuộc dự án thành phần thuộc giai đoạn 1 đang trong quá trình triển khai và hoàn thành ngay trong năm 2023 và 2024. Còn với giai đoạn 2 của dự án, trạm dừng nghỉ sẽ được tiến hành song song với quá trình hoàn thiện tuyến đường. Các trạm này có quy mô khang trang, và phù hợp với quốc tế. Bộ trưởng mong ĐBQH, cử tri, nhân dân cảm thông và cho biết, Bộ GTVT đang quyết liệt để làm bù giai đoạn 2 phải xong tất cả.

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu: Tại Nghị quyết số 62, Quốc hội đã giao nhiệm vụ trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT. Trong hơn một năm qua, mặc dù Bộ GTVT đang nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa hoàn thành. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ này?

trinh xuan an.jpg

Trả lời, Bộ trưởng GTVT khẳng định, thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ đã quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn của 8 dự án BOT, nhiệm vụ này đã được triển khai từ lâu nhưng có nhiều vấn đề phức tạp trong việc tháo gỡ cho các dự án này.

Sau khi nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và ban hành kết luận, yêu cầu Bộ GTVT và Chính phủ giải trình một số vấn đề trong đó, ngoài 8 dự án trên, các địa phương có gặp khó, cần làm rõ để có giải pháp tháo gỡ; làm rõ nguồn vốn, các vấn đề liên quan đến pháp lý.

Bởi 8 dự án đều triển khai trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực, hiện nay Bộ GTVT đã tích cực triển khai các bước tháo gỡ khó khăn trong đó, nhà đầu tư cần hy sinh lợi nhuận, ngân hàng phải hy sinh lãi suất để bảo tồn vốn…

Bộ đã tổng hợp và giải trình cụ thể, sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 15/11, hy vọng trong thời gian sớm nhất, Chính phủ sẽ trình Quốc hội tháo gỡ 8 dự án BOT.

Thu gọn
06/11/2023 | 16:30

16h30: Không làn dừng khẩn cấp, chỉ một xe bị tai nạn, sẽ tắc nghẽn hết

ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) tranh luận về câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) về đầu tư tuyến đường cao tốc mà không có làn xe khẩn cấp thì có phù hợp với tiêu chuẩn? thì Bộ trưởng GTVT chưa trả lời thẳng vào vấn đề, chỉ cần trả lời là có hay không phù hợp nhưng Bộ trưởng lại trả lời về tiêu chí để xây dựng đường.

tran van tien.jpg

Với phần trả lời trên, ĐB Trần Văn Tiến cho rằng chưa phù hợp. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục đầu tư xây dựng làn đường cho xe đỗ khẩn thì là sự rất lãng phí. Trong các cuộc thảo luận tại hội trường, đối với các tuyến đường đầu tư về giao thông mà không có làn xe, đường làn cho xe dừng khẩn cấp, đại biểu đã có ý kiến nhưng không được tiếp thu. Đến nay, chúng ta lại tiến hành đầu tư về làn đường khẩn cấp thì rất lãng phí trong đầu tư.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, đối với tiêu chuẩn của Việt Nam hiện phù hợp; đối với quy chuẩn hiện cũng đang xây dựng. Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ của Bộ GTVT xây dựng quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành quy chuẩn này trong quý 1/2024.

Còn ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu: Về tuyến đường Cam Lộ - Túy Loan, tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội (1/11) vừa qua đã khẳng định đây là sự việc có thực. Chia sẻ với Bộ GTVT, ĐB Hoàng Đức Thắng cho rằng, trách nhiệm chính về vấn đề này thì không phải của Bộ, nhưng cần nêu ra, đây là tuyến đường cao tốc có 2 làn xe, chưa được giải phóng mặt bằng. Cho nên trong giai đoạn 2 mở rộng thì phải chắc chắn thực hiện, do đó sẽ gây ra lãng phí, tốn kém rất lớn về nguồn lực quốc gia.

Đề nghị Bộ trưởng kiểm tra lại vấn đề này và tham mưu Chính phủ khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng và nâng cấp tuyến đường này.

