Do tác động của bối cảnh thế giới và hậu quả nặng nề của dịch bệnh Covid-19... hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, thất nghiệp gia tăng.
Theo số liệu thống kê của Sở Tài chính, 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn Quảng Ninh có 1.272 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng (tăng 12% so với cùng kỳ), 280 doanh nghiệp giải thể (tăng 6% so với cùng kỳ); 569 doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ địa chỉ kinh doanh. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng và giải thể tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do gặp khó khăn về thị trường, vốn, lao động…
Theo kết quả khảo sát DDCI năm 2022 của tỉnh Quảng Ninh về nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cho thấy, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh hiện nay đang gặp khó khăn và có nhu cầu được hỗ trợ về tìm kiếm thông tin thị trường; tuyển dụng lao động phổ thông, tuyển dụng lao động trình độ cao; xây dựng và phát triển thương hiệu; đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu; tiếp cận vay vốn; quản lý chất lượng và cải thiện năng suất, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tìm kiếm đối tác kinh doanh và mở rộng thị trường…
Để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã vượt qua giai đoạn khó khăn này, từ đầu năm 2023 đến nay, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Vào cuối tháng 4/2023, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2023 với sự tham dự của gần 500 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải.
Tại hội nghị này, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh được trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đã được các sở, ngành liên quan giải đáp, và đưa ra những giải pháp giải quyết sau hội nghị như việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh.
Tiếp đó, vào cuối tháng 6/2023, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư nhằm tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nhà đầu tư theo thẩm quyền. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị;...
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Ninh đã kịp thời tham mưu cho Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay tại ngân hàng ngay sau khi được cấp nguồn kinh phí. Theo đó, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã triển khai hỗ trợ lãi suất với mức 2%/năm đối với 11 chương trình tín dụng có lãi suất vay vốn trên 6%/năm cho các khoản vay đủ điều kiện trong năm 2022-2023. Tính đến nay, toàn tỉnh có 40.214 lượt khách hàng được hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền là 39,2 tỷ đồng (hỗ trợ cho hộ vay từ nguồn vốn trung ương 26,8 tỷ đồng, hỗ trợ hộ vay từ nguồn vốn địa phương 12,4 tỷ đồng).
Đặc biệt, tháng 7/2023, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ- HĐND về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và coi việc tháo gỡ khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Nghị quyết chính là nguồn động lực tiếp sức giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh phục hồi ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; nâng cao chất lượng điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong bối cảnh các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, thất nghiệp gia tăng thì việc ban hành Nghị quyết số 155/NQ-HĐND là cần thiết trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Từ đó các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt với các giải pháp thiết thực, kịp thời đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.