Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đầu năm 2022, BTV Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu bao quát trên 3 trụ cột: Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 09 đã đem đến nhiều lợi ích thiết thực, có tác động tích cực tới mọi mặt đời sống, xã hội.
Lấy người dân làm chủ thể
Xác định chuyển đổi số trước hết phải lấy người dân làm chủ thể trong việc thực hiện và thực sự đem lại những tiện ích thiết thực để người dân thụ hưởng, ngay từ khi Nghị quyết 09 được ban hành, tỉnh luôn tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, có ý nghĩa với đời sống của Nhân dân.
Điển hình như ngành y tế, tỉnh đã dành nguồn lực đầu tư cũng như chủ động đẩy mạnh công tác chuyển đổi số từ tuyến tỉnh tới cơ sở. Tiến trình chuyển đổi số trong ngành y tế được bắt đầu từ sớm với việc ứng dụng sâu và rộng hệ thống phần cứng và phần mềm công nghệ thông tin vào hoạt động.
Từ năm 2017, tỉnh đã bắt tay vào triển khai xây dựng 3 bệnh viện thông minh: Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi với việc xây dựng hạ tầng CNTT cứng phục vụ hoạt động của viện cùng hệ thống các phần mềm chuyên môn. Đặc biệt, 3 bệnh viện thông minh của Quảng Ninh nằm trong số 10 bệnh viện đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế công nhận đáp ứng các tiêu chí bệnh án điện tử.
Đến hết năm 2023, đã có thêm 4 đơn vị, gồm: Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, TTYT huyện Hải Hà, TTYT huyện Tiên Yên và TTYT TP Móng Cái đủ điều kiện triển khai bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy.
Hiện nay, 100% bệnh viện, trạm y tế, phòng khám trên địa bàn tỉnh đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý thông tin khám chữa bệnh trực tuyến; 100% đơn vị đã kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán BHYT với cổng giám định BHXH Việt Nam, đơn thuốc quốc gia và Hồ sơ sức khỏe điện tử của tỉnh.
Cùng với đó, công tác khám chữa bệnh từ xa thông qua các hệ thống Telehealth, Telemedicine tiếp tục phát huy hiệu quả. 18 đơn vị y tế của tỉnh đã kết nối với 11 đơn vị y tế tuyến trung ương, thường xuyên tiếp nhận giảng dạy, hội chẩn từ xa, hỗ trợ chuyên môn.
Đặc biệt, trên nền tảng ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06, ngành y tế tỉnh cũng đã nhanh chóng triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT và liên thông dữ liệu. Đồng thời thực hiện khởi tạo, cập nhật dữ liệu ban đầu cho gần 1,39 triệu người dân trên phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh Quảng Ninh.
Để tạo thuận lợi cho người bệnh, tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã và đang được triển khai rộng khắp ở các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; trung bình 70% số tiền viện phí tại các đơn vị y tế trong toàn tỉnh đã được thanh toán trực tuyến.
Cùng với ngành Y tế, ngành Giáo dục cũng là một trong những ngành trọng điểm có những bước đi chủ động, tích cực trong tiến trình chuyển đổi số, bước đầu mang lại những lợi ích thiết thực phục vụ người dân.
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục có đường truyền Internet cáp quang và máy tính phục vụ công tác quản lý điều hành; 100% công tác chỉ đạo điều hành của Sở GD&ĐT, 13 phòng GD&ĐT và 645 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều được xử lý trên hệ thống nền tảng dùng chung của tỉnh; 100% văn bản đều được ký số khi giải quyết hồ sơ công việc; 100% TTHC đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến, tích hợp vào dịch vụ công quốc gia và xử lý toàn trình theo quy định.
Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong dạy và học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành trên phần mềm quản lý trường học trực tuyến http://qlth.quangninh.edu.vn.
Hiện nay, hệ thống phần mềm đã thu thập được cơ sở dữ liệu của toàn bộ người học, nhà giáo các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh và được kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT.
Đến nay 100% các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên đã thực hiện báo cáo kết quả thực hiện thống kê cuối năm học, báo cáo kết quả thực hiện cập nhật dữ liệu trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục theo quy định trên cơ sở dữ liệu ngành.