Trả lời về tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, Bộ trưởng GTVT cho biết, tuyến Cam Lộ - La Sơn là dự án đầu tư công, có đoạn 4 làn xe, có đoạn 2 làn xe; đoạn La Sơn – Túy Loan triển khai theo hình thức BT có 2 làn xe. Quan điểm từ nhiệm kỳ này là cố gắng giải phóng 1 lần, còn đầu tư có thể hoàn chỉnh hoặc phân kỳ. Cả 2 đoạn tuyến này đều đã giải phóng mặt bằng xong. Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, thời gian tới sẽ tham mưu đề xuất mở rộng 2 tuyến này.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rõ thêm về vấn đề thiết kế xây dựng đường cao tốc. Đã có nhiều đại biểu tranh luận về vấn đề này.

hoi truong 9.jpg
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành chất vấn

Chủ tịch Quốc hội phân tích: “Vốn của chúng ta không có nhiều nên phân kỳ đầu tư là đúng. Nhưng vấn đề phân kỳ đầu tư phải đạt mức tối thiểu như thế nào để đảm bảo an toàn giao thông thì Bộ GTVT cần suy nghĩ thêm”.

Ngay cả những đoạn vừa hoàn thành trong cao tốc Bắc - Nam, đoạn từ Cao Bồ đi Thanh Hóa và Thanh Hóa đi Diễn Châu, theo quan sát và nhiều người cho rằng, số lượng xe tham gia giao thông rất ít, vì tốc độ chỉ có 80 km/h và không có làn đường giật cấp. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chỉ cần một xe bị tai nạn hoặc bị xịt lốp thì sẽ tắc nghẽn hết tất cả, vì vậy rất cần xem xét vấn đề này.

Thu gọn
06/11/2023 | 16:15

16h15: Dự kiến chi phí đầu tư đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu 5 tỷ USD

ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nêu: Đường sắt kết nối với các cảng biển, sân bay, các khu công nghiệp rất quan trọng, thúc đẩy vận tải đường sắt khối lượng lớn, giảm tải cho đường bộ. Quy hoạch vận tải đường sắt 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề ra một số tuyến đường sắt kết nối như Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm.

tran thi thu hang.jpg

Đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ GTVT có kế hoạch gì để triển khai các tuyến đường này?

Trả lời, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, vấn đề phát triển đường sắt rất được quan tâm. Đối với dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, Bộ GTVT đang lập báo cáo tiền khả thi, dự kiến chi phí đầu tư 5 tỷ USD từ ngân sách và vốn ODA. Tuyến Thủ Thiêm - Long Thành dự kiến 2,4 tỷ USD, dự kiến tìm nguồn vốn xã hội hóa. Dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng cũng đang xây dựng báo cáo tiền khả thi, dự kiến tổng mức đầu tư 6,5-10 tỷ USD.

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng): Thời gian qua, công trình, dự án lớn với phương thức đầu tư công tư PPP của ngành giao thông vận tải đã được phê duyệt theo quy hoạch còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn và bất cập. Ngoài hạn chế về công tác thu hút qua xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế, trong đó có việc hạn chế rủi ro đã xảy ra đối với các tổ chức tín dụng chỉ dừng lại ở thời hạn bảo lãnh tín dụng, cho vay tín dụng từ 10 - 15 năm. Trong khi đó, khả năng thuần vốn hợp lý của các nhà đầu tư là 10, 20 đến 30 năm đối với với từng dự án PPP.

Đề nghị Bộ trưởng GTVT và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ giải pháp nhằm tháo gỡ thực trạng những vướng mắc nêu trên nhằm thu hút nguồn lực đối với các dự án PPP đã được phê duyệt?

Về thu hút các dự án PPP, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ khi có Luật PPP được ban hành thì việc thu hút các dự án chưa được nhiều, chưa hiệu quả. Thời gian gần đây, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ ngành địa phương để kêu gọi doanh nghiệp tham gia.

Lý do các dự án PPP chưa thu hút doanh nghiệp, về khách quan do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn nên doanh nghiệp gặp khó. Mặt khác, đầu tư trong lĩnh vực giao thông lợi nhuận không cao nhưng lại có nhiều rủi ro.

