Ứng dụng công nghệ hiện đại
Đông Triều là một trong những điểm sáng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững ở Quảng Ninh. Nhiều công ty nông nghiệp, HTX tại thị xã tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Tiêu biểu như Công ty TNHH Long Hải với dây chuyền tự động sản xuất nấm theo công nghệ sinh học trong nhà lạnh của Nhật. Với dây chuyền này, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng đều được kiểm soát theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cây nấm phát triển tốt với hàm lượng vi chất cao. Nhờ đó công ty có sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh, đưa vào nhiều siêu thị, tiêu thụ rộng rãi.
Tháng 4/2022, Đông Triều là địa phương đầu tiên trong tỉnh đưa vào sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu, giúp tiết kiệm chi phí thuốc trừ sâu, lượng nước tưới, tăng năng suất và bảo vệ sức khỏe người nông dân.
Tại huyện Đầm Hà, Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh là đơn vị tiên phong đầu tư dự án Khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao với khu nhà sản xuất tảo, khu sản xuất thức ăn tươi sống Artemia, phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế, hệ thống lọc nước tự động hiện đại; hệ thống tự động cho tôm ăn… Nhờ đó công ty đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất con giống chất lượng cao, hướng đến sản lượng 2 tỷ con giống tôm trong năm.
Số hóa sản xuất, nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Tiên Yên đã trang bị hệ thống camera giám sát chuồng, trại giúp giảm sức lao động và chi phí sản xuất. Hiện có trên 400 cơ sở chăn nuôi ở Tiên Yên theo quy mô tập trung; trong đó khoảng 20% cơ sở áp dụng đổi mới các hình thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bằng cách tích hợp công nghệ kỹ thuật số, đem lại hiệu quả kinh tế.
Tích cực số hoá nông nghiệp
Theo đại diện Sở nông nghiệp&PTNT tỉnh Quảng Ninh, ngành nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu tập trung phát triển chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển TMĐT trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Thời gian qua, người dân, doanh nghiệp, HTX tại Quảng Ninh đã tập trung chuyển đổi số trong sản xuất, chăn nuôi, chủ động phối hợp trong việc cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho sản phẩm.
Từ năm 2021, toàn tỉnh đã có trên 1.000ha vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, trên 90ha vùng trồng trọt hữu cơ, 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP lĩnh vực chăn nuôi, 416 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu Trung Quốc, duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm.
Quảng Ninh cũng đã đưa phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn vào hoạt động. Hệ thống hiện đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho 142 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế… trên địa bàn; tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn.
Đồng hành với người nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã hỗ trợ cung cấp thông tin 456 sản phẩm OCOP của 13 địa phương trong tỉnh với 27 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhiều trang thông tin điện tử, siêu thị, chợ và 5 sàn TMĐT; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho 418 cơ sở doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn TMĐT.
Chuyển đổi số đang được xem là giải pháp chiến lược, giúp ngành nông nghiệp Quảng Ninh tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp, trở thành “chìa khóa” mở cánh cửa cho nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Ngọc Minh