Đón đầu làn sóng đầu tư
Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CNCBCT) được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng, là một trong ba trụ cột chính của nền công nghiệp.
Bởi vậy tỉnh tập trung thu hút có chọn lọc các dự án CNCBCT công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách. Cùng với đó, tập trung phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Với các định hướng đúng đắn, Quảng Ninh tích cực mở cửa đón đầu làn sóng đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ vào khu vực CNCBCT.
Điển hình, trong tháng 3/2021, Công ty Jinko Solar - một trong những nhà sản xuất tấm quang năng hàng đầu, nắm giữ 12,6% thị trường toàn cầu đã đầu tư gần 500 triệu USD vào KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) để triển khai dự án tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam. Đây là dự án FDI có tổng mức đầu tư cao nhất vào địa bàn các KCN của Quảng Ninh đến nay.
Tháng 9 vừa qua, doanh nghiệp này tiếp tục được trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam với số vốn đầu tư hơn 365 triệu USD. Sau khi đi vào hoạt động, dự kiến dự án sẽ có doanh thu bình quân năm hơn 25.654 tỷ đồng; nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (sau thời gian ưu đãi về thuế) 461,3 tỷ đồng, giúp giải quyết việc làm cho 2.188 lao động địa phương.
Trước đó, Foxconn, tập đoàn xếp thứ 24 trong nhóm 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu, là nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho các “ông lớn” công nghệ như Apple, Motorola, Nokia và HP…, đã đầu tư vào KCN Đông Mai (TX Quảng Yên). Cuối năm 2020, sau 1 năm triển khai đầu tư, dự án đã cho ra mắt lô sản phẩm ti vi đầu tiên. Năm 2021, nhà máy của Foxconn tại KCN Đông Mai dự kiến sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi với giá trị xuất khẩu khoảng 250 triệu USD. Foxconn đang chuẩn bị mở rộng dự án và thu hút các nhà đầu tư để tạo thành chuỗi liên kết sản xuất tại KCN Đông Mai, trở thành doanh nghiệp hàng đầu về giá trị xuất khẩu tại tỉnh Quảng Ninh.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chao đảo bởi đại dịch Covid-19, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, Quảng Ninh vẫn đón nhận sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới với số vốn đầu tư khủng, hình thành chuỗi cung ứng khép kín trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Đây được xem là động lực tăng trưởng kinh tế hấp dẫn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam chính thức tham gia các Hiệp định CPTPP, EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEF).
Động lực tăng trưởng kinh tế
Với hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, các KCN, đường cao tốc hiện đại, có hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế đánh giá Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển ngành CNCBCT.
Nếu như năm 2010, Quảng Ninh mới có 291 doanh nghiệp chế biến, chế tạo, thì đến năm 2020 đã tăng lên 841, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Tổng nguồn vốn đầu tư ngành CNCBCT giai đoạn 2010 - 2020 đạt gần 69.000 tỷ đồng, chiếm hơn 13% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh, chiếm gần 29% tổng vốn toàn ngành công nghiệp và giải quyết việc làm cho hơn 54.000 lao động mỗi năm.
9 tháng đầu năm 2021, ngành CNCBCT có cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn thứ ba trong nền kinh tế của tỉnh (chiếm 11,7%), đã tăng tới 36,2% so cùng kỳ năm 2020, vượt 14,7% kịch bản tăng trưởng, đóng góp 3,7 điểm % trong tốc độ tăng GRDP của tỉnh. Đây cũng là ngành đóng góp tăng trưởng lớn nhất trong GRDP của tỉnh. CNCBCT tiếp tục là lĩnh vực có sự tăng trưởng mạnh, tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế Quảng Ninh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, việc giữ được địa bàn an toàn chính là điều kiện thuận lợi để các ngành, lĩnh vực kinh tế có cơ hội phát triển. Đối với ngành CNCBCT, từ rất sớm tỉnh đã chỉ đạo các giải pháp phù hợp để duy trì hoạt động sản xuất ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Do vậy, dù diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp trong cả nước, nhưng chuỗi sản xuất của tỉnh, không bị đứt gãy; các dự án sản xuất của ngành này vẫn tăng trưởng tốt.
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành CNCBCT trong GRDP đạt 15%, đến năm 2030, con số này đạt 20%. Để hiện thực hoá được điều này, địa phương đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, tác động đến môi trường. Đồng thời, ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh…
Để trở thành mảnh đất màu mỡ của ngành CNCBCT, lãnh đạo Quảng Ninh cho biết tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá về hạ tầng giao thông, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, chuyển dịch tích cực cơ cấu lao động theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Ngành CNCBCT của tỉnh vẫn là điểm sáng trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của tỉnh trong giai đoạn tới.
Ngọc Minh