Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc và triển khai quyết liệt, nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới đã được nâng cao. 

Tỉnh đề ra mục tiêu đến cuối năm 2023 phấn đấu có 73/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 72,3%), có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm tỷ lệ 11,8%).

Các huyện Hải Lăng và Triệu Phong hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện Cam Lộ cơ bản đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Có 21 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn thôn nông thôn mới.

anh man hinh 2023 11 23 luc 210525.png
Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị cơ bản đạt lộ trình đề ra. 

Mục tiêu chương trình, lộ trình thực hiện xây dựng nông thôn mới các cấp đã được xác định; nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 cho từng địa phương cũng được xác định rõ, làm cơ sở để các địa phương chủ động huy động và lồng ghép các chương trình dự án, huy động sự đóng góp của người dân để xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, hoạt động thông tin, tuyên truyền tiếp tục phát huy hiệu quả. Phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” đã đi vào cuộc sống, thu hút được người dân và cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới.

Phong trào xây dựng thôn nông thôn mới, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu ở nhiều địa phương đã thúc đẩy chương trình đi vào chiều sâu, bền vững. Công tác kiểm tra, giám sát được coi trọng, đã kịp thời chấn chỉnh những vi phạm, sai lệch trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhờ vậy đến nay, các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2023 đang gấp rút hoàn thiện các chỉ tiêu còn lại và thực hiện các thủ tục, hồ sơ trình xét công nhận. Các huyện Triệu Phong, Hải Lăng cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hạng mục, công trình và các thủ tục, hồ sơ trình thẩm định, xét công nhận huyện nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2023 của tỉnh vẫn còn một số khó khăn. Đó là Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nâng cao cả về chất và lượng, nhiều chỉ tiêu khó thực hiện, cần nhiều nguồn lực và thời gian để hoàn thiện, trong khi Bộ tiêu chí mới được ban hành vào tháng 7/2022. Một số chỉ tiêu, tiêu chí hiện nay chưa có hướng dẫn thực hiện...

Chính vì thế, để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo mục tiêu, kế hoạch đề ra, trong năm 2024, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, người dân nhằm khơi dậy tinh thần chủ động, tự nguyện, tự giác, phát huy nội lực, sáng tạo, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về xây dựng huyện nông thôn mới...

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí. Các huyện Hướng Hóa, Đakrông tiếp tục chỉ đạo, có kế hoạch cụ thể, theo dõi sát lộ trình thực hiện, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn cho các xã; trong đó quan tâm chỉ đạo các tiêu chí thuộc về trách nhiệm của địa phương và cần ít nguồn lực.

Thuý Tình và nhóm PV, BTV