“Tất nhiên tôi thấy khó chịu và bất an rồi.” – Đây là cảm giác của một nữ công nhân ở một nhà máy đồ chơi ngoại thành Hà Nội khi được hỏi cô cảm thấy thế nào khi bị quản đốc nam đụng chạm thân thể trong lúc cô đang đứng băng chuyền.

Dù được diễn đạt trong ngôn ngữ khá nhẹ nhàng, lời nói của cô vẫn làm tôi ám ảnh về tình cảm, tâm lý và thể xác mà cô trải qua. Nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, tôi muốn bàn về một góc khuất ít khi được nói đến: nạn quấy rối tình dục.

Chuyện rõ như ban ngày

Khi Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc đầu tiên của Việt Nam ra đời cách đây vài năm, một tờ báo mạng đã làm khảo sát nhanh, hỏi độc giả xem họ đã bao giờ bị quấy rối tình dục khi đang làm việc chưa. Kết quả khá sốc: Hơn một nửa trong số hơn 8.000 độc giả trả lời có.

Một nghiên cứu của Tổng cục Thống kê tiến hành năm 2010, cho thấy một phần ba phụ nữ được hỏi nói rằng bạo lực khiến công việc của họ bị gián đoạn; 16% cho biết họ không thể tập trung cho công việc; 6,6% nói là họ không thể làm việc vì bị ốm; và 7% nói họ hoàn toàn mất tự tin. Phụ nữ làm các công việc được trả lương thấp có xu hướng bị bạo lực nhiều hơn.

Một khảo sát khác của ActionAid năm 2014 cho thấy “mọi phụ nữ và trẻ em gái, bất kể nghề nghiệp là gì, đều bị quấy rối tình dục khoảng 2 đến 5 lần trong cuộc đời.”

Nhiều người đều biết việc bị quấy rối và bạo lực trong quá trình làm việc sẽ khiến nạn nhân bị căng thẳng, trầm cảm, thậm chí có suy nghĩ tìm đến cái chết. Nhưng ít ai để ý đến thiệt hại kinh tế chuyện này gây ra cho cả nạn nhân lẫn những người làm chủ doanh nghiệp hoặc đứng đầu cơ quan/tổ chức.

Quấy rối tình dục và chi phí

Theo nghiên cứu của UNWomen năm 2012, các hình thức bạo lực với phụ nữ khiến Việt Nam tổn thất 2,1 tỷ USD – tương đương với 1,78% GDP Việt Nam khi đó. Tiếc là số liệu cụ thể mà quấy rối và bạo lực trong công việc khiến Việt Nam thiệt hại đến đâu vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Nhưng số liệu từ Campuchia có thể cho chúng ta tham chiếu phần nào: Nghiên cứu của CARE Quốc tế cho thấy quấy rối tình dục khiến ngành công nghiệp may mặc của nước này mất gần 89 triệu USD/năm, tương đương 0,5% GDP.

Những doanh nghiệp dung túng quấy rối tình dục – dù chỉ theo cách đơn giản nhất là bằng lời nói chứ chưa nói đến quy định, hay thể chế - thường có lợi nhuận thấp hơn vì nhân viên bỏ việc nhiều hơn và do đó năng suất chung bị giảm đi.

Nghiên cứu của chương trình Better Work cho thấy ở Việt Nam, những lao động nữ lo âu vì bị xỉ nhục bằng lời nói phải làm thêm một tiếng thì mới đạt mục tiêu sản lượng bằng những người khác – dù họ có cùng trình độ học vấn, đào tạo và kinh nghiệm.

Hơn nữa, những phụ nữ bị quấy rối, lạm dụng hay bạo lực ở nơi làm việc (hoặc ở nhà từ bạn đời/bạn tình) có xu hướng nghỉ việc nhiều hơn. Tức là chủ lao động sẽ phải bỏ nhiều chi phí hơn cho việc tuyển dụng và đào tạo lại nhân viên mới. Những lao động nữ còn bám trụ sẽ phải nghỉ ốm/phép nhiều hơn mặc dù không phải ai cũng dám nghỉ như vậy – nhất là những người nhận tiền công theo sản phẩm. Chẳng hạn, một nữ công nhân ở một nhà máy đồ chơi ngoại thành Hà Nội đã từng chia sẻ khi được hỏi cô cảm thấy thế nào khi bị quản đốc nam đụng chạm thân thể trong lúc cô đang đứng băng chuyền: “Tất nhiên tôi thấy khó chịu và bất an rồi.” 

