Tiến trình ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên khởi sự năm 2018 đã trở nên mong manh sau khi hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un ở Hà Nội không đạt kết quả như mong đợi. Kéo theo đó là bóng đen bao phủ lên giấc mơ cải thiện quan hệ liên Triều mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đang ấp ủ.

{keywords}
Chủ tịch Kim Jong Un và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga)

Tạp chí Diplomat dẫn ý kiến của các chuyên gia phân tích về Triều Tiên cho rằng, ngay từ trước hội nghị ở Hà Nội, chính quyền ông Kim Jong Un đã khôi phục hai cơ sở quan trọng mà họ dỡ bỏ năm ngoái sau hội nghị lần 1 ở Singapore. Và ngay từ giữa tháng 2, một bãi thử động cơ tên lửa và một tòa nhà lắp ráp phương tiện phóng vệ tinh đã được Bình Nhưỡng vận hành trở lại.

Theo giới phân tích, nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể sẽ chọn "một con đường mới" như ông đã ngụ ý trong bài phát biểu đầu năm ngày 1/1/2019. Một số nhà quan sát cho rằng "con đường mới" đó chính là sự quay trở lại "con đường cũ", gắn với những tuyên bố khiêu khích cùng các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Không ít ý kiến khác xem "con đường mới" là đứng hẳn về phía Trung Quốc, đối tác kinh tế quan trọng nhất của Triều Tiên.

Nhưng theo Diplomat, mối quan hệ giữa Trung – Triều thời gian qua đã nhuốm sự nghi ngờ, cho dù hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tập Cận Bình gặp nhau nhiều lần. Điểm đáng chú ý nữa là sau hội nghị ở Hà Nội, báo chí nhà nước Triều Tiên thường xuyên đề cập các sự kiện công cộng và các cuộc hội đàm với Nga. Tuy ông Kim chưa gặp Tổng thống Vladimir Putin nhưng thường xuyên có tin tức về các cuộc thảo luận diễn ra giữa hai nước kể từ năm ngoái.

"Nga là nước láng giềng của Triều Tiên, và giữa Triều Tiên với Nga có các mối quan hệ hữu nghị cùng một lịch sử lâu dài", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA viết trong một bài báo mới đây. "Hai nước có mục đích chung là chống lại sự can thiệp cùng những áp lực từ bên ngoài và bảo vệ chủ quyền của mình".

Rõ ràng, ông Kim Jong Un đã nhìn nhận sự khác biệt về địa chính trị đang tồn tại giữa Nga với phương Tây như một cơ hội cho Bình Nhưỡng. Hồi tháng 3, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin về ba sự kiện lớn với Nga, trong đó có buổi tiệc chiêu đãi do đại sứ ở Bình Nhưỡng tổ chức và chuyến thăm của một nhóm nghị sĩ Nga.

Như vậy có thể thấy Triều Tiên đang chuyển hướng sang các cơ hội mà người Nga có thể mang lại. Một sự liên kết giữa Bình Nhưỡng và Moscow không cần phải tuyệt đối nhưng rõ ràng ông Kim đang cố gắng thiết lập một mối quan hệ sâu sắc hơn với Nga, bất kể người Mỹ nghĩ gì và hành động ra sao.

Thanh Hảo