Theo UBND Quảng Trị, sau các đợt mưa lũ vào tháng 11 vừa qua, tình trạng sạt lở sông, biển diễn ra nghiêm trọng. Tổng chiều dài sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh chưa được khắc phục là hơn 133km, trong đó 62,5 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gần 73 km sạt lở nguy hiểm.
Cụ thể, tình trạng sạt lở kè biển, bờ biển diễn ra nhiều năm qua ở các xã: Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh; Triệu Vân, Triệu Lăng, huyện Triệu Phong; Xâm thực biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng dọc bờ biển các xã: Trung Giang, Gio Hải huyện Gio Linh với chiều dài hàng nghìn mét.
Để khắc phục hậu quả thiên tai, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, kênh, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động phòng, chống sạt lở, sơ tán người dân khi có tình huống xấu xảy ra nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản; có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.
Bên cạnh đó, tỉnh tiến hành rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng đến dòng chảy hoặc có nguy cơ sạt lở cao ở khu vực ven sông, suối và ven biển; tăng cường phổ biến pháp luật về phòng, chống thiên tai, sạt lở đất, hướng dẫn địa phương và người dân kỹ năng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, giai đoạn từ năm 2020 -2023, tỉnh đã huy động 748 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hơn 60 km kè chống sạt lở dọc bờ sông, bờ biển kết hợp phục vụ nhu cầu giao thông dân sinh. Tuy nhiên, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng.
Nguyên nhân sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng là do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng cực đoan. Minh chứng là sau các đợt mưa lũ vào tháng 11/2023, sạt lở bờ sông, bờ biển ở Quảng Trị lại tiếp tục xảy ra.
Được biết, tỉnh Quảng Trị đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 1.214 tỷ đồng để đầu tư 62,5 km kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Mới đây, tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, kế hoạch đặt ra nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp phòng chống thiên tai kịp thời và hiệu quả, giảm thiểu những rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu, chú trọng các vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão, lũ, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, hạn hán; phòng tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, nước biển dâng. Xây dựng và nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai tại những vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Bên cạnh đó là việc củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê sông, đê biển và các công trình thủy lợi, thủy điện bảo đảm chủ động phòng, chống lũ, bão theo mức thiết kế và an toàn trước tác động gia tăng do biến đổi khí hậu; ưu tiên bảo đảm an toàn cho hệ thống hồ, đập, đê sông, đê biển. Xây dựng, nâng cấp khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão theo quy hoạch, gắn kết với dịch vụ hậu cần, thông tin nghề cá, bao gồm cả khu vực đảo Cồn Cỏ. Xây dựng, củng cố công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại những khu vực sạt lở diễn biến phức tạp, uy hiếp nghiêm trọng công trình đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng; kết hợp các giải pháp công trình và phi công trình, đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và tối ưu hóa nguồn lực phát triển.
Ngoài ra, kế hoạch cũng chú trọng đến việc phát triển các mô hình sinh kế bền vững, chú trọng đào tạo, chuyển đổi nghề và hỗ trợ công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn cho người dân ở những vùng chịu nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu tại các huyện ven biển…