{keywords}
Giảm quấy rối tình dục ở nơi làm việc sẽ giúp tăng năng suất. Ảnh minh họa

Thứ ba và quan trọng nhất là, nhân viên bị quấy rối và lạm dụng dù cố đi làm thì cũng không đạt năng suất cao. Nhiều người không hoàn thành chỉ tiêu và dễ bị sa thải vì thế. Trong nghiên cứu của CARE ở Campuchia, 13,5%  nữ công nhân cho biết họ giảm năng suất nặng nề khi bị quấy rối tình dục. Nhóm này cho biết năng suất của họ giảm gần một nửa. Quấy rối tình dục gây ra tổn thất kinh tế, cho dù nó xảy ra trong khuôn viên công sở, nhà máy, hay ở những không gian khác như địa điểm hội thảo, sự kiện,… mà người lao động phải tham gia vì công việc.

Như vậy, giảm quấy rối tình dục ở nơi làm việc sẽ giúp tăng năng suất và sự gắn bó với doanh nghiệp/tổ chức của đội ngũ người lao động. Điều này đúng với cả những phụ nữ chưa trực tiếp bị quấy rối mà mới dừng ở mức chứng kiến hay lo sợ bị quấy rối. Khi quấy rối và bạo lực giảm đi, nó sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp các chi phí thuốc men và kiện tụng. Và ai cũng biết, các hậu quả từ một vụ xì-căng-đan quấy rối tình dục có tác hại thế nào đối với hình ảnh và doanh số của một doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đang bỏ sót một nguyên nhân gây thất thoát cho doanh nghiệp mình: bạo lực và quấy rối tình dục. Nơi nào quan tâm đến vấn đề này sẽ có thể giảm đi chi phí đáng kể và tăng tính cạnh tranh của mình khi tham gia thị trường trong nước và quốc tế.

Quyền không bị bạo lực

Tin vui là không phải chủ lao động nào cũng thờ ơ với vấn đề này. Chẳng hạn, bà Vũ Thanh Thủy, CEO của công ty TNHH Thương mại Mido ở Ninh Bình, từng nói, công ty bà đảm bảo không xảy ra phân biệt đối xử dựa trên giới hay quấy rối tình dục, và không có khoảng cách về lương thưởng chỉ vì giới tính của nhân viên. Theo lời bà, thúc đẩy bình đẳng giới trong doanh nghiệp là “hộ chiếu” để Mido tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. “Nhờ những quy định đó mà chúng tôi giữ lại được khách hàng quen và mở rộng sang nhiều khách hàng mới,” bà Thủy nói.

Hiển nhiên là doanh nghiệp nào có môi trường làm việc thân thiện, an toàn thì cả nhân viên nam, nữ hay bất cứ giới nào cũng đều sẽ hài lòng hơn. Môi trường an toàn hơn giúp chủ doanh nghiệp cắt giảm chi phí và giữ chân nhân viên. Còn lợi ích về danh tiếng – ví dụ như “nhà tuyển dụng ưa thích” – sẽ giúp mang đến nhiều khách hàng và hợp đồng hơn.

Bộ Luật Lao động 2012 của Việt Nam quy định cấm quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Đi kèm theo đó là các điều khoản như người lao động là nạn nhân của quấy rối tình dục được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Thế nhưng đã 7 năm sau, các quy định liên quan vấn đề này vẫn còn quá chung chung và việc áp dụng luật vào thực tiễn gặp nhiều khó khăn. Luật còn thiếu cơ chế khiếu nại và chế tài. Như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề cập, khung khổ luật pháp hiện nay “thiếu định nghĩa và các chỉ số cụ thể để xác định xem loại hành vi nào tạo thành quấy rối tình dục. Do đó trên thực tế, rất khó ngăn ngừa và xử lý quấy rối tình dục và giải quyết vị phạm.”

Đó là lý do tại sao các nhà làm luật, doanh nghiệp và người lao động Việt Nam cần tranh thủ hai cơ hội sắp tới: sửa đổi Bộ Luật Lao động và một phong trào toàn cầu hướng đến một công ước mới của Tổ chức Lao động Quốc tế về chấm dứt bạo lực và quấy rối trong công việc. Suy cho cùng, vấn đề này không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội và là cơ hội để chúng ta đảm bảo được một quyền cơ bản của con người: quyền không bị bạo lực.

Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia, CARE Quốc tế tại Việt Nam