Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ước tính khoảng 253 tấn/ngày. Tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt khoảng 93,5%, trong đó khu vực đô thị đạt 95,5%, khu vực nông thôn đạt 62%.

Toàn tỉnh hiện có 10 bãi chôn lấp chất thải rắn và 3 lò đốt nhưng chưa có cơ sở tái chế quy mô lớn từ việc phân loại chất thải sinh hoạt mà chủ yếu là các cơ sở phế liệu nhỏ lẻ. Công tác thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải có quy mô nhỏ, thủ công và tự phát. Tỉ lệ thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ đạt khoảng 30%.

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện mô hình về phân loại, xử lý chất thải rắn tại nguồn được đánh giá khá hiệu quả, phù hợp với vùng nông thôn. Việc thực hiện xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh được thực hiện với quan điểm: Lấy phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh và phân loại chất thải tại nguồn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải xử lý.

rac 2s.jpg
Khuyến khích, kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đến năm 2025, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 100% tổng lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; 60% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Về chất thải rắn sinh hoạt, 100% rác thải sinh hoạt đô thị và 80% rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trên cơ sở tối đa hóa khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; 100% địa phương cấp huyện có bãi chôn lấp hợp vệ sinh với công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp và hiện đại; 100% địa phương cấp xã có điểm tập kết hoặc bãi chôn lấp chất thải rắn đảm bảo vệ sinh theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới; 85% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn, thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh Quảng Trị sẽ kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại và chuyển các sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi hoặc chuyển cho các tổ chức đủ điều kiện hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải theo đúng quy định của pháp luật để chuyển đến các điểm thu hồi theo quy định.

Bên cạnh đó là việc xây dựng các điểm trung chuyển chất thải nguy hại, thu hồi sản phẩm thải bỏ tập trung, khu lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn các địa phương nhằm tăng cường việc thu gom, xử lý đối với chất thải nguy hại phát sinh từ các chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh nhỏ hoặc chủ nguồn thải chất thải nguy hại ở vùng sâu, vùng xa và đối với bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Đồng thời, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, ít phát sinh chất thải nguy hại; tăng cường việc tái chế, tái sử dụng chất thải; khuyến khích, kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; ưu tiên xây dựng các cơ sở tái chế, xử lý chất thải có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Quảng Trị và sự vào cuộc của các địa phương, cùng với sự chung tay của người dân, doanh nghiệp trong việc thu gom, xử lý chất thải rắn góp phần làm cho môi trường các đô thị trên địa bàn tỉnh được cải thiện, từng bước nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV