Tiếp nối những kết quả đã đạt được của Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018, Tỉnh uỷ Quảng Ninh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 (Nghị quyết số 17) về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Theo đó, Nghị quyết số 17 đã đặt ra 18 mục tiêu phát triển con người Quảng Ninh toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tình yêu quê hương, đất nước với các đặc trưng “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh” phù hợp với xu thế thời đại, thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, trên cơ sở kết hợp hài hoà các giá trị đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc”.
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương ở Quảng Ninh đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn từng cơ quan, đơn vị. Thành phố Móng Cái là một trong số các địa phương đã triển khai hiệu quả Nghị quyết số 17 gắn với thực hiện chủ đề công tác năm: “Hoàn thành các quy hoạch, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Móng Cái”.
TP Móng Cái xác định mục tiêu chung đó là xây dựng và phát triển con người Móng Cái toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tình yêu quê hương, đất nước gắn với hệ giá trị con người Quảng Ninh “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh”, đồng thời tiếp tục phát huy giá trị các đặc trưng riêng có của con người Móng Cái: “Năng động, Sáng tạo, Hào sảng, Lành lạnh, Văn minh, Thân thiện” phù hợp với xu thế thời đại và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực hiện chuyển đổi số quốc gia và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, xây dựng và phát triển nền văn hoá Móng Cái đa dạng, giàu bản sắc, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu, nghèo và chênh lệch vùng miền, trên cơ sở kết hợp hài hoà các giá trị đặc trưng của tỉnh để văn hoá, con người Móng Cái thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực cho phát triển nhanh, bền vững; góp phần hiện thực hoá mục tiêu xây dựng Móng Cái trở thành thành phố kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, cảng biển trọng điểm của Quảng Ninh.
Đến nay, chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nâng cao, phát huy sức mạnh, vai trò làm chủ nhân dân; nâng cao dân trí, thay đổi tập quán sinh hoạt, xóa bỏ những tập tục, thói quen lạc hậu; xây dựng nếp sống văn hóa của từng khu dân cư, cơ quan đơn vị; các nét đẹp văn hóa truyền thống được quan tâm giữ gìn; công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc được chú trọng;… Qua đó, từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân theo các tiêu chí của “hạnh phúc”; góp phần thực hiện mục tiêu về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Móng Cái đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo ngành văn hóa và các địa phương tích cực triển khai các dự án, đề án về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có việc coi trọng giáo dục văn hóa truyền thống. Nhiều địa phương có đông đồng bào các dân tộc sinh sống đã nỗ lực bảo tồn di sản văn hoá của cộng đồng dân cư.
Bình Liêu là huyện có hơn 96% dân số là đồng bào DTTS, đây là vùng đất có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của đồng bào Tày, Dao, Sán Chỉ… Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 17, huyện đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn huyện.
Huyện đã tích cực, chủ động khôi phục và duy trì các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của các DTTS, như: Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày, hội hát tháng ba của dân tộc Sán Chỉ, hội kiêng gió của người Dao Thanh Phán, chợ phiên vào chủ nhật hằng tuần. Trong đó phải kể đến nghi lễ Then cổ của dân tộc Tày nằm trong hợp phần di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ ở Bình Liêu cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đến thôn Nà Ếch (xã Húc Động), ai ai cũng nhắc đến chị Lục Thị Cọm bởi chị là người có giọng hát Soóng Cọ hay nổi tiếng nơi đây. Để làn điệu dân ca của dân tộc mình không bị mai một dần, ngày ngày chị Cọm đều tập hát và sưu tầm những bài hát cổ, đồng thời chị cùng các nghệ nhân trong thôn, làng sáng tác thêm những bài hát mới để truyền dạy cho thế hệ trẻ nhằm giữ gìn, bảo tồn, di sản hát Soóng Cọ.
Không chỉ có di sản hát Soóng Cọ, những năm qua, Bình Liêu rất chú trọng xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của CLB văn nghệ nhằm xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở, giữ gìn và phát huy các loại hình dân ca truyền thống như hát then của dân tộc Tày, hát pả dung của dân tộc Dao. Huyện Bình Liêu cho biết, đến nay, huyện có 21 CLB văn nghệ, trong đó có 9 CLB văn nghệ cấp xã, duy trì sinh hoạt đều đặn tại các bản làng.
Bên cạnh đó, Bình Liêu cũng từng bước xây dựng bản làng văn hóa đặc trưng cho các dân tộc thiểu số, trở thành “bảo tàng sống” trải nghiệm văn hóa các dân tộc.
Đặc biệt, để phát huy giá trị, vẻ đẹp của trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn, từ năm 2019, UBND huyện đã triển khai và duy trì việc mặc trang phục truyền thống dân tộc trong trường học, cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp trực thuộc vào các ngày quy định trong tuần… Qua đó, không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn trang phục dân tộc trong cộng đồng, mà còn không ngừng lan tỏa, quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp mảnh đất, con người Bình Liêu.
Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Bình Liêu Hoàng Ngọc Ngò, cho biết, thời gian qua, huyện luôn quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thời gian qua đã có hiệu quả tích cực, góp phần không nhỏ tạo nên những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên sự phong phú, đa dạng hóa đời sống tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn. Từ đó, tính tự quản, ý thức cội nguồn, đoàn kết cộng đồng trong các thôn, bản, khu phố của các DTTS trên địa bàn được duy trì và phát huy.