Liên quan đến hiệu quả của dự án, nhà đầu tư thu hồi vốn trên lưu lượng xe, các dự án lưu lượng phân bổ không đồng đều nên có những bất lợi cho nhà đầu tư. Cùng với đó, phần vốn Nhà nước hỗ trợ tối đa 50%, trong khi chi phí cho giải phóng mặt bằng nên vốn thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa nhiều. Ngoài ra còn một số vấn đề về cơ chế nên hiện chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Bộ trưởng cho biết, vấn đề lớn quan ngại là giải phóng mặt bằng, thường các dự án PPP thường tách giải phóng mặt bằng làm trước và doanh nghiệp chủ yếu triển khai dự án. Nhận diện được các khó khăn này, Bộ GTVT sẽ tham mưu Chính phủ để trình điều chỉnh cơ chế chính sách, thu hút nhà đầu tư. Với tinh thần đó, ngay tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội có những tháo gỡ cho các dự án đầu tư giao thông đường bộ như nâng tỷ lệ vốn Nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư.

Thu gọn
06/11/2023 | 16:00

16h: Ưu tiên các tuyến cao tốc mới có 2 làn xe, lưu lượng lớn

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời tiếp các câu hỏi của đại biểu liên quan đến phân kỳ đầu tư cao tốc; cao tốc 2 làn, 4 làn, chưa có trạm dừng nghỉ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2021-2026, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Trong nhiệm kỳ này, hiện đã dành trên 375 nghìn tỷ để triển khai xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu là xây đường cao tốc. Tuy nhiên, việc xây dựng đó mới chỉ đạt hơn 70% nhu cầu. Do đó, việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó khả thi.

nguyen van thang 1.jpg

Ông Thắng dẫn kinh nghiệm nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều phải thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các tuyến đường cao tốc. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các nước, Bộ GTVT đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo những nguyên tắc để đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng cũng tạo tiền đề và sự thuận lợi trong giai đoạn sau khi có nguồn lực để nâng cấp.

Trong đó cần ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh đối với các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Nhiều đoạn tuyến đã đầu tư hoàn chỉnh: Hà Nội – Hải Phòng, Bến Lức – Long Thành, Phan Thiết – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu.

Nguyên tắc thứ hai là đối với các tuyến nhu cầu vận tải chưa cao, thì thực hiện phân kỳ đầu tư. Chỉ phân kỳ đầu tư về bề rộng mặt cắt, còn các yếu tố kỹ thuật để nâng cấp đều phải đảm bảo. Cần thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch.

Với những nguyên tắc trên, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư để tham mưu báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung danh mục, nguồn vốn tăng thu ngân sách 2022 để mở rộng hai tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

Thời gian tới, ông Thắng cho biết, bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành địa phương, đề xuất hoàn thiện các đoạn tuyến cao tốc còn lại theo quy hoạch, ưu tiên các tuyến mới có 2 làn xe, có lưu lượng lớn để đảm bảo cả nước có hệ thống đường cao tốc đồng bộ, hiện đại.

Liên quan đến việc phân cấp, phân quyền đấu nối các công trình thiết yếu trên các tuyến quốc lộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2021, bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 117 về phân cấp, phân quyền liên quan đến quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó Chính phủ đồng ý giao UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt các điểm đấu nối vào Quốc lộ.

Trước khi quyết định, địa phương phải có quy hoạch, trong quy hoạch tỉnh phải có quy hoạch đấu nối. Địa phương cũng phải có trao đổi với Bộ GTVT về yêu cầu, tiêu chí kỹ thuật đảm bảo an toàn cho việc đấu nối trước khi quyết định. Các địa phương trong triển khai có gì vướng mắc thì cần liên hệ, làm việc với Bộ GTVT.

Thu gọn
06/11/2023 | 15:55

15h55: 5 nhóm nhiệm vụ chỉnh trang, xây dựng bộ mặt đô thị

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời câu hỏi của ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) về làm thế nào để chỉnh trang, xây dựng bộ mặt đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh, sạch, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết triệt để những tồn tại hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nghị quyết đã khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đánh giá những kết quả cũng như các tồn tại, thách thức.

nguyen thanh nghi.jpg

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động, trong đó đưa ra mục tiêu đến năm 2030 thực hiện đầu tư trọng tâm, trọng điểm các đô thị có khả năng chống chịu, giảm phát thải, thông minh, có bản sắc, hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị, đúng như mong muốn của đại biểu.

Chương trình của Chính phủ cũng đề ra 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể gồm: Thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam; nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý đô thị bền vững; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết…

Thu gọn
06/11/2023 | 15:30

15h30: Cử tri mong Bộ trưởng trả lời vì sao ô nhiễm sông Cầu chưa được giải quyết?

