Nghị quyết số 03-NQ/TU (4/11/2021) của tỉnh Quảng Trị về xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, định hướng đến 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 9 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến nay, đã có 3/9 xã đã đạt chuẩn là Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh); 6 xã còn lại là Hướng Tân, Hướng Phùng, Thuận (huyện Hướng Hóa), Mò Ó, Ba Lòng (huyện Đakrông), Linh Trường (huyện Gio Linh) phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2024 - 2025.

Tuy nhiên, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, cần nguồn lực đầu tư lớn thì việc nâng cao thu nhập cho người dân (Tiêu chí 10), giảm nghèo (Tiêu chí 11) là rào cản lớn trên hành trình về đích nông thôn mới. 

Kết quả rà soát mới đây của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh dự kiến 4 xã có khả năng đạt chuẩn nông thôn mới đúng tiến độ là Linh Trường, Ba Lòng, Mò Ó, Hướng Phùng; 2 xã còn lại là Hướng Tân và Thuận sẽ khó đạt tất cả các tiêu chí vào năm 2025 vì các tiêu chí đạt được đang rất thấp. Hiện xã Hướng Tân mới đạt 10/19 tiêu chí, xã Thuận đạt 8/19 tiêu chí.

Capture.JPG
Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 9 xã đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong khi đó, để đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 thì mức thu nhập bình quân đầu người của mỗi xã là 45 triệu đồng/người/năm, năm 2025 là 48 triệu đồng/người/năm. Đây là tiêu chí cứng và không có sự phân biệt giữa các vùng, miền, địa phương. Đối chiếu với quy định trên thì bình quân thu nhập người dân của các xã phấn đấu đạt chuẩn trong giai đoạn này đều ở mức thấp. 

Cụ thể, xã Ba Lòng và Linh Trường phấn đấu đạt chuẩn năm 2024, nhưng mức thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 của 2 xã lần lượt là 37 triệu đồng/người/năm và 29,04 triệu đồng/người/năm. Tương tự, đăng ký đạt chuẩn vào năm 2025 nhưng xã Mò Ó đến cuối năm 2023 mới đạt 25,5 triệu đồng/người/năm; xã Hướng Phùng mới đạt 25 triệu đồng/người/năm.

Khoảng cách chênh lệch giữa thực tế với mục tiêu cần đạt khá cao trong khi thời gian thực hiện không còn nhiều; điều kiện sản xuất, trình độ hiểu biết của người dân còn hạn chế, quy mô kinh tế nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng thiếu thốn... là áp lực lớn cho các địa phương.

Để phù hợp với hiện trạng, tình hình thực tế các xã, đảm bảo xây dựng nông thôn mới đúng thực chất, không chạy theo thành tích, lấy sự hài lòng và chất lượng cuộc sống của người dân làm trọng tâm, các sở, ban, ngành của tỉnh cần phối hợp UBND các huyện rà soát, nắm bắt tình hình thực tế xây dựng nông thôn mới ở các xã trong lộ trình đạt chuẩn 2024, 2025. Từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn địa phương hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Đối với các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, hầu hết đều được sự hỗ trợ đầu tư từ nguồn lực Nhà nước. Riêng tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, bên cạnh sự hỗ trợ từ nguồn lực bên ngoài thì cần ý chí, sự chủ động của từng người dân.

Vì vậy, cần tuyên truyền sâu rộng cho đội ngũ cán bộ xã, thôn cũng như phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng để lan tỏa những phần việc xây dựng nông thôn mới. Đơn cử như tiên phong đóng góp kinh phí, ngày công, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác thế mạnh của địa phương, từ đó thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm của người dân.

Tùy điều kiện, lợi thế mỗi địa phương, lựa chọn giải pháp, hướng đi riêng cho bài toán tăng thu nhập cho người dân. Trong đó cần lồng ghép xây dựng nông thôn mới với các chương trình hỗ trợ sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững để ưu tiên đầu tư các nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất; xây dựng các mô hình sinh kế hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách.

Cùng với đầu tư mô hình sản xuất, cần tăng cường tuyên truyền, vận động cũng như cập nhật, trang bị kiến thức và thường xuyên khích lệ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa dần các thói quen, tập quán canh tác lạc hậu, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.