Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với UBND huyện Đakrông về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành tiếp tục tăng cường hỗ trợ huyện Đakrông thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, phân bổ vốn từ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ thêm cho các xã tại huyện Đakrông đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2025.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, đến tháng 8/2024, địa phương đạt 144 tiêu chí với 408 chỉ tiêu; bình quân mỗi xã đạt chuẩn 12 tiêu chí. Trong đó, xã Triệu Nguyên duy trì đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã Mò Ó, Ba Lòng và Tà Rụt đạt 14 tiêu chí; xã A Ngo đạt 13 tiêu chí; xã Ba Nang có số tiêu chí đạt thấp nhất với 8 tiêu chí.
Về xây dựng thôn nông thôn mới, toàn huyện hiện có 73 thôn thuộc 12 xã với mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 tập trung xây dựng 30 thôn đạt chuẩn. Tổng nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp về cho huyện phân bổ cho các xã là hơn 337,8 tỷ đồng; nguồn vốn chưa cấp là trên 119,8 tỷ đồng.
Dự kiến đến cuối năm 2024, toàn huyện Đakrông đạt 161 tiêu chí với 468 chỉ tiêu. Cụ thể, xã Ba Lòng đăng ký về đích nông thôn mới trong năm 2024 và xã Mò Ó đăng ký về đích vào năm 2025.
Về xây dựng nông thôn mới mới nâng cao, xã Triệu Nguyên hiện đạt 10/19 tiêu chí và phấn đấu đạt chuẩn vào cuối năm 2025. 7 xã còn lại phấn đấu đạt từ 13 tiêu chí trở lên...
Đối với 27 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lộ trình năm 2024 có 5 thôn phấn đấu về đích nông thôn mới là: Cu Tài 2 (xã A Bung), Mai Sơn và thôn 5 (xã Ba Lòng), A Rồng trên (xã A Ngo) và thôn Phú Thiềng (xã Mò Ó).
Qua rà soát đối với 3 thôn đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025, thôn Xuân Lâm (xã Triệu Nguyên) đạt 7/12 tiêu chí; thôn Na Nẫm (xã Triệu Nguyên) và thôn Hạ Lương (xã Ba Lòng) đạt 6/12 tiêu chí.
Tại buổi làm việc, huyện Đakrông kiến nghị, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành xem xét bố trí đủ nguồn lực đã được phân bổ nhưng chưa cấp cho địa phương; xem xét để các xã an toàn khu, xã mới công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chính sách như các xã đặc biệt khó khăn đến năm 2030.
Đối với một số tiêu chí, chỉ tiêu khó, đề nghị các sở, ngành phụ trách nghiên cứu, hướng dẫn, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh để đảm bảo 3 xã đăng ký đạt chuẩn đến năm 2025 giữ vững các tiêu chí. Đề nghị UBND tỉnh xem xét tính toán đầu tư cho các xã đạt các tiêu chí cơ sở vật chất cao hơn mức tối thiểu.