Chuyển đổi số về từng xã, thôn, bản 

Xác định chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh triển khai công tác chuyển đổi số tới tận các xã, thôn, bản.

Thời gian qua, các tổ công nghệ số cộng đồng được triển khai rộng khắp, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân chủ động làm quen với các dịch vụ tiện ích trên không gian mạng, cài đặt các phần mềm chuyển đổi số, nâng cao nhận thức về an toàn an ninh mạng...

nongthon1.jpg
Tổ Công nghệ số cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người" chuyển đổi số

Tại các xã vùng cao của huyện Tiên Yên như Đại Dực, Hà Lâu hay Điền Xá, 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Các tổ công nghệ số cộng đồng đã tích cực hướng dẫn người dân cài phần mềm VssID, thanh toán tiền điện, tiền nước qua điện thoại, cập nhật tin tức trên trang thông tin điện tử địa phương... Nhiều hộ kinh doanh trong xã đã bắt đầu biết quảng bá các sản phẩm trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để mở rộng tiêu thụ, nâng cao thu nhập. 

Trên địa bàn huyện Bình Liêu, công tác chuyển đổi số được địa phương nỗ lực triển khai trong tất cả các mặt đời sống xã hội như đẩy mạnh đầu tư hạ tầng; mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, đặc biệt là trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, truy suất nguồn gốc nông sản; đẩy mạnh thanh toán điện tử; thanh toán không tiền mặt…

Mô hình thôn, xã thông minh được xác định là một chỉ tiêu để một xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu cũng đang được nhân rộng ở nhiều địa phương: xã Quảng Tân, Dực Yên (huyện Đầm Hà), xã Cẩm La (TX Quảng Yên), xã Việt Dân (TX Đông Triều), xã Hoành Mô, Húc Động (Bình Liêu)…

Triển khai mô hình này, hệ thống wifi công cộng, camera an ninh tại các điểm ngã ba, ngã tư các trục đường giao thông trong thôn, xã được triển khai rộng khắp; tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và Internet tăng, người dân tích cực hưởng ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, các ứng dụng số. 

Đến nay, tại Quảng Ninh 100% khu dân cư tập trung đã có kết nối Internet băng rộng cố định; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đã đạt 95%; 89,13% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; 100% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng…

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất

Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh cũng tích cực áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ ứng dụng công nghệ trong lựa chọn giống, bảo quản, chế biến, các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, tự động hoá đang được áp dụng ngày càng rộng rãi. Số lượng máy và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Toàn tỉnh hiện có trên 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 90% diện tích canh tác, trên 2.500 máy tuốt đập, 3.000 máy xay xát đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất và trên 700 máy gieo sạ, đáp ứng khoảng 40% diện tích cấy lúa...

nongthon2.jpg
Áp dụng hệ thống châm phân dinh dưỡng tự động trong trồng dưa

Hiện Quảng Ninh đã hoàn thiện phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/. Hệ thống cấp tài khoản tham gia quản lý các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn; đấu nối với “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, sản thực phẩm của TP. Hà Nội”, liên thông đồng bộ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Qua các trang điện tử, 456 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh được quảng bá rộng rãi, vươn xa tới các thị trường trong nước và quốc tế.

Trong 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh đã có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 54/98 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 26/98 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 7/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 huyện đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025...

Những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số đang góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn với thành thị. Điều này tạo động lực để Quảng Ninh phấn đấu đạt mục tiêu thêm 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 58/98 xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao; 32/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2023-2025.

N.H