Tranh luận về tình trạng nguồn nước sông Cầu ô nhiễm nặng, ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho biết, đã đặt ra 2 vấn đề với Bộ trưởng là tình hình thực hiện các nội dung đã chất vấn và các giải pháp đã đưa ra.

Với 2 công văn gần đây nhất (Công văn số 128 ngày 7/1/2022 và Công văn số 1580 ngày 14/3/2023), Bộ trưởng đã đưa ra rất nhiều giải pháp, tuy nhiên cử tri và nhân dân tỉnh Bắc Giang quan tâm đến tình hình thực hiện các giải pháp đưa ra như thế nào?

Cử tri và nhân dân mong muốn Bộ trưởng trả lời vì sao hiện nay tình trạng này chưa được giải quyết và liệu có giải quyết được hay không?

Trả lời tranh luận, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, sông Cầu ô nhiễm là do từ sông Ngũ Huyện Khê (1 ngày xả thải 15.000m3 từ các cụm công nghiệp chưa được xử lý). Vừa qua, Bộ đã thành lập tổ giám sát bảo vệ môi trường tiến hành giám sát 22 cơ sở của cụm công nghiệp giấy Phong Khê. Bộ đôn đốc tỉnh Bắc Ninh phối hợp với tỉnh Bắc Giang để xử lý dứt điểm làng giấy Phong Khê. Tỉnh Bắc Ninh cũng thành lập tổ giám sát.

Bộ đã đề xuất giải pháp xây dựng khu xử lý nước thải ở cụm Phong Khê 2, trong khi cụm Phong Khê 1 hệ thống công suất nhỏ 300 m3, cụm Phú Lâm cũng chưa có khu xử lý nước thải. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bắc Ninh quan tâm vấn đề này, quan tâm giám sát xử lý nước thải ở đây.

dang quoc khanh toan canh.jpg
Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

Bộ TN&MT sẽ tiếp tục quan trắc, phối hợp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang xử lý nghiêm vi phạm. Cần phải tăng cường tuyên truyền vận động các tổ chức cá nhân làng nghề có ý thức, chung tay với cộng đồng, cũng như huy động ngân sách và xã hội hóa trong thu gom xử lý nước thải.

Điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về xử lý ô nhiễm môi trường ngoài chương trình mục tiêu quốc gia của Quốc hội, trước đây Thủ tướng có nhiều chương trình mục tiêu để xử lý việc này. Vừa rồi Chủ tịch Quốc hội đã trao đổi với Thủ tướng đề nghị các bộ rà soát lại xem khôi phục lại chương trình mục tiêu nào.

Bộ trưởng TN&MT có nêu phải có 1 chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Quốc hội cho biết không khả thi, theo ông, nên khôi phục lại các chương trình cũ đã có.

Thu gọn
06/11/2023 | 15:50

15h50: Lấy giá nhiệt điện, thủy điện bù điện năng lượng tái tạo

Sau giải lao, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan để phát triển điện mặt trời, năng lượng tái tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong quy hoạch điện 8, năng lượng tái tạo ở mức cao với tổng nguồn năng lượng tái tạo không kể thủy điện chiếm 28,5% cơ cấu so với tổng nguồn. Như vậy, ngoài nỗ lực của Việt Nam, rất cần sự hỗ trợ của quốc tế.

Với cơ cấu năng lượng tái tạo ở Việt Nam cao hơn nhiều nước phát triển, có trình độ công nghệ phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực lưới điện thông minh và lưu trữ điện (ở mức 20%).

nguyen hong dien.jpg

Để thực hiện được quy hoạch điện 8, theo ông Diên, cần đầu tư hệ thống lưới điện thông minh, đầu tư phát triển hệ thống lưu trữ điện. Đồng thời thúc đẩy thị trường điện ở cả 3 cấp độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh.

Biểu giá bán lẻ cũng cần nghiên cứu hiệu quả hơn, trong đó nhiệt điện và thủy điện có biểu giá cao để có thể bù đắp cho điện năng lượng tái tạo khi thực hiện hệ thống điện tự sản, tự tiêu hoặc huy động nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, huy động đầu tư.

