Những ngày tháng 7, cả nước đều hướng về Quảng Trị - bàn thờ chung của Tổ quốc…
“Trước mắt, chúng tôi có kế hoạch huy động các nguồn lực, sớm xây dựng một đền tưởng niệm chung, ghi tên các liệt sĩ chưa tìm thấy để người thân của họ khi đến đây cũng thấy ấm lòng. Tiến độ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được tăng cường, làm sao càng sớm càng tốt quy tập các anh về nghĩa trang, để các anh an nghỉ cùng đồng đội”, ông Hà Sỹ Đồng - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ.
Ông Hà Sỹ Đồng cho biết, năm nay, Quảng Trị tổ chức nhiều hoạt động nhân 50 năm giải phóng tỉnh, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ và tháng 7 là kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ. Tỉnh đang huy động mọi nguồn lực, kêu gọi nhiều tổ chức trong nước và quốc tế để nâng cấp, tôn tạo, triển khai các hoạt động tri ân.
Quảng Trị là địa bàn có nhiều nghĩa trang liệt sĩ nhất trong cả nước với 72 nghĩa trang, 2 nghĩa trang quốc gia (Trường Sơn và Đường 9) cùng Thành cổ, sông Thạch Hãn là những di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, đảng bộ và chính quyền, nhân dân trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ, thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam…
Ông Đồng trăn trở: “Thời gian tới còn nhiều việc phải làm. Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm của Trung ương, các bộ, ban, ngành, tổ chức trong và ngoài nước để nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng các đền tưởng niệm những liệt sĩ chưa tìm thấy, chưa biết tên đã nằm lại mảnh đất Quảng Trị; làm sao để công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa những người có công được thiết thực, hiệu quả nhất”.
Mới đây, trước sự xuống cấp của bia chứng tích Thiện Chánh (xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ), Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng Hiệp hội bất động sản Quảng Trị đã tiến hành sửa chữa, làm mới những hạng mục xuống cấp. Qua hơn 1 tháng thi công, ngày 9/5, công trình được khánh thành với tổng mức đầu tư 375 triệu đồng.
Nhà bia chứng tích ghi danh 16 anh hùng, liệt sĩ Phân đội 23, Công an nhân dân vũ trang (tiền thân của BĐBP). Họ là những chiến sĩ “ngày Bắc, đêm Nam”, với những trận chiến xuất quỷ nhập thần.
Đêm 15/10/1964, Phân đội nhận nhiệm vụ đột nhập phá ấp chiến lược ở 2 thôn Thọ Xuân và Cam Vũ. Trận chiến đấu thắng lợi, cuộc mít tinh tuyên truyền được tổ chức tại chỗ nhưng chưa kịp thu quân thì trời sáng. Phân đội quyết định di chuyển đến thôn Thiện Chánh, tổ chức trận địa sẵn sàng đánh trả quân địch.
12 giờ trưa ngày 16/10/1964, địch điều động 1 tiểu đoàn có phi pháo yểm trợ kéo đến tấn công. Một trận đánh diễn ra giữa những chiến sĩ chỉ có súng trường và lựu đạn, kẻ thù có cả phi pháo, xe bọc thép. 16 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận đánh tiêu diệt được 84 tên địch cùng nhiều xe bọc thép...
Năm 1997, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp với huyện Cam Lộ xây dựng Bia chứng tích.
“Những năm qua, chúng tôi thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương cũng như huy động các cơ quan, nhà hảo tâm để cùng chung tay góp sức cùng nâng cao chất lượng công tác đền ơn đáp nghĩa.
Một trong những hoạt động đó là đầu tư sửa chữa, nâng cấp các khu tưởng niệm, bia chứng tích, bia ghi danh để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, đồng thời cũng mong muốn rằng những địa điểm này trở thành địa chỉ đỏ để nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau”, Đại tá Ngô Xuân Thường - Phó chính ủy BĐBP Quảng Trị chia sẻ.
BĐBP tỉnh còn quan tâm chăm lo đến đời sống của gia đình chính sách, đặc biệt là các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Trong năm qua, BĐBP tỉnh đã huy động hơn 5 tỷ đồng để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội và hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp nhà thờ các liệt sĩ.
“Vừa rồi chúng tôi cùng các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị và địa phương khánh thành nâng cấp bia chứng tích nơi ghi danh 16 liệt sĩ tại thôn Thiện Chánh, bia ghi danh 13 liệt sĩ đồn biên phòng Cù Bai. Mới đây, chúng tôi khởi công xây dựng bia ghi danh liệt sĩ tại địa bàn đồn biên phòng Hải An… Hiện nay các bia chứng tích, ghi danh khác cũng đang được nhiều đơn vị tập trung tu sửa, nâng cấp”, ông Thường nói.
Tại đồn biên phòng Hải An có bia ghi danh 9 liệt sĩ Phân đội 180 Công an nhân dân vũ trang. Phân đội được giao nhiệm vụ chốt giữ cảng Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng. Trận đánh ngày 29/6/1972 với mục tiêu giữ đất đã góp phần vào thắng lợi của cuộc chống tái chiếm Quảng Trị. Nhưng 9 chiến sĩ của Tiểu đội 3 đã nằm lại với đất.
“Ngoại trừ các đồn biên phòng thành lập sau năm 1975, hầu hết đồn biên phòng tại tỉnh Quảng Trị đều có bia chứng tích, bia ghi danh các liệt sĩ”, Đại tá Ngô Xuân Thường cho biết.
Theo Trung tá Hồ Lê Luận - Bí thư đảng ủy, chính trị viên đồn biên phòng Hướng Lập (đồn Cù Bai cũ), đồn đã hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo, tu sửa, chỉnh trang Bia ghi danh tưởng niệm các liệt sĩ đồn Cù Bai và Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại ngã ba Dân chủ.
13 anh hùng liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại thôn Cù Bai, xã Hướng Lập khi tuổi đời còn rất trẻ. Từ năm 1967-1972, khu vực đồn biên phòng Hướng Lập đóng quân được mệnh danh là “chảo lửa, chảo bom”. Thời điểm ác liệt, máy bay Mỹ dội bom vào con đường đi qua Cù Bai suốt ngày đêm.
Ngã ba Dân chủ (thôn Cựp, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hoá) là điểm ngã ba giao cắt nhau của tuyến đường 10 từ Bắc vào Nam, tuyến đường Hồ Chí Minh ra Bắc và con đường mòn bản Tà Păng (Lào) qua Việt Nam. Có thể nói nơi đây là nơi "yên bình" sau những trận bom Mỹ ác liệt. Chính vì vậy, bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến gọi nơi đây là "ngã ba Dân chủ".
Nơi đây in dấu sự hy sinh anh dũng của 78 thanh niên xung phong N237, Ban 67 (tỉnh Thanh Hóa) trong nỗ lực bảo đảm mạch máu giao thông huyết mạch Bắc - Nam được thông suốt.
Trung tá Hồ Lê Luận cho hay, những ngày tháng 7, đồn Hướng Lập đã tổ chức lễ phát động đợt thi đua cao điểm “Uống nước nhớ nguồn, tri ân người có công với cách mạng”. Đơn vị thăm hỏi, tặng quà 7 gia đình thân nhân liệt sĩ, thương binh do đơn vị đỡ đầu tại 2 xã Hướng Lập và Hướng Việt. Đồng thời, đồn phối hợp tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho người có công với cách mạng và các gia đình chính sách.
Video, ảnh: Đình Thành
Thiết kế: Phạm Luyện