Cẩm nang du lịch thu gọn trong một mã QR

Cuối năm nay, anh Đức Quang (Hoà Bình) dự định đưa vợ con đi du lịch Quảng Ninh, trải nghiệm ngắm vịnh Hạ Long mùa đông. Hỏi thông tin từ một anh bạn người địa phương về các địa điểm tham quan, ăn uống, anh Quang được gửi cho một mã QR.

“Mới nhận mã QR mình thấy hơi chưng hửng, nghĩ chỉ là một trang tin thông thường. Truy cập vào mới thấy đây chính là một cẩm nang từ A - Z về du lịch Hạ Long, không thiếu gì hết. Bao gồm các đảo, hang trên vịnh Hạ Long, danh thắng trên bờ cho đến các điểm giải trí trong thành phố, đặc sản địa phương… được trình bày song ngữ ngắn gọn, hấp dẫn”, anh Quang chia sẻ.

Được biết, bên cạnh mã QR cẩm nang du lịch Hạ Long, du khách cũng có thể tìm thấy nhiều clip quảng bá du lịch Hạ Long được tích hợp trên ứng dụng Smart Hạ Long cũng như trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Ngoài ra, tại các điểm tham quan, di tích nổi tiếng, du khách cũng có thể quét mã QR để tìm hiểu đầy đủ thông tin về giá trị văn hoá, lịch sử.

quang ninh 1.jpg
Du khách quét mã QR các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn phường Hồng Gai, TP. Hạ Long

Không riêng tại Hạ Long, hiện Quảng Ninh có 165 điểm trong tổng số 370 điểm di tích đã được số hóa và gắn mã QR. Mới đây, một mã QR đã được tạo lập bởi AI, cung cấp toàn bộ thông tin về du lịch của huyện miền núi Bình Liêu, từ các điểm đến tham quan, dịch vụ ăn uống, các lễ hội văn hóa, nét đẹp truyền thống đặc sắc của địa phương...

Quảng Ninh đang phấn đấu sẽ số hóa và gắn mã QR tại 100% địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa nhằm mang đến những trải nghiệm trọn vẹn cho du khách. Đồng thời, Sở Du lịch tỉnh cũng đang vận hành và tiếp tục hoàn thiện bản đồ số du lịch Quảng Ninh với các tính năng cơ bản, như: Hướng dẫn đặt phòng trực tuyến, đặt trước xe theo lịch trình, đường dây nóng hỗ trợ và phản ánh chất lượng du lịch...

Một “điểm cộng” đáng nhắc đến của khi du lịch Quảng Ninh chính là việc “số hoá” vé tham quan vịnh Hạ Long. Thay vì một chiếc vé giấy được kiểm tra tại từng điểm tham quan, hóa đơn điện tử tích hợp vé tham quan Vịnh, vé dịch vụ hành khách qua cảng cũng như thông tin lịch trình tham quan sẽ mang lại thuận tiện cho du khách, cơ quan quản lý cũng như đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường.

Thuận lợi thanh toán không dùng tiền mặt

Việc “phủ sóng” thanh toán không dùng tiền mặt cũng gia tăng thêm nhiều trải nghiệm cho du khách ở Quảng Ninh.

Đến nay, bên cạnh việc 100% doanh nghiệp, đơn vị du lịch trên địa bàn tỉnh sử dụng website, các nền tảng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, việc sử dụng tài khoản có chức năng thanh toán trực tuyến để thực hiện các giao dịch thương mại điện tử, chấp nhận thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt cũng được thúc đẩy. Tại khu du lịch Tuần Châu, TP. Hạ Long đang triển khai thí điểm phố thông minh không dùng tiền mặt.

quang ninh 2.jpg
Du khách quét mã QR để thanh toán vé tham quan tại khu du lịch hang động Vũng Đục (TP. Cẩm Phả)

Không chỉ tại các điểm du lịch, nhà hàng hay khách sạn, du khách dễ dàng thanh toán không dùng tiền mặt từ chợ, quán ăn vỉa hè… 

Theo chương trình “Chợ công nghệ mới - Chợ 4.0”, tại chợ Hạ Long I, khoảng 1.200 tiểu thương và khách hàng mua sắm tại đây đã thanh toán các loại phí dịch vụ sử dụng tại chợ bằng chuyển khoản QR thông qua tài khoản Viettel Money. Còn tại chợ Cái Dăm, hơn 500 ki-ốt chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Khách hàng khi tham quan, mua sắm tại chợ cũng được hướng dẫn cài đặt và thanh toán qua ứng dụng VNPT Money. 

Không chỉ với du khách nội địa, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng được đông đảo du khách quốc tế ủng hộ do không cần lo đổi tiền mặt vẫn có thể thanh toán trực tuyến tại nhiều điểm kinh doanh dịch vụ du lịch. Theo nhiều đánh giá, sự tiện lợi này sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh cho du lịch Quảng Ninh cũng như thúc đẩy chi tiêu của du khách khi trải nghiệm dịch vụ.

Quảng Ninh đặt mục tiêu trong năm 2023, tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh tham gia mua sắm qua các kênh trực tuyến đạt 45%; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 35%. Đến năm 2025, sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; Doanh số giao dịch thương mại điện tử tăng bình quân 15%/năm...

Để nâng cao sức cạnh tranh, bắt kịp mục tiêu chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng năm 2030, thời gian tới, ngành du lịch xác định tập trung phát triển công nghệ số phục vụ hoạt động du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào các sản phẩm cũng như quảng bá du lịch; xây dựng đề án di sản số Vịnh Hạ Long quản trị theo mô hình kinh tế tuần hoàn, quản trị di sản bền vững… Những nỗ lực này hứa hẹn tiếp tục mang đến du khách nhiều trải nghiệm hấp dẫn, hiện đại nhưng cũng đầy bản sắc khi đến với Quảng Ninh trong tương lai.

D. An