Năm 2008, khi quốc ca của cả Triều Tiên và Mỹ vang lên khắp Nhà hát lớn phía đông Bình Nhưỡng, niềm hy vọng về một khởi đầu mới cho quan hệ hai nước như được nhen nhóm.
Nhưng nó dường như đã bị dập tắt suốt nhiều năm nay.
Buổi hòa nhạc lịch sử do dàn nhạc giao hưởng New York Philharmonic biểu diễn là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất với nhiếp ảnh gia Mỹ Mark Edward Harris, người đã từng có tới 10 lần ghé thăm quốc gia "bí ẩn nhất" thế giới.
Giờ đây, khi đại dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, Harris hy vọng sẽ sớm được trở lại Triều Tiên.
Thời gian gần đây, nhiều quốc gia châu Á được coi là có các lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt như Nhật Bản đã dần mở cửa với du khách quốc tế nhưng Triều Tiên dường như vẫn đang giữ vững các quy tắc của mình.
Hơn nữa, việc Triều Tiên mở cửa trở lại cũng phải phụ thuộc vào hai quốc gia khác là Trung Quốc và Nga. Vì những du khách muốn đến Triều Tiên thường phải đi qua đây.
Simon Cockerell, tổng giám đốc của Koryo Tours, một công ty chuyên về du lịch Triều Tiên, cho biết ngay cả khi Triều Tiên mở cửa vào ngày mai cũng “không có lựa chọn nào khả dĩ” để du khách tới đó ngay lập tức. Bởi theo ông, vấn đề này ảnh hưởng bởi cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine và việc Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới nghiêm ngặt.
Rowan Beard, giám đốc du lịch tại Young Pioneer Tours, cho biết việc mở cửa trở lại biên giới của Triều Tiên “hoàn toàn phụ thuộc” vào cách Trung Quốc mở cửa lại cho du khách nước ngoài.
Ông nói: “Phần lớn khách du lịch đến Triều Tiên đi qua Trung Quốc".
Rayco Vega, Tổng giám đốc công ty du lịch KTG Tours, đồng ý nếu Trung Quốc không cấp thị thực du lịch hoặc cho phép khách du lịch quá cảnh qua đó, những du khách phương Tây sẽ không có cách nào để đến Bình Nhưỡng.
Nhu cầu luôn hiện hữu
Theo một số công ty du lịch, ngay cả khi Triều Tiên "ẩn mình" trong vỏ bọc của đại dịch, nhu cầu đến thăm quốc gia này dường như không bao giờ suy giảm.
Theo Cockerell, các chuyến du lịch tới Bắc Triều Tiên chiếm hơn 90% nguồn thu của Koryo.
Beard đồng ý và cho rằng vẫn luôn có rất nhiều du khách nước ngoài muốn đến thăm Triều Tiên.
“Hàng ngày, tôi đều nhận được email từ rất nhiều người hỏi xem Triều Tiên đã mở cửa trở lại chưa và liệu họ có thể tới đó hay không. Họ đăng ký ở trong danh sách chờ để một khi quốc gia bí ẩn này mở cửa trở lại, họ muốn trở thành những người đầu tiên tới đó”, giám đốc Young Pioneer Tours chia sẻ.
Theo cơ sở dữ liệu phân tích về Bắc Triều Tiên 38 North, doanh thu du lịch của Triều Tiên tăng khoảng 400% từ năm 2014 đến năm 2019.
Beard cho biết các chuyến du lịch tới Triều Tiên chiếm khoảng 75% hoạt động kinh doanh của công ty ông trước đại dịch. Ông đã tổ chức các chuyến đi cho khoảng 1.200 khách du lịch vào năm 2019, chủ yếu bao gồm các du khách tới từ Australia, Anh, Canada, Hà Lan và Đức.
Ông nói: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu đi du lịch đến Triều Tiên cũng đã tắng cao ở thị trường Trung Quốc, điều này khiến cho vé máy bay và tàu hỏa ngày càng đắt đỏ và bị giới hạn".
‘Một trong những quốc gia cuối cùng mở cửa cho du khách’
Với việc chính phủ Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chiến lược "không Covid", các công ty lữ hành dự đoán rằng Triều Tiên có thể mở cửa trở lại cho khách du lịch nước ngoài vào năm 2024 hoặc muộn hơn.
Vega cho biết: “Chúng tôi đoán rằng CHDCND Triều Tiên sẽ là một trong những quốc gia cuối cùng mở cửa cho du khách nước ngoài".
Cockerell nói: “Họ sẽ có quan điểm thận trọng nhất về vấn đề này. Triều Tiên cũng từng đóng cửa trong nhiều tháng vì đại dịch SARS năm 2003 và Ebola năm 2015 nên chính phủ nước này luôn hành động quyết đoán khi đối mặt với đại dịch. Một thái độ thoải mái theo phong cách châu Âu đối với khách du lịch chắc chắn là điều không thể có ngay cả khi Triều Tiên mở cửa trở lại".
Đỗ An (Theo CNBC)