Cùng với đó là xây dựng và ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp; thúc đẩy phát triển các loại thị trường điện.

Liên quan đến điện áp mái, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, hiện Bộ Công Thương đã và đang trình Chính phủ ban hành nghị định phát triển mặt trời áp mái. Nếu Chính phủ cho phép chủ trương xây dựng nghị định theo khuyến nghị của Bộ Tư pháp sẽ xây dựng theo quy trình. Bộ Công Thương cũng đang xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp….

Thu gọn
06/11/2023 | 15:15

15h15: Tiến độ di dân với khu vực phòng chống thiên tai còn chậm

ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn): Năm 2021, nhiều địa phương đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình các xã khu vực 2, khu vực 3, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2021 vẫn chưa được thực hiện với tỉnh Bắc Kạn là trên 28 tỷ.

ho thi kim ngan.jpg

Đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT chỉ rõ nguyên nhân của việc chậm chi trả? Đến bao giờ người dân ở địa phương có rừng như tỉnh Bắc Kạn được chi trả tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng? Đại biểu cũng gửi nội dung chất vấn này tới Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nêu: Tại Nghị quyết 134 của Quốc hội có yêu cầu Chính phủ xây dựng, triển khai Đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ hoặc vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai.

cao thi xuan.jpg

Tại Quyết định 590 của Thủ tướng đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 bố trí ổn định cho 47.159 hộ vùng thiên tai. Tuy nhiên, giai đoạn 2021- 2022 mới bố trí ổn định được cho hơn 5.000 hộ. So với mục tiêu đề ra của Thủ tướng đến năm 2025 thì cả nước cần bố trí ổn định cho 42.000 hộ vùng có nguy cơ thiên tai. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của sự chậm trễ trên, trách nhiệm thuộc về ai và nếu không thực hiện được mục tiêu bố trí cho 47.150 hộ này, việc chịu trách nhiệm trước Quốc hội sẽ như thế nào?

Trả lời 2 câu trên, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, về chính sách giao khoán rừng, để thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ khoán rừng, cân đối giữa nhu cầu thực tế với ngân sách. “Chúng ta đang áp dụng với định mức từ 300.000-400.000 đồng. Qua nhiều kỳ họp, các địa phương cũng đã phản ánh, mức định mức này còn thấp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đang sửa đổi Luật Lâm nghiệp, dự thảo một nghị định để nâng mức lên thành từ 400.000-600.000 đồng. Về nhu cầu, theo định mức của Bộ thì phải vào khoảng từ 1,1 đến 1,3 triệu, tuy nhiên, cần phải cân đối từ nguồn lực chung. Bộ cũng chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ đề án phát huy giá trị đa dụng về sinh thái rừng, để tạo ra nhiều việc làm, sinh kế dưới tán rừng, chứ không chỉ thuê bảo vệ rừng. Vấn đề này, Bộ trưởng cho biết sẽ được báo cáo Quốc hội sau.

le minh hoan.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

Về vấn đề di dân với khu vực phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, tiến độ thực hiện công việc đang chậm, vì công việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương. Khi địa phương bố trí các dự án tái định cư, khi được phê duyệt, vì nhiều lý do, không còn quỹ đất, nên phải điều chuyển, di dời, đây là một vấn đề lớn. Cùng với đó, các dự án bố trí tái định cư thường kèm theo điều kiện về đất sản xuất của người dân, việc bố trí đất sản xuất này tương đối khó khăn, kéo lùi tiến độ bố trí dân cư.

Có trường hợp, các dự án đã bố trí tái định cư cho dân cư rồi, nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả, bà con đến ở một thời gian, nhưng do thiếu sinh kế, không phù hợp tập quán vẫn bỏ ra ngoài. Bộ NN&PTNT đang đánh giá lại, thảo luận với các địa phương, trình với Chính phủ để các khu tái định cư không chỉ đạt hiệu quả về tái định cư, mà còn hình thành được cộng đồng phát triển bền vững.

