Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, bên cạnh các yếu tố chính như hạ tầng thiết yếu phần cứng và phần mềm, các ứng dụng chuyên ngành, nguồn nhân lực CNTT… thì cơ sở dữ liệu được coi là yếu tố quan trọng nhất của cả hệ thống chuyển đổi số. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, tỉnh đã tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện số hóa, phát triển dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị.
Cơ sở dữ liệu (Database) là hệ thống bao gồm rất nhiều thông tin, dữ liệu bao trùm rộng khắp tất cả các ngành, lĩnh vực, được xây dựng theo một cấu trúc nhất định, đồng nhất và lưu trữ trên hệ thống máy chủ dùng chung, nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của nhiều người, nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức, hay sử dụng để chạy nhiều chương trình trong cùng một thời điểm cho nhiều mục đích, công việc khác nhau. Cơ sở dữ liệu có thể ví như “mạch máu” trong hệ thống chuyển đổi số. Vì phải có dữ liệu đầu vào thì các hệ thống thành phần của chuyển đổi số mới có thể vận hành trơn tru, chính xác, cho ra kết quả thực tế, chính xác.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, suốt thời gian qua, Quảng Ninh đã tích cực hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung của tỉnh theo dạng dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp, có tích hợp hệ thống báo cáo thống kê, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của tỉnh với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đến nay, đã hoàn thành việc điều chỉnh kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh của Quảng Ninh với hệ thống EMC, đảm bảo đồng bộ dữ liệu giữa 2 hệ thống; duy trì đảm bảo đối với các kết nối đã triển khai; thử nghiệm kết nối với Hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID); nghiên cứu, thực hiện xây dựng API tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh, khai tử từ phần mềm dịch vụ công liên thông và phân luồng hồ sơ về đơn vị xử lý...
Đặc biệt, các sở, ngành liên quan cũng đã tích cực triển khai nội dung này và đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Điển hình như Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tổng hợp Bản đồ nền GIS và chuẩn hóa GIS để phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu các giá trị di sản, tài nguyên du lịch, môi trường Vịnh Hạ Long, bổ sung hệ thống thông tin về hệ sinh thái hồ nước mặn trên Vịnh Hạ Long.
Thu thập video 360o các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long. Kho bạc Nhà nước tỉnh cung cấp cổng trao đổi dữ liệu qua internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Chuẩn kết nối thông tin dữ liệu và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị sử dụng ngân sách vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước, giúp liên thông chứng từ, hồ sơ chi ngân sách nhà nước, hạn chế tối đa tình trạng trùng lặp trong nhập liệu.
Ngành Hải quan đã xây dựng được 14 loại dữ liệu chuyên ngành và hoàn thành việc đối chiếu chuẩn dữ liệu getin, getout để thực hiện triển khai Hệ thống quản lý Hải quan tự động (VASSCM) với các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi thuộc địa bàn quản lý theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan. Thực hiện đối chiếu, chốt dữ liệu của các doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng miễn thuế từ hệ thống cửa hàng miễn thuế cũ sang hệ thống mới.
Các lĩnh vực giáo dục, y tế cũng thực hiện hiệu quả việc số hóa, khai thác dữ liệu. Hiện toàn bộ thông tin của gần 22.000 cán bộ, giáo viên, 350.000 học sinh trên toàn tỉnh được cập nhật lên phần mềm trực tuyến. Các trường tiểu học, trung học trên toàn tỉnh sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy giúp nâng cao công tác quản lý, quản trị, tra soát các thông tin về học sinh theo hướng khoa học, hệ thống.
Hiện đã có hơn 1,3 triệu nhân khẩu trên địa bàn tỉnh được quản lý sức khỏe và đồng bộ tích hợp lịch sử khám chữa bệnh với ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”; 100% dữ liệu khám chữa bệnh tại các đơn vị được liên thông dữ liệu với Hồ sơ sức khỏe.
Ngành LĐ-TB&XH cũng đã triển khai cập nhật được 281.419 dữ liệu trẻ em trên địa bàn vào cơ sở dữ liệu trẻ em của tỉnh, tương đương hoàn thành 80,57%; triển khai thu thập, cập nhật trên hệ thống CSDL Bảo trợ xã hội trên 45.000 đối tượng bảo trợ xã hội, tương đương hoàn thành 100%. Tính đến ngày 9/6, toàn tỉnh đã có 286.598 người lao động được cập nhật thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu về lao động, tương đương hoàn thành 44,81%...
Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai số hóa, chuẩn hóa cấu trúc thông tin dữ liệu chủ và dữ liệu dùng chung, đảm bảo chia sẻ, tái sử dụng giữa các ngành, các cấp trong cơ quan nhà nước và mở cho người dân, doanh nghiệp, hướng đến phục vụ ngày càng tốt hơn chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Theo Hoài Anh (Báo Quảng Ninh)