Bị ảnh hưởng thấp nhất

Theo kết quả của nhóm nghiên cứu thuộc VinaCapital về tác động của đại dịch Covid-19 tới Việt Nam vừa được công bố, tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam là nặng nề, nhưng ít hơn các nước khác.

Theo đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua “cơn bão” suy thoái kinh tế toàn cầu, mà theo Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) là tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng. Tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam ít hơn nhiều so với Thái Lan và những quốc gia khác có chiến lược ngăn chặn dịch chậm hơn. Việt Nam đã làm nên điều khác biệt và được thế giới đánh giá cao vì là một trong những quốc gia đầu tiên đã “làm phẳng đường cong” biểu đồ dịch Covid-19, với tổng số ca nhiễm tăng rất chậm, gần như “bằng phẳng” theo thời gian.

Trong báo cáo mới nhất, IMF dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, trái ngược với kỳ vọng tăng trưởng 3,3% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 1.

Tăng trưởng GDP Mỹ có thể giảm (-5%) trong năm nay, thay vì tăng trưởng 2% như dự báo trước đó. GDP Thái Lan cũng giảm khoảng -5%, thay vì tăng 3%.

Trong khi đó, hầu hết các nhà kinh tế dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 3,5-4% trong năm 2020 và thậm chí có thể cao hơn nữa, tùy thuộc vào hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ.

{keywords}
Tăng trưởng kinh tế quý I/2020 so với giai đoạn 2009-2020.

Trong một báo cáo vừa công bố, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,81-5,01% trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi đó, GDP thế giới sẽ giảm 2,3%.

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng đưa ra dự báo với kịch bản lạc quan nhất là tăng trưởng 4,2%.

Trước đó, Fitch dự báo GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 3,3%. Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ giảm tốc, tăng trưởng GDP chỉ còn 4,8%. Trong khi, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 là 4,9% nhờ Việt Nam hành động kiên quyết, phản ứng chính sách tốt với khủng hoảng.

Còn McKinsey dự báo, theo một kịch bản có xác suất xảy ra cao nhất 60-70%, khi đại dịch được kiểm soát trong khoảng quý III/2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm theo hình chữ U nhưng kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh Sự phục hồi ít nhất từ đầu quý III/2020, với tốc độ giữa hình chữ U và chữ V. Trong kịch bản này, cơ quan chức năng vẫn cần nhanh chóng tung ra các gói cứu trợ và Chính phủ vẫn cần tăng cường chi tiêu công để kích cầu và hỗ trợ sản xuất.

Theo Vinacapital, lý do khiến kinh tế của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng ít hơn - chỉ giảm 3,5% tăng trưởng GDP, so với mức giảm 6-7% của nhiều quốc gia khác - là do các biện pháp y tế cộng đồng của Việt Nam rất hiệu quả mà không cần thiết phải đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế.

{keywords}
Số ca nhiễm còn lại ở Ý, Tây Ban Nha và Việt Nam

Việc mở cửa lại kinh tế sẽ diễn ra suôn sẻ

Trái ngược với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đang bị tấn công bởi đại dịch Covid-19, nhiều nhà máy và trang trại của Việt Nam vẫn hoạt động và một số cửa hàng bán lẻ vẫn mở. Do đó, tỷ lệ dân số Việt Nam có việc làm cao hơn.

Cũng theo Vinacapital, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến ở Việt Nam được công bố bởi các hiệp hội ngành công nghiệp có thể tăng lên khoảng 5% vào cuối tháng này so với khoảng 2% vào đầu năm 2020.

Sự gia tăng số lượng lao động thất nghiệp của Việt Nam sẽ là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách. Tuy  nhiên, áp lực này thấp hơn nhiều so với các nước khác. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ đạt khoảng 20% vào cuối tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp tại Anh sẽ tăng hơn gấp đôi lên 10%.

Những con số trên cho thấy, kịch bản xấu hơn có thể đã xảy ra cho thị trường việc làm tại Việt Nam nếu không có các biện pháp y tế hiệu quả mà Chính phủ thực hiện ngay từ Tết.

Một yếu tố cũng được cho sẽ giúp kinh tế Việt Nam vượt qua cơn bão kinh tế toàn cầu là các sản phẩm sản xuất ở Việt Nam thuộc phân khúc giá thấp. Những sản phẩm cao cấp như điện thoại thông minh hay máy ảnh kỹ thuật số... được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, bán trong các chuỗi siêu thị giá rẻ như Walmart ở Mỹ và Carrefour ở châu Âu.

{keywords}
GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại vào 2021.

Nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng thứ cấp được bán trong các cửa hàng giảm giá (chẳng hạn như thiết bị thể thao/thảm yoga, đồ chơi thú cưng, đồ làm vườn, dụng cụ nhà bếp thứ cấp,..v.v.) thường vẫn ổn định khi kinh tế suy thoái. Đó là bởi nếu trước đó, người tiêu dùng đã quen mua các sản phẩm xa xỉ đắt tiền, thì khi suy thoái kinh tế xảy ra, họ bắt đầu mua sắm tiết kiệm hơn để giảm mức chi tiêu hàng tháng.

Trên thế giới, tình hình dịch bệnh đã có diễn biến tích cực. Tại Mỹ, dự báo về số ca tử vong được điều chỉnh giảm mạnh từ mức 2,2 triệu người vào tháng 3 xuống còn 250.000 người vào đầu tháng 4, và xuống dưới 60.000 vào tuần trước. Một số quốc gia ở châu Âu cũng bắt đầu lên kế hoạch mở lại nền kinh tế dựa trên thực tế là đường cong biểu đồ dịch Covid-19 (số ca nhiễm còn lại) và số lượng tử vong dường như đã đạt đỉnh.

Đây là yếu tố giúp Việt Nam yên tâm hơn và do Việt Nam đã “làm phẳng đường cong” biểu đồ dịch Covid-19 và chưa có trường hợp tử vong nào, do vậy việc mở cửa lại kinh tế của Việt Nam nhiều khả năng sẽ diễn ra khá suôn sẻ.

Một khi các nước lớn mở cửa lại nền kinh tế, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ hồi phục nhanh chóng.

M. Hà