Quảng Trị là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhất là khu vực miền núi, vùng trũng thấp. Sau thiên tai đi qua, người dân bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường như chất thải, bùn đất, các loại động vật chết dẫn tới sinh sôi nhiều vi khuẩn, vi trùng có thể gây ra dịch bệnh. Nguồn nước cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, công tác vệ sinh môi trường sau lũ luôn được tỉnh Quảng Trị chỉ đạo xử lý kịp thời, không để xảy ra các sự cố môi trường sau mưa lũ.
Trong đợt mưa ngày 13 – 15/11/2023 vừa qua, hàng loạt khu vực trong tỉnh bị ngập lụt, hàng nghìn ngôi nhà ngập nước, nhiều địa phương bị lũ chia cắt. Ngay sau khi nước rút, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Trị đã ra văn bản hướng dẫn cách khắc phụ môi trường sau lũ với phương trâm nước rút tới đâu, khắc phục tới đó.
Tại Trường mầm non Hải Chánh, huyện Hải Lăng nước chưa rút hết nhưng các giáo viên đã tiến hành vệ sinh lớp học, các khu vực rút nước chuẩn bị tạo điều kiện cho trẻ đi học trở lại.
Lớp học được vệ sinh sạch sẽ sau đó phun sát khuẩn, nước được dùng chloramin B khử khuẩn. Trung tâm y tế huyện Hải Lăng đã cử cán bộ tới từng địa phương hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường sau mưa lũ. Đặc biệt, Trung tâm Y tế huyện còn tham mưu cho UBND huyện Hải Lăng tiến hành chỉ đạo các xã, thị trấn trong huyện tích cực dọn vệ sinh môi trường sau lũ đảm bảo đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Khơi thông các tuyến đường trên địa bàn để ổn định việc đi lại.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Đức, trưởng Trạm y tế xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho biết, đợt mưa lũ giữa tháng 11, xã chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ. Cả xã có trên 300 ngôi nhà của bà con bị ngập lụt cùng với nhiều tài sản, gia súc, gia cầm chết hàng loạt, bị cuốn trôi. Sau đợt mưa lớn, trạm y tế xã đã hướng dẫn công tác xử lý môi trường, nguồn nước. Lực lượng y tế thôn bản hỗ trợ người dân xử lý môi trường, làm sạch nước sinh hoạt.
Theo ông Lê Đức Dũng – Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, mùa mưa lũ khiến nước thải, rác thải, xác xúc vật, phân người, phân gia xúc, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trôi theo nước có thể phát tán làm ô nhiễm môi trường, nhiễm độc nước.
Môi trường sau mưa lũ thuận lợi cho vi trùng, các véc tơ truyền bệnh phát triển rất nhanh. Người dân sử dụng nước, thực phẩm có nguy cơ bị ngộ độc. Quá trình xử lý khắc phục hậu quả sau mưa lụt cũng khiến tai nạn thương tích, đuối nước, côn trùng cắn, đốt.
Ông Dũng cho biết, Sở Y tế đã có các phương án cùng người dân khắc phục các tình trạng trên. Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, tổ chức phối hợp với Sở Y tế khắc phục môi trường sau mưa lũ.
Các địa phương trong tỉnh cần chủ động kế hoạch hàng năm từ trang thiết bị, hóa chất, thuốc để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sau mưa lũ. Ông Dũng khẳng định, chuẩn bị công tác ứng phó với chất thải, rác thải sau mưa lũ cần chuẩn bị từ xa, giảm thiểu rác thải. Các thuốc, hóa chất vật tư sử dụng trong, sau lũ đều chuẩn bị sẵn sàng theo kế hoạch hàng năm.
Sau lũ, các địa phương ưu tiên số 1 là xử lý nguồn nước và môi trường. Sở Y tế đã chỉ đạo các trạm y tế chuẩn bị hóa chất, vật tư, thành lập các đội cơ động để hỗ trợ người dân xử lý nguồn nước nhiễm bẩn. Trạm y tế xã, Trung tâm Y tế huyện xây dựng các tờ rơi, sổ tay phòng chống lụt bão gửi tới người dân. Sổ tay này có tất cả cách xử lý môi trường sau mưa lũ như cách xử lý nước, xử lý môi trường theo biên soạn của Bộ Y tế.
Ví dụ, khi lụt sắp vào, nhà có nguy cơ bị lụt người dân cần bịt miệng giếng. Sau mưa, dùng Chloramin B dạng viên hoặc bột khử khuẩn, sử dụng phèn chua làm trong nước. Theo khuyến cáo, xử lý nước ban đầu thật tốt và sử dụng nước đun sôi.