Công dân số được xem là yếu tố nền tảng đối với sự phát triển xã hội số, đồng thời quyết định sự thành công của chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trên tinh thần đó, nhiều giải pháp đang được các cấp, ngành trong tỉnh tập trung nhằm phát triển công dân số.
Cuối tháng 8 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Viettel Quảng Ninh, VNPT Quảng Ninh tổ chức chương trình trao tặng 250 điện thoại thông minh cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Bình Liêu và huyện Ba Chẽ.
Ngoài việc trao tặng điện thoại, các hộ dân còn được phổ biến những thông tin về chuyển đổi số và được cung cấp sim 4G, hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, tài khoản định danh điện tử trên điện thoại.
Đây là hoạt động nhân văn, thiết thực của Công an tỉnh nhằm hỗ trợ người dân trên hành trình trở thành những công dân số, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 06 và mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Tại TP Hạ Long, để xây dựng công dân số, thành phố đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cùng với hạ tầng số được đầu tư cơ bản giúp người dân ứng dụng rộng rãi công nghệ số trong thực hiện các thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Đặc biệt, thành phố mở nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân khi hoạt động trên môi trường số bảo đảm an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật.
Hiện trên địa bàn thành phố có gần 3.000 chữ ký số miễn phí được cấp để người dân ký số giải quyết TTHC; tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa đạt 62,5%; cài đặt ứng dụng VNeID và kích hoạt định danh mức 2 đạt 87%; trên 93% người dân có sổ bảo hiểm y tế điện tử; người dân có điện thoại thông minh đến nay đã đạt trên 96%.
Đến nay, thành phố đã cấp 264.866 CCCD gắn chíp điện tử cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn; phối hợp với công an các xã, phường thực hiện thu nhận và kích hoạt 230.540 tài khoản định danh điện tử đạt 87%.
Để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số, thời gian qua các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng hiệu quả các ứng dụng số.
Tiêu biểu như Hội Nông dân tỉnh đã thành lập nhân rộng và ra mắt 5 mô hình câu lạc bộ nông dân với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân với 375 hội viên tham gia.
Đồng thời, hỗ trợ trên 5.000 hội viên nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử, trong đó ít nhất 1.500 tài khoản có phát sinh giao dịch...
Hội Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 18 hội nghị tập huấn, giới thiệu ứng dụng nền tảng số trong quản lý kinh doanh và tiêu dùng thông minh.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tổ chức gần 100 lượt tuyên truyền nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp…
Các tổ công nghệ số cộng đồng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, như: Lan toả rộng rãi ý nghĩa, thông điệp của Làng số đến người dân; tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sim điện thoại 2G sang 4G; hỗ trợ người dân sử dụng điện thoại thông minh 4G; đảm bảo an toàn thông tin mạng và phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng; triển khai Luật Căn cước, VNeID mức độ 2. 6 tháng đầu năm 2024, các tổ đã hỗ trợ trên 2.800 lượt người dân tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia và nộp hồ sơ, thực hiện TTHC trên môi trường mạng.
Ngoài việc nâng cao nhận thức cho công dân trên hành trình trở thành công dân số, chính quyền cũng cần có cơ chế chính sách để khuyến khích người dân trong vấn đề sử dụng các tiện ích mà công nghệ mang lại.
Đồng thời đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng số; xây dựng, phát triển nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng tiện lợi trong giao dịch với chính quyền và tra cứu thông tin.
Theo Yến Vy (Báo Quảng Ninh)