Thu gọn
06/11/2023 | 15:00

15h: 3 dự ở khu vực ĐBSCL tăng tổng mức đầu tư cao

ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu: 2/3 tổng vốn đầu tư công của giai đoạn dành cho giao thông vận tải, nhưng các dự án giao thông vận tải ở tất cả các nhóm cũng như các dự án quan trọng quốc gia đều phải điều chỉnh thời gian thực hiện, tổng mức đầu tư. Như vậy cho thấy công tác chuẩn bị chủ trương đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư là không chính xác.

le hoang anh.jpg
ĐB Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai)

Trong khi đó, hồ sơ trình đều báo cáo là chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, khoa học, thực tiễn; các dự án thì đều có phương án dự phòng, kể cả dự phòng ngân sách.

Đề nghị Bộ trưởng GTVT cho biết trách nhiệm trong việc trình không chính xác thuộc về ai? Bộ trưởng có cho rằng cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi trình để các dự án không chính xác phải kéo dài thời gian tổ chức thực hiện?

Trả lời, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong kỳ trung hạn 2021-2025, Bộ được giao 64 dự án với tổng kinh phí là 300 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã phê duyệt 60 dự án và đang triển khai. Về cơ bản các dự án tương đối tốt, không tăng tổng mức đầu tư, nếu có thì rất ít.

Tuy nhiên, có 3 dự án ở khu vực ĐBSCL tăng tổng mức đầu tư cao là dự án cầu Rạch Miễu 2, đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Nguyên nhân là trong thời gian khảo sát thiết kế dự án đúng thời gian dịch 2020-2021 dẫn đến khảo sát chưa được triệt để, ngoài ra nguyên nhân đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng khi triển khai chính thức khác với khi khảo sát.

nguyen van thang.jpg
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn

Trước tình hình đó, Bộ GTVT cũng thực hiện nghiêm túc xem xét trách nhiệm, chỉ đạo các cơ quan chức năng, bộ ngành liên quan thanh tra, kiểm tra xử lý trách nhiệm và xử phạt nhà thầu ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các cơ quan thẩm định kiểm điểm và xem xét trách nhiệm, nhất là xử phạt nghiêm khắc các đơn vị tư vấn.

Sao nhiều tuyến cao tốc đi vào khai thác chỉ cho phép tối đa 80km/h?

ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình): Hiện nay quy định về tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc được các doanh nghiệp và cử tri rất quan tâm. Trước đây, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đề cập tới vấn đề này. Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của kỳ họp này, đại biểu có nêu vấn đề tại sao nhiều tuyến đường cao tốc phải hoàn thành, đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80km/h, như vậy là chưa giảm thiểu tối ưu vận tải và thời gian lưu thông.

tran quang minh.jpg

Đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian tới có điều chỉnh gì đối với tốc độ ở đường cao tốc nói chung và mục tiêu là giảm áp lực lưu thông, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A.

Trả lời ĐB Trần Quang Minh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 giới hạn tốc độ là 120km/h, 100km/h, 80km/h và 60km/h. Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh theo quy hoạch thì có thể chạy tối đa 120km/h như tuyến Hạ Long - Móng Cái, Hà Nội - Hải Phòng.

Từ đầu năm 2023, Bộ GTVT đã cho nghiên cứu rà soát các tiêu chuẩn có phù hợp với thực tế hay chưa và kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các tuyến quy định 80km/giờ có thể nâng lên 90km/h. Bộ GTVT đã điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến năm 2024 có thay đổi giới hạn tốc độ tối đa.

Thu gọn
06/11/2023 | 14:51

14h51: Giải pháp căn cơ nào giải quyết ô nhiễm môi trường tại hệ thống Bắc Hưng Hải?

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) nêu: Nghị quyết số 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV có yêu cầu cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết ô nhiễm môi trường của hệ thống Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, qua giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở hệ thống Bắc Hưng Hải chưa được giải quyết triệt để, còn gặp nhiều khó khăn.

Đề nghị Bộ trưởng TN&MT cho biết, chính sách nào mà Bộ đã ban hành hoặc tham mưu ban hành và giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại hệ thống Bắc Hưng Hải?

Trả lời, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, hệ thống Bắc Hưng là hệ thống phục vụ cấp tiêu nước cho vùng Bắc Bộ. Bộ TN&MT đã kiểm tra ô nhiễm tại đây.