Năm 2022 và 2023, Sở GD&ĐT đã phối hợp cùng các ngành cập nhật hơn 300.000 số định danh cá nhân của cán bộ, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên (đạt tỉ lệ 99,44%); hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu ngành giáo dục qua cổng thông tin của Bộ GD&ĐT với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, 100% trường có cấp THPT sử dụng cơ sở dữ liệu ngành phục vụ tuyển sinh vào lớp 10; 70,4% trường tiểu học, THCS sử dụng cơ sở dữ liệu ngành phục vụ tuyển sinh lớp 1, lớp 6.
Cùng với đó, 100% cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng cơ sở dữ liệu ngành để phát triển các ứng dụng quản trị trường học, lập báo cáo, kế hoạch; 100% cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên triển khai thực hiện quản lý, sử dụng sổ điện tử thay thế cho hồ sơ giấy…
Chuyển đổi số trong giáo dục đã góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục. Từ đó, xây dựng nền giáo dục mở, thích ứng trên nền tảng số, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia, góp phần phát triển chính quyền số, xã hội số.
Tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống
Được triển khai đồng bộ trên cả 3 trục: Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số, chuyển đổi số toàn diện đã cho thấy nhiều kết quả tích cực, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển KT-XH ngày càng nhanh và bền vững của tỉnh.
Trong trục chính quyền số, một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất được tỉnh đặt mục tiêu cụ thể và quyết tâm thực hiện tốt là xây dựng một nền hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09, đến nay, ở cấp tỉnh đã cung cấp được 1.240 TTHC dưới dạng dịch vụ công trực tuyến (đạt tỷ lệ gần 91%); trong đó có 908 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 332 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần.
Ở cấp huyện và cấp xã, các TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã đạt 100%. Đồng thời, tỉnh cũng đã tích hợp, kết nối 1.248 dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đến nay, 100% hồ sơ TTHC tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã được số hóa đầu, ký số kết quả giải quyết và trả cho người dân trên môi trường số để tái sử dụng; 100% Trung tâm Hành chính công các cấp chấp nhận thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, công việc ở cả ba cấp từ tỉnh đến xã được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử...
Ở trục kinh tế số, kết quả tích cực nhất đã thu về sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 là việc 100% các doanh nghiệp điện, nước, viễn thông trên địa bàn đã chuyển đổi sang sử dụng hợp đồng điện tử; 100% doanh nghiệp, 95% hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Mô hình chợ 4.0 chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai đến 100% các chợ trung tâm tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đủ điều kiện tham gia thương mại điện tử và phát sinh giao dịch. Trong đó, sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên biệt OCOP của tỉnh Quảng Ninh đang từng bước hoạt động hiệu quả với hơn 200 nghìn lượt truy cập và gần 400 đơn hàng phát sinh trong năm 2023.
Trong trục xã hội số, các mục tiêu của Nghị quyết số 09 cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Hiện toàn tỉnh có 2,2 triệu tài khoản hoạt động/3,2 triệu tài khoản, bình quân có trên 2 tài khoản/1 người từ 15 tuổi trở lên; trong đó có gần 800 nghìn tài khoản đã kích hoạt chức năng thanh toàn không dùng tiền mặt.
100% các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, dịch vụ điện, nước, thu phí và lệ phí ở cấp tỉnh, cấp huyện và các xã khu vực đồng bằng đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
100% dân cư đã được thu nhận hồ sơ cấp CCCD và làm sạch dữ liệu, đồng bộ với Dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ nhiều tiện ích của chuyển đổi số. 100% dữ liệu BHXH đóng và tạm trú tại các khu công nghiệp, dữ liệu nhà mạng được rà soát làm sạch; số hóa hồ sơ CMND 9 số đạt tỷ lệ 100%; cấp tài khoản định danh điện tử đạt tỷ lệ 100%...
Trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, các nhiệm vụ, mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết số 09 sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện đồng bộ. Trong đó, tỉnh và các sở, ngành chức năng xác định sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên cho chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm được xác định là động lực phát triển, như: y tế, giáo dục – đào tạo, du lịch, công nghiệp, giao thông vận tải và logistics...
Đồng thời tập trung nhìn nhận các điểm nghẽn, những hạn chế trong giai đoạn 2 năm qua để tìm giải pháp khắc phục. Qua đó tiếp tục đưa chuyển đổi số thành một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”.
Theo Song Hà (Báo Quảng Ninh)