Bộ trưởng cho biết, từ hệ thống thủy nông, giờ hệ thống này gánh thêm nhiệm vụ là xả thải cho nhiều tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, và một phần của Hà Nội, mỗi ngày tiếp nhận 450-500 nghìn m3 nước thải. Riêng từ khu vực cống Xuân Thụy thuộc quận Long Biên, Gia Lâm xả thải vào đây 260.000 m3.

dang quoc khanh.jpg

Nguồn xả thải từ cụm công nghiệp làng nghề, từ các khu đô thị và khu dân cư, trong đó nguồn thải từ khu đô thị và khu dân cư đều chưa qua xử lý chất thải. Hà Nội đang cố gắng xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhưng chưa được nên quận Long Biên và huyện Gia Lâm vẫn xả thẳng ra hệ thống thủy nông này.

Vì vậy, vấn đề đại biểu nêu là hoàn toàn đúng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm tình trạng này. Bộ TN&MT phối hợp Bộ Công an đã nghiêm khắc rà soát, xử phạt hành chính doanh nghiệp xả thải, làm việc với các địa phương cố gắng xử lý nước thải trước khi đổ vào hệ thống này. Tiêu biểu là tỉnh Hưng Yên đã có giải pháp đến từng xã, khu dân cư đó là thu gom, xử lý nước thải nông thôn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng TN&MT cũng thừa nhận phải mất nhiều nguồn lực để tạo ra hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Bộ đã có đề xuất với Thủ tướng phải có một chương trình mục tiêu quốc gia nhằm xử lý dòng sông chết, xử lý rác thải, nước thải. Bộ trưởng đề nghị Quốc hội ủng hộ khi có chương trình này.

Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách để có nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp tham gia xử lý nước thải. Đặc biệt cần tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm bảo vệ môi trường. Tăng cường quan trắc để kiểm tra, giám sát việc xả thải.

ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang): Nhiều năm qua, tình trạng nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm rất nghiêm trọng đã ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến cuộc sống của cử tri và nhân dân một số huyện của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.

do thi viet ha.jpg

Đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình thực hiện các nội dung đã trả lời chất vấn và các giải pháp đã đưa ra. Vì sao nhiều năm qua tình trạng này chưa được giải quyết? Và có những giải pháp nào để trong thời gian sớm nhất giải quyết được dứt điểm tình trạng này?

Trả lời thêm, Bộ trưởng TN&MT cho biết, với làng nghề truyền thống thì các tỉnh phải có quy hoạch để di chuyển, phải có khu để xử lý rác thải làng nghề thì mới dứt điểm. Cũng cần có ngân sách Trung ương, địa phương mới thực hiện được. Các địa phương phải phối hợp với nhau. Trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã đưa ra quản lý lưu vực sông.

ĐB Phạm Thị Kiều (Đắk Nông): Thời gian qua, thiên tai như sạt lở, lũ quét diễn ra với tần suất ngày càng nhiều. Với thực tế trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng TN&MT cho biết nguyên nhân và các giải pháp để cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sạt lở và lũ quét gây ra cho cộng đồng và cho người dân?

Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ, Việt Nam là một trong sáu quốc gia bị ảnh hưởng rất lớn.

Thời gian tới, các đơn vị của Bộ TN&MT tiếp tục tăng cường khả năng cảnh báo về thiên tai; đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Đề án khả năng dự báo và cảnh báo cho các địa phương. Bộ cũng phối hợp với các địa phương thực hiện các bản đồ nền, tổng hợp những vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở để quy hoạch, di dời dân cư, tránh ảnh hưởng đến dân cư và ảnh hưởng đến sự phát triển; đồng thời, đề xuất dự án về công trình và phi công trình để phòng chống sạt lở…

Thu gọn
06/11/2023 | 14:50

14h50: Bắt đầu phiên chất vấn nhóm vấn đề Kinh tế ngành

Mở đầu phiên chất vấn nhóm lĩnh vực Kinh tế ngành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngoài 5 bộ trưởng: Công Thương, NN&PTNT, GTVT, Xây dựng, TN&MT, chủ tọa có thể mời Bộ trưởng, trường ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình.

hoi truong 10.jpg

Chủ tịch Quốc hội thông báo có 88 ĐBQH đăng ký chất vất nhóm lĩnh vực này, do số lượng ĐB đăng ký nhiều nên ông đề nghị ĐBQH chọn vấn đề tâm đắc nhất để nêu một nội dung và chỉ tranh luận khi thực sự cần tranh luận để nhường cho ĐBQH khác.

XEM THÊM:

 

